4 trên 6 nền kinh tế lớn ASEAN tăng trưởng âm trong quý I, Việt Nam và Singapore là ngoại lệ
Các đợt bùng phát mới dịch Covid-19 tại nhiều quốc gia Đông Nam Á đang đe dọa tốc độ phục hồi kinh tế, khi Thái Lan mới đây trở thành nước thứ tư trong số sáu nền kinh tế lớn của khu vực chứng kiến kinh tế giảm tốc trong ba tháng đầu năm 2021.
Nền kinh tế Thái Lan tăng trưởng -2,6% so với cùng kỳ năm ngoái, theo công bố của cơ quan hoạch định chính sách kinh tế thuộc chính phủ Thái Lan. So với quý IV/2020, nền kinh tế Thái Lan ghi nhận mức tăng trưởng 0,2%, giảm so với mức tăng trưởng 1,1% của quý liền trước.
Chính phủ Thái Lan đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng trong năm 2021 từ 2,5% -3,5% xuống 1,5% -2,5%, trong lần điều chỉnh giảm thứ hai kể từ cuối năm ngoái đến nay. Dự báo đầu tiên được đưa ra vào tháng 11/2020 cho rằng nền kinh tế Chùa Vàng có thể tăng trưởng 3,5% -4,5% trong năm nay.
Tổng thư ký Hội đồng phát triển xã hội và kinh tế quốc gia (NESDC) Danucha Pichayanan cho biết trong một cuộc họp báo: “Làn sóng bùng phát dịch bệnh nên được kiểm soát trước tháng 6. Việc đẩy nhanh tốc độ tiêm phòng sẽ là yếu tố quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”.
Trong quý đầu tiên, Thái Lan đã bị ảnh hưởng bởi đợt làn sóng virus thứ hai và thứ ba. Trong làn sóng đầu tiên, các cơ sở quán bar, quán rượu karaoke và spa đã bị yêu cầu đóng cửa hoặc rút ngắn thời gian hoạt động. Hiện quốc gia này vẫn chưa thoát khỏi làn sóng dịch bệnh thứ ba. Các nhà hàng ở nhiều địa phương bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh được yêu cầu chỉ phục vụ món ăn mang đi. Người dân được khuyến cáo hạn chế du lịch và làm việc tại nhà.
Từ thứ Hai tuần này, chính phủ Thái Lan đã bắt đầu cho phép các dịch vụ ăn tối mở cửa trở lại do làn sóng phản đối dữ dội từ ngành nhà hàng. Tuy nhiên, công suất hoạt động bị giới hạn ở 25% chỗ ngồi, do đó dự báo doanh thu nhà hàng vẫn sẽ giảm mạnh. Tác động kinh tế sẽ trở nên rõ rệt hơn khi Thái Lan công bố báo cáo GDP quý II.
Các hạn chế kiểm soát dịch bệnh cũng làm giảm chi tiêu tiêu dùng, vốn đóng góp quan trọng trong tăng trưởng GDP. Quý I/2020, chi tiêu tiêu dùng Thái Lan giảm 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đảo ngược mức tăng 0,9% hồi quý IV/2020.
Thực trạng vắng khách du lịch cũng khiến nền kinh tế chùa vàng lao đao. Xuất khẩu dịch vụ giảm mạnh 63,5% trong ba tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái do chi tiêu của khách du lịch quốc tế gần như không đáng kể. Xuất khẩu hàng hóa tăng 3,2%, mức tăng đầu tiên sau 4 quý liên tiếp.
Ngoài Thái Lan, các quốc gia khác trong khu vực cũng chứng kiến tăng trưởng GDP âm bao gồm Philippines (-4,2%), Indonesia (-0,7%) và Malaysia (-0,5%). Tất cả các quốc gia này đều trải qua những đợt bùng phát dịch cục bộ, làm gián đoạn các hoạt động kinh tế trong quý.
Trong khi đó, Singapore (tăng trưởng 0,2%) và Việt Nam (tăng trưởng 4,5%) là hai trong số sáu nền kinh tế lớn trong khu vực ghi nhận mức tăng trưởng tích cực. Sung Eun Jung, một nhà kinh tế từ Oxford Economics, cho biết: “Cả hai quốc gia đều được hưởng lợi từ sản lượng công nghiệp mạnh mẽ và sự mở rộng trong lĩnh vực thương mại bán buôn.. Họ cũng có kinh nghiệm quản lý và kiểm soát tốt hơn các đợt bùng phát dịch trong nước, qua đó giúp duy trì sự phục hồi liên tục của nhu cầu nội địa”.
Đối với hầu hết các nước ASEAN, quý II/2020 là thời kỳ đầu tiên nền kinh tế chứng kiến ảnh hưởng của đại dịch. Do đó, trong quý II năm nay, trên nền tảng so sánh tương quan với cùng kỳ năm ngoái, nền kinh tế các nước ASEAN dễ ghi nhận tăng trưởng hơn.
Tuy nhiên, viễn cảnh tương lai vẫn còn bất ổn do các đợt bùng phát trở lại của đại dịch tại nhiều quốc gia trong khu vực.
Các nhà phân tích cho rằng chương trình tiêm chủng vắc xin ở từng quốc gia sẽ tác động đến đà phục hồi kinh tế.
Hôm 5/5, Ngân hàng Trung ương Thái Lan đã đưa ra các dự báo kinh tế dựa trên các kịch bản nhất định. Nếu 100 triệu liều vắc-xin được phân phối trong năm nay để đạt được miễn dịch bầy đàn vào quý I/2022, ngân hàng trung ương dự kiến nền kinh tế sẽ tăng trưởng 2,0% vào năm 2021 và 4,7% vào năm 2022.
Nếu việc đạt được miễn dịch bầy đàn bị chậm trễ cho đến quý III/2022 sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thái Lan xuống 1,5% vào năm 2021 và 2,8% vào năm 2022. Nếu kéo dài đến quý IV/2022, nền kinh tế sẽ chỉ tăng trưởng 1,0% trong năm 2021 và 1,1% trong năm 2022, theo dự báo của ngân hàng Trung ương.
Chiến lược gia Margaret Yang từ Daily FX tại Singapore cũng nhận định: “Tiến độ tiêm chủng vắc xin tương đối chậm trong khu vực và các chủng virus đột biến có thể tạo ra những thách thức mới với đà phục hồi kinh tế Đông Nam Á”.