Ảo tưởng về đàm phán Mỹ - Trung: Không chỉ là vấn đề thương mại
Đàm phán thương mại Mỹ - Trung đã kết thúc cuối tuần trước mà không đem lại kết quả cụ thể nào.
Đó là lời bình luận được đăng tải trên CNBC của ông Frederick Kempe, là Chủ tịch và Giám đốc điều hành Atlantic Council, một trong những “think tanks” có ảnh hưởng nhất của Hoa Kỳ về các vấn đề toàn cầu.
Điều mà thị trường đã hiểu lầm kể từ khi các cuộc đàm phán được nối lại vào tháng 12 năm ngoái, là các cuộc đàm phán này đã trở thành một trong nhiều sự kiện của một kỷ nguyên cạnh tranh về hệ thống cũng như địa chính trị vốn dĩ sẽ định nghĩa thời đại của chúng ta. Các nhà phân tích thị trường do đó sẽ phải đánh giá tốt hơn các rủi ro địa chính trị.
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định tăng gấp đôi thuế quan đối với 200 tỷ đô la hàng hóa Trung Quốc, từ 10% lên 25%, nhận được sự chú ý nhất toàn cầu trong tuần này. Động thái này được cho là xuất phát từ việc Trung Quốc đàm phán lại các thỏa thuận đã được chốt trong dự thảo, trong khi các thỏa thuận đó lại được xem là thành công quan trọng của phía Mỹ.
Động thái tăng thuế khiến các căng thẳng khác đi ít được chú ý. Hôm thứ Hai tuần trước, hai tàu chiến của Hoa Kỳ đã tiến vào phạm vi 12 hải lý của các đảo tranh chấp ở Biển Đông. Đây là lần thứ ba trong năm nay, Washington thách thức các yêu sách hàng hải của Trung Quốc. Tại một hội nghị an ninh 5G ở Prague vài ngày trước đó, Hoa Kỳ và các đồng minh cũng nói rõ về những nguy cơ liên quan tới người khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei - ngay cả khi CFO của hãng này vẫn bị giam giữ tại Canada.
Ngay cả khi Hoa Kỳ và Trung Quốc đạt được một thỏa thuận thương mại trong những tuần tới, thì vẫn sẽ có rất ít thay đổi trong mối quan hệ hai bên, vốn đã bị thay đổi về cơ bản trong những tháng qua, khi chuyển từ đối tác cam kết chiến lược sang đối thủ cạnh tranh gay gắt hơn. Những rủi ro kinh tế, chính trị và thậm chí quân sự vẫn sẽ tăng lên cho đến khi cả hai bên thiết lập được các nguyên tắc và luật lệ của quá trình vươn lên vị trí thống trị trong mối quan hệ song phương mang tính quyết định toàn cầu.
Không chỉ là thương mại
Sẽ rất hữu ích khi tua lại bộ phim Trung-Mỹ trong khoảng một tuần qua để hiểu vì sao các cuộc đàm phán thương mại ngày càng ít vấn đề về thương mại. Các chi tiết hậu trường nhấn mạnh vấn đề lịch sử, chủ nghĩa dân tộc, sự khác biệt mang tính hệ thống, sự ngờ vực và tính toán sai lầm ngày càng tăng, đã trở thành một hỗn hợp dễ cháy.
Tuyên bố đánh thuế mới của ông Trump gần như trùng hợp với kỷ niệm 100 năm phong trào Ngũ Tứ, (thời điểm làn sóng sinh viên, học sinh và các tầng lớp người lao động thể hiện chủ nghĩa dân tộc và chống đế quốc ngày 4/5/1919), phản đối chính phủ Trung Quốc khi đó chấp nhận các điều khoản mà các nước thắng trận đã áp đặt lên Trung Quốc tại Hiệp ước Versailles sau chiến tranh thế giới lần thứ 1.
Ngay cả khi Hoa Kỳ và Trung Quốc đạt được một thỏa thuận thương mại trong những tuần tới, thì vẫn sẽ có rất ít thay đổi trong mối quan hệ hai bên.
Có những thông tin tin cậy rằng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã trực tiếp can thiệp để kéo các nhà đàm phán Trung Quốc lại. Bắc Kinh đã thay đổi một số điều khoản trong thỏa thuận dự thảo, nhưng điều dường như không thể chấp nhận nhất đối với ông Tập là Hoa Kỳ khăng khăng yêu cầu Trung Quốc phải đồng ý với những từ ngữ về cách Trung Quốc thay đổi luật pháp quốc gia để tuân thủ các điều khoản của Hiệp định. Cuộc đàm phán lần này đã vượt ra ngoài khuôn khổ của một cuộc đàm phán thương mại.
