8 “ông lớn” công nghệ “bắt tay” thành lập liên minh Chuyển đổi số
Lễ ra mắt Liên minh Chuyển đổi số
Tại sự kiện Vietnam ICT Summit 2019 diễn ra hôm nay (8/8), Liên minh chuyển đổi số Việt Nam chính thức ra mắt với sự tham gia của các công ty công nghệ thông tin lớn, các chuyên gia đầu ngành và các viện nghiên cứu.
Được biết, việc thành lập Liên minh Chuyển đổi số là do sáng kiến của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Việt Nam (VINASA) đề ra, nhằm kêu gọi các doanh nghiệp ICT lớn, các chuyên gia đầu ngành, các viện nghiên cứu... chung tay hợp tác, đồng hành cùng Chính phủ, các Bộ, Ngành, tổ chức và doanh nghiệp tham gia vào triển khai và thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam.
Liên minh chuyển đổi số Việt Nam sẽ do ông Lê Đăng Dũng – Quyền Chủ tịch Tập đoàn Viettel làm Chủ tịch. Liên minh chuyển đổi số được thành lập với mục tiêu cùng liên kết, hợp tác, đồng hành cùng Chính phủ, các bộ, ngành, tổ chức và doanh nghiệp triển khai và thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam.
Phát biểu tại Lễ ra mắt Liên minh chuyển đổi số, ông Lê Đăng Dũng, chủ tịch liên minh, quyền chủ tịch Viettel nhấn mạnh: “Việt Nam đang cùng thế giới bước vào cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Chuyển đổi số là cánh cửa để Việt Nam tăng năng suất lao động, thoát bẫy thu nhập trung bình, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Với ý nghĩa đó, Việt Nam chúng ta đã chia sẻ ý chí, khát vọng của cả hệ thống chính trị, mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia số”.
Ông Dũng cũng thay mặt Liên minh cam kết: cùng chung tiếng nói, tích cực và trách nhiệm đóng góp để hoàn thiện thể chế và hành lang pháp lý cho chuyển đổi số quốc gia; phát triển hạ tầng năng lượng quốc gia, mạng di động 4G, 5G; triển khai cáp quang; phát triển mạng viễn thông, điện toán đám mây, IoT sâu rộng; bổ sung công nghệ big data, blockchain, AI,...chia sẻ tri thức; chủ động tham gia hoàn thiện chính phủ số, hỗ trợ người dân thanh toán số, đảm bảo an ninh mạng,...
Với mục tiêu chuyển đổi bứt phá để hướng tới một Việt Nam số - Digital Vietnam từ dự thảo Đề án “Chuyển đổi số quốc gia” của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến năm 2025, Việt Nam thuộc Top 4 ASEAN về xếp hạng số hóa quốc gia; Chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam nằm trong Top 40 thế giới, Top 4 ASEAN.
Cũng tại khuôn khổ diễn ra sự kiện, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đặt mục tiêu phải phát triển thêm 50.000 doanh nghiệp ICT tại khắp các tỉnh thành để đẩy nhanh chuyển đổi số VIệt Nam. Cụ thể tập trung vào phát triển 4 loại doanh nghiệp công nghệ số.
Một là các doanh nghiệp công nghệ lớn, làm chủ nghiên cứu các công nghệ cốt lõi và đầu tư hạ tầng ICR, khoảng 10-20 doanh nghiệp, đó là các doanh nghiệp có tiềm lực về tài chính, thị trường và nhân lực. Các doanh nghiệp thương mại dịch vụ lớn như Viettel, Vingroup có thể chuyển thành các tập đoàn công nghệ, công nghiệp, thương mại và dịch vụ.
Hai là các doanh nghiệp công nghệ đã 10-20 năm kinh nghiệm, hiện chúng ta đang có hàng ngành doanh nghiệp, nhưng lại đang chủ yếu làm gia công thì nay sẽ chuyển sang làm sản phẩm, tập trung làm các Platforms chuyển đổi số.
Ba là các doanh nghiệp công nghệ mới khởi nghiệp, làm tư vấn công nghệ, chuyển giao công nghệ, mang công nghệ số áp dụng vào mọi lĩnh vực kinh tếm xã hội. Chúng ta sẽ cần hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn doanh nghiệp loại này.
Cuối cùng là các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới đột phá. Việt Nam có được hàng trăm doanh nghiệp loại này thì đã là rất thành công.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng nhấn mạnh 5 yếu tố nền tảng của chuyển đổi số là: thể chế, hạ tầng, an ninh mạng, platform và đào tạo. Trong đó, lời giải để đẩy nhanh chuyển đổi số Việt Nam là dựa trên các Platform.