5 điểm mới khi làm Căn cước công dân gắn chip từ 1/7 ai cũng nên biết
Được làm Căn cước công dân gắn chip tại nơi tạm trú
Trước đây, theo Điều 16 Thông tư 07/2016/TT-BCA, khi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân chưa đi vào vận hành hoặc chưa thu thập đầy đủ thông tin về công dân thì thực hiện phân cấp giải quyết cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân chủ yếu thực hiện tại nơi có hộ khẩu thường trú.
Tuy nhiên, từ ngày 01/7/2021, Thông tư 59/2021/TT-BCA có hiệu lực đã quy định như sau:
Công dân đến cơ quan Công an có thẩm quyền tiếp nhận đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân nơi công dân thường trú, tạm trú để yêu cầu được cấp thẻ Căn cước công dân.
Điều này có nghĩa là, sắp tới, người dân có thể làm Căn cước công dân tại nơi tạm trú hoặc nơi thường trú thay vì chủ yếu làm tại nơi thường trú như trước đây.
Làm Căn cước công dân gắn chip không phải điền Tờ khai
Theo khoản 2 Điều 11 Thông tư 59/2021/TT-BCA, công dân đến cơ quan công an có thẩm quyền nơi tạm trú hoặc nơi thường trú để yêu cầu cấp thẻ Căn cước công dân.
Cán bộ nơi này sẽ thực hiện các thủ tục:
- Tìm kiếm thông tin công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư;
- Lựa chọn loại cấp và mô tả đặc điểm nhân dạng;
- Thu nhận vân tay;
- Chụp ảnh chân dung;
- In phiếu thu nhận thông tin Căn cước công dân, phiếu thu thập thông tin dân cư (nếu có), phiếu cập nhật, chỉnh sửa thông tin dân cư (nếu có) cho công dân kiểm tra, ký và ghi rõ họ tên;
- Thu lệ phí và cấp giấy hẹn trả kết quả giải quyết...
Như vậy, từ ngày 01/7/2021 - ngày Thông tư 59/2021 có hiệu lực, công dân không còn phải điền tờ khai giấy. Nếu có yêu cầu thì cán bộ tiếp nhận sẽ tìm kiếm thông tin, thu thập vân tay, chụp ảnh… và in phiếu thu nhận thông tin Căn cước công dân… để công dân kiểm tra, ký và ghi rõ họ tên.
Thu hồi CMND cũ khi đổi sang Căn cước công dân gắn chip
Từ ngày 01/7/2021, sẽ thu lại Chứng minh nhân dân (CMND) cũ khi làm thủ tục chuyển từ CMND sang thẻ Căn cước công dân gắn chip.
Cụ thể, khoản 3 Điều 11 Thông tư số 59/2021/TT-BCA nêu rõ:
Thu lại Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân đang sử dụng trong trường hợp công dân làm thủ tục chuyển từ Chứng minh nhân dân sang thẻ Căn cước công dân, đổi thẻ Căn cước công dân.
Hiện nay, khi làm thủ tục chuyển từ CMND sang Căn cước công dân, chỉ trong trường hợp CMND bị hỏng, bong tróc, không rõ nét (ảnh, số CMND và chữ) mới bị thu hồi.
Hiện nay, theo Điều 15 Thông tư 07/2016/TT-BCA (được sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 40/2019/TT-BCA) thì việc xử lý CMND khi đổi sang Căn cước công dân gắn chip được quy định như sau:
Trường hợp CMND 9 số, 12 số còn rõ nét (ảnh, số CMND và chữ):
- Cấp giấy hẹn trả thẻ Căn cước công dân gắn chip cùng CMND chưa cắt góc cho công dân để sử dụng trong thời gian chờ cấp thẻ Căn cước công dân gắn chip.
- Khi trả thẻ Căn cước công dân gắn chip, cán bộ tiếp nhận hồ sơ đề nghị công dân nộp giấy hẹn trả thẻ cùng với CMND và tiến hành cắt góc phía trên bên phải mặt trước của CMND đó, mỗi cạnh góc vuông là 2cm, ghi vào hồ sơ và trả CMND đã được cắt góc cho người đến nhận thẻ Căn cước công dân gắn chip.
- Trường hợp công dân yêu cầu trả thẻ Căn cước công dân gắn chip qua đường chuyển phát thì tiến hành cắt góc và trả CMND ngay khi làm hồ sơ.
Trường hợp CMND 9 số, 12 số bị hỏng, bong tróc, không rõ nét (ảnh, số Chứng minh nhân dân và chữ):
Thu, hủy CMND đó, ghi vào hồ sơ và cấp Giấy xác nhận số CMND.
Như vậy, từ ngày 01/7/2021, mọi trường hợp đổi từ CMND 9 số, 12 số sang Căn cước công dân gắn chip đều sẽ bị thu hồi CMND cũ.