Ai chống lưng cho những sai phạm tại Công ty Lã Vọng?
Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa có kết luận thanh tra toàn diện các dự án của Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Lã Vọng (Công ty Lã Vọng) và các đơn vị thành viên trên địa bàn Hà Nội; qua đó phát hiện rất nhiều vi phạm.
Theo kết luận của TTCP, 9 dự án do Công ty Lã Vọng và các đơn vị thành viên đầu tư đều có chung một công thức: chỉ định đầu tư dự án BT - đổi đất lấy hạ tầng - qua đó dần sở hữu các khu đất ở đô thị và các khu đô thị có giá trị hàng ngàn tỉ đồng tại Hà Nội.
Trách nhiệm thuộc hàng loạt sở ngành, chính quyền Hà Nội
Thanh tra Chính phủ cho rằng để xảy ra những tồn tại, vi phạm nêu trên là trách nhiệm thuộc về Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Tài chính và UBND thành phố Hà Nội.
Với dự án cải tạo Quốc lộ 6, thanh tra đề nghị rà soát lại quỹ đất đối ứng, đưa vào đấu giá quyền sử dụng đất, tránh thất thoát ngân sách.
Với dự án tại phường Đại Mỗ của Công ty Lã Vọng, thanh tra đề xuất Hà Nội yêu cầu nhà đầu tư nộp bổ sung ngân sách khoản tiền 44,3 tỷ tiền giải phóng mặt bằng chưa tách khỏi dự án. Ngoài ra, cần điều chỉnh dự án BT để xác định nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư.
Với lô đất ở Trần Duy Hưng của Công ty Lã Vọng, Thanh tra Chính phủ đề xuất cần xử lý các vi phạm về khai thác, vận hành, đảm bảo phục vụ cộng đồng. Cần xử lý trách nhiệm cán bộ trong kết luận thanh tra năm 2014 của Hà Nội.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Sở Tài chính, Cục Thuế Hà Nội kiểm tra, rà soát tiền thuê đất và thu bổ sung số tiền sử dụng đất tránh thất thoát ngân sách nhà nước, do không thực hiện tính lại giá đất phần diện tích tăng thêm xây dựng sai quy hoạch, phần giá nộp suất đầu tư hạ tầng theo đúng quy định.
Riêng đối với sai phạm trong công tác chuẩn bị đầu tư dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 6 của Công ty Lã Vọng, Thanh tra Chính phủ đề nghị phải kiểm điểm làm rõ trách nhiệm các cán bộ của Sở Kế hoạch và Đầu tư về các tờ trình liên quan đến dự án này để có hình thức xử lý nghiêm theo quy định. Những cán bộ có sai phạm được phân công đảm nhận công việc khác, không được tiếp tục làm công tác tham mưu về kế hoạch và đầu tư.
Chỉ rõ ai sai, ai cho phép?
Dưới góc nhìn của một luật sư, luật sư Bùi Quốc Tuấn – đoàn luật sư TP.HCM cho biết, tình trạng chỉ định thầu của các dự án đầu tư được thống kê là "khá phổ biến" trong thời gian vừa qua có thể kể đến như Tập đoàn Dầu khí áp dụng hình thức chỉ định thầu tại dự án xây dựng Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 khi chưa bảo đảm điều kiện theo Nghị định số 58 của Chính phủ với gói thầu EPC; Công ty Xăng dầu Khu vực 2 có 23 gói thầu giá trị dự toán trên 5 tỉ đồng/gói nhưng Tập đoàn Xăng dầu phê duyệt lựa chọn nhà thầu theo hình thức chỉ định thầu là chưa đúng với quy định Nghị định số 85/2009/NĐ-CP; Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam chỉ định thầu nhưng không tiến hành lập, thẩm định, phê duyệt dự toán (Công ty TNHH Liên doanh Philip Morris và Công ty TNHH MTV Thuốc lá Thăng Long), chỉ định thầu cho đơn vị thi công không đủ năng lực (Công ty Thuốc lá Thanh Hóa).
Tuy nhiên, với trường hợp của Công ty Lã Vọng, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ thì những dự án do công ty triển khai phần lớn liên quan đến sai phạm trong vấn đề chỉ định đầu tư dự án BT - đổi đất lấy hạ tầng. Điểm đáng nói nhất ở đây là một doanh nghiệp không có nhiều tên tuổi như Lã Vọng vì sao lại được nhiều ưu ái đến như vậy khi được chỉ định đầu tư nhiều dự án hay thuê đất vàng với giá bèo và sau đó tập đoàn này có thể biến đất công thành các nhà hàng, khách sạn hay khu đô thị nghìn tỷ do Lã Vọng sở hữu?
“Kết luận của Thanh tra Chính phủ chưa đưa ra ai là người quyết định chỉ định đầu tư dự án BT, hay quyết định cho Công ty Lã Vọng thuê đất với giá bèo sau đó biến đất công thành nhà hàng, khách sạn, dự án đô thị…Đối với những sai phạm này cần làm rõ để bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Cũng phải nói thêm rằng, hiện nay có những dự án vẫn được pháp luật cho phép chỉ định thầu nhưng chỉ định thầu hay đấu thầu rộng rãi chỉ được thực hiện khi cơ quan có thầm quyền cho phép. Vậy ai cho phép, ai là người ký những quyết định này?”, luật sư Bùi Quốc Tuấn đặt câu hỏi.
Còn theo quan điểm của Trưởng khoa luật kinh tế (Đại học Luật) Phạm Quang Tuyến, “kết luận của Thanh tra Chính phủ về các dự án của Tập đoàn Lã Vọng trên địa bàn Hà Nội cho thấy hàng loạt sai phạm nhưng điều đó chưa nói lên được tất cả, chúng ta cũng không thể dựa vào kết luận của Thanh tra Chính phủ để gắn trách nhiệm hay kết tội doanh nghiệp hay cá nhân nào. Để biết được sai phạm trong dự án của Công ty Lã Vọng cụ thể như thế nào, ở mức độ nào, một mình doanh nghiệp làm sai hay sai từ khâu nào, ai chỉ đạo…thì cần phải chuyển hồ sơ và kết luận Thanh tra Chính phủ đến Cơ quan an ninh điều tra, Bộ Công an để làm rõ các hành vi sai phạm trên”
“Thế nhưng, Công ty Lã Vọng có quá nhiều ưu ái như vậy khi các doanh nghiệp khác lại không có, thì rõ ràng dư luận có quyền đặt câu hỏi, phải chẳng đằng sau những sai phạm của Công ty Lã Vọng là nhóm lợi ích, tại sao có chuyện nhiều ưu ái hơn các doanh nghiệp khác? Trong khi đó, Công ty Lã Vọng cũng không phải là tập đoàn phục vụ cho các mục đích quốc phòng an ninh hay lợi ích đặc biệt phục vụ lợi ích chung của Nhà nước. Công luận cần phải có được câu trả lời thỏa đáng của cơ quan chức năng, của UBND TP. Hà Nội”, ông Tuyến nhấn mạnh.