Theo Reuter, trong bảy chương của dự thảo, Trung Quốc đã xóa các cam kết thay đổi luật để đáp ứng các yêu cầu của Hoa Kỳ: đánh cắp tài sản trí tuệ và bí mật thương mại, chuyển giao công nghệ bắt buộc, chính sách cạnh tranh, tiếp cận các dịch vụ tài chính và thao túng tiền tệ.
Tổng thống Trump đã đặt cược rằng ông có đòn bẩy lớn hơn vì nền kinh tế Hoa Kỳ mạnh mẽ, với mức tăng trưởng 3,2% và thất nghiệp ở mức thấp lịch sử. Đồng thời, ông cho rằng nền kinh tế Trung Quốc rất mong manh, và cuối cùng các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ phải đưa ra những nhượng bộ cần thiết.
Ngược lại, Chủ tịch Tập Cận Bình đại diện cho niềm tin của nhiều người Trung Quốc rằng ông Trump sẽ cần một chiến thắng để có thể giảm thâm hụt và tạo ra việc làm ở Hoa Kỳ trước cuộc bầu cử năm 2020, và do đó các nhà đàm phán Mỹ sẽ phát tín hiệu trước trước. Trung Quốc cũng đã tự tin hơn sau khi xuất hiện tín hiệu phục hồi kinh tế quý 1/2019 nhờ các biện pháp kích thích kinh tế và có được mức tăng trưởng 6,4%.
Ông Tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn cầu cũng đăng tweet liên tục, cho thấy vị thế của Trung Quốc cứng như thế nào trong suốt cả tuần đàm phán. Trong khi các dòng tweet này không có vai trò lớn như các tweet của ông Trump, nhưng đây cũng trở thành một chỉ số khá chính xác về những gì các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang nghĩ.
Vào lúc 8:47 sáng thứ năm, ông đã “tweet” rằng một người nào đó từ phía Trung Quốc biết rõ về các cuộc đàm phán thương mại, nói rằng không có cơ hội đạt thỏa thuận nào vào thứ Sáu.
Vào lúc 11:09 sáng, ông đã tweet: “Trung Quốc đã chuẩn bị đầy đủ cho một cuộc chiến thương mại leo thang. Đây là một chiến lược mới của Trung Quốc để tham gia vào các cuộc đàm phán thương mại trong khi chuẩn bị chiến đấu trong một cuộc chiến thương mại. Tôi nghĩ rằng Trung Quốc đặt cược vào thực tế rằng nền tảng chính trị của Trung Quốc mạnh hơn nền tảng chính trị Hoa Kỳ. Chiến tranh thương mại cuối cùng sẽ được quyết định bởi tình hình chính trị trong nước”.
Sau đó hơn hai giờ, lúc 1:17 chiều, ông khái quát một viễn cảnh: “Càng ngày càng có nhiều người Trung Quốc có xu hướng tin rằng chính phủ Hoa Kỳ hiện tại bị ám ảnh bởi Trung Quốc. Một thỏa thuận thương mại, ngay cả khi đạt được, sẽ bị hạn chế về ý nghĩa thực tế và có thể bị phá vỡ liên tục. Vì vậy, họ ủng hộ quan điểm cứng rắn đối với Mỹ và từ bỏ ảo tưởng”.
Quả thực rất nhiều ảo ảnh đã “chết” trong tuần này. Sau khi các cuộc đàm phán kết thúc vào thứ Sáu mà không có tiến triển, ông đã chốt lại: “Theo những gì tôi biết, phía Trung Quốc nhấn mạnh vào một vài điểm cốt lõi: Phía Mỹ nên xóa bỏ tất cả các mức thuế bổ sung, số lượng hàng hóa mà Hoa Kỳ yêu cầu Trung Quốc mua phù hợp với thực tế; văn bản của thỏa thuận phải tôn trọng chủ quyền và danh dự”.
Frederick Kempe là tác giả của nhiều tác phẩm bán chạy nhất, nhà báo từng đoạt giải và là Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Atlantic Council, một trong những think tanks có ảnh hưởng nhất của Hoa Kỳ về các vấn đề toàn cầu. Ông làm việc tại Tạp chí Phố Wall trong hơn 25 năm với tư cách là cộng tác viên nước ngoài, trợ lý