8 bộ ngành trung ương và 4 địa phương giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn trung bình cả nước

27/07/2022 15:06 GMT+7
Tỷ lệ giải ngân của 8 bộ ngành trung ương và 4 địa phương ước đạt gần 30% thấp hơn mức trung bình cả nước là hơn 34%.

Sáng nay (27/7), Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chủ trì cuộc họp Tổ công tác số 2 của Thủ tướng đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công tại 8 bộ ngành trung ương và 4 địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

8 bộ ngành trung ương và 4 địa phương giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn trung bình cả nước - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái. Ảnh: Báo Chính Phủ.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho thấy tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2022 Thủ tướng giao cho 8 bộ, cơ quan và 4 địa phương thuộc Tổ công tác số 2 là trên 24.723,2 tỷ đồng. Đến nay, 9 bộ, cơ quan và địa phương đã cơ bản hoàn thành phân bổ, giao chi tiết cho từng nhiệm vụ, dự án. Riêng Thanh tra Chính phủ chưa phân bổ 41,44 tỷ đồng, do đề án "xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập" mới được Thủ tướng phê duyệt ngày 28/3 vừa qua và đang xin giảm kế hoạch vốn năm nay). Bên cạnh đó, tỉnh Bạc Liêu chưa giao 72,6 tỷ đồng vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia; thành phố Cần Thơ chưa giao chi tiết 800 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương, do Thường trực Chính phủ giao.

Về tình hình giải ngân, theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước tổng số giải ngân vốn ngân sách Nhà nước đến hết tháng 7 của 12 đơn vị là hơn 7.393 tỷ đồng, đạt 29,9%, thấp hơn tỷ lệ giải ngân trung bình của cả nước (34,47%). Trong đó, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch & Đầu tư lần lượt là 8,2% và hơn 14%.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm là giá nguyên vật liệu tăng cao; vướng mắc trong bồi thường, giải phóng mặt bằng. Nhiều dự án đầu tư mới đang trong giai đoạn đấu thầu và thương thảo hợp đồng. Một số dự án được bố trí nhiều vốn để đền bù giải phóng mặt bằng nhưng tiến độ rất chậm. Một số dự án cũng gặp vướng mắc liên quan đến thể chế.

Nhận trách nhiệm trước lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành khi chưa giao chi tiết số vốn 800 tỷ đồng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Nguyễn Văn Hồng cho biết năm nay, thành phố được giao kế hoạch 1.500 tỷ đồng nguồn tiền sử dụng đất. Tuy nhiên, theo lãnh đạo thành phố Cần Thơ thực tế địa phương chỉ có 700 tỷ đồng được bố trí cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công, còn lại 800 tỷ đồng là ghi thu, ghi chi tiền sử dụng đất các dự án ngoài ngân sách. Vì vậy không có hồ sơ thủ tục, không phân bổ theo Luật Đầu tư công được (số này không đưa vào cân đối tiền sử dụng đất mà để ghi thu, ghi chi báo HĐND cuối năm hoặc khi có phát sinh thu mới có phát sinh chi).

Ngoài ra, thành phố Cần Thơ cũng xin trả lại 1.450,9 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và vốn Chính phủ vay về cho vay lại của 3 dự án Bệnh viện Ung bướu, kè sông Cần Thơ - ứng phó biến đổi khí hậu thành phố Cần Thơ và dự án Phát triển thành phố Cần Thơ thích ứng biến đổi khí hậu.

Về giải pháp đẩy mạnh tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương triển khai nghiêm túc các nghị quyết của Chính phủ về giải ngân vốn đầu tư công cũng như tập trung chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng.

Bộ Tài chính cũng đề xuất xử lý nghiêm và kịp thời các nhà thầu vi phạm tiến độ xây dựng, chất lượng công trình, chậm giao nộp thủ tục thanh toán khối lượng hoàn thành và vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết.

Với những dự án chậm giải ngân sẽ bị cắt giảm, điều chuyển nguồn vốn sang cho dự án giải ngân tốt và hiệu quả hơn.

Đồng tình với giải pháp này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các dự án nằm trong danh mục năm 2022, trường hợp chậm giải ngân, xác định không thể giải ngân hết sẽ bị cắt giảm, điều chuyển vốn cho các dự án khác có khả năng giải ngân tốt hơn. Trường hợp không có dự án để điều chuyển, phải báo cáo với Bộ Kế hoạch & Đầu tư chuyển vốn cho các bộ, ngành, địa phương khác, bảo đảm hiệu quả vốn đầu tư. Dựa vào tình hình thực tế, các bộ, cơ quan, địa phương có thể thành lập tổ công tác để nắm bắt tình hình, chỉ đạo sát sao.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng còn chỉ đạo lãnh đạo các bộ, cơ quan, địa phương quan tâm thực hiện tốt việc giải phóng mặt bằng cũng như kiểm tra, giám sát, nhắc nhở, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu, chủ đầu tư và nhà thầu, tránh gây thất thoát, lãng phí.

Về đề án "xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập", Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng đây là đề án quan trọng, thực hiện mục tiêu chuyển đổi số của Chính phủ. Theo đó, Phó Thủ tướng đề nghị Thanh tra Chính phủ đẩy nhanh việc phân bổ vốn cho dự án.

8 bộ ngành Trung ương và 4 địa phương thuộc gồm Văn phòng Trung ương Đảng, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam;

4 địa phương là thành phố Cần Thơ, tỉnh An Giang, Kiên Giang và Bạc Liêu.

Theo NDH
Cùng chuyên mục