"Tăng mức giảm trừ gia cảnh phải hợp lý với việc đồng tiền mất giá"
Mới đây, Bộ Tài chính đã xin ý kiến rộng rãi các tổ chức, cá nhân để trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân.
Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị điều chỉnh nâng mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế lên mức 11 triệu đồng/tháng. Mức đề xuất nêu trên là trên cơ sở tính toán như sau: 1,232 nhân (x) 9 triệu đồng = 11,088 triệu đồng, làm tròn 11 triệu đồng. Tương ứng cho mỗi người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/tháng, được tính toán như sau:1,232 nhân (x) 3,6 triệu đồng = 4,4352 triệu đồng, làm tròn 4,4 triệu đồng.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, việc điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh sẽ đảm bảo thực hiện mục tiêu chính sách động viên hợp lý, công bằng, góp phần nâng cao đời sống của người nộp thuế. Ngoài ra, tạo động lực khuyến khích mọi cá nhân ra sức lao động, sản xuất kinh doanh, gia tăng thu nhập làm giàu chính đáng; đảm bảo chính sách đơn giản, rõ ràng, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu thuế, tính tuân thủ pháp luật về thuế. Việc nâng mức giảm trừ gia cảnh cũng góp phần điều tiết hợp lý thu nhập, góp phần thực hiện công bằng xã hội.
Tuy nhiên Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh đánh giá, tăng mức giảm trừ gia cảnh mà Bộ Tài chính đề ra đã hợp lý chưa so với việc đồng tiền mất giá, giá cả các mặt hàng có sự biến động.
Theo ông Lê Đăng Doanh, cần xem xét việc tăng mức giảm trừ gia cảnh ở thành phố và nông thôn, bởi hai khu vực này không giống nhau về thu nhập cũng như điều kiện sống. Để có cái nhìn đa chiều hơn, ông Doanh cho rằng cần có một cuộc hội thảo để tiếp thu thêm nhiều ý kiến.
"Để làm việc đó nên tổ chức một cuộc hội thảo mời các hiệp hội, các tổ chức dân sự có liên quan đến thuế thu nhập cá nhân tham gia phát biểu ý kiến đóng góp, làm sáng rõ những vấn đề người dân quan tâm, bởi hiện nay mới chỉ có ý kiến của bộ tài chính đưa ra. Việc thảo luận cũng sẽ là căn cứ thực tiễn, báo cáo trình lên quốc hội xem xét", ông Doanh cho hay.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh lên 11 triệu đồng/tháng vẫn chủ yếu tập trung vào tầng lớp trung niên trở lên, những người có thu nhập tương đối.
Nếu không điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh thì khó khuyến khích được người dân làm để tăng năng suất, có thu nhập cao hơn. Vị chuyên gia này đánh giá, mức điều chỉnh không cao đối với người có thu nhập đủ đảm bảo chi trả cho những chi phí khác trong gia đình. Bình thường mỗi một gia đình kể cả trung lưu cũng chỉ một hai người làm việc và có mức lương nộp thuế.
"Phải nâng dần ngưỡng tăng lên là hợp lý, không nên coi là đánh vào người nghèo, ngay cả đi làm ở các nơi lương vẫn tăng hàng năm, tăng thường xuyên. Tuy nhiên, tăng mức giảm trừ gia cảnh thế nào thì cần phải xem xét lại, nhất là trong giai đoạn nền kinh tế đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ COVID-19 ", bà Chi nói.
Trước đó, trả lời tại họp báo Chính phủ chiều tối 3/3, Thứ trưởng Vũ Thị Mai khẳng định, mức điều chỉnh này phù hợp với biến động giá cả cũng như Luật thuế thu nhập cá nhân.
Theo bà, vừa qua chỉ số giá tiêu dùng đã có tốc độ tăng đáng kể. So với 1/7/2013, CPI đã tăng 18,7% đến hết tháng 6/2019 và tăng lên 23,2% đến hết tháng 12/2019. Mức giảm trừ gia cảnh mới được tính dựa trên mức tăng 23,2% CPI tại tháng 12/2019.
"Các cơ quan cũng như mọi người dân đều phải thực hiện, tuân thủ Luật Thuế và việc điều chỉnh giảm trừ gia cảnh theo đề xuất lần này", bà Mai khẳng định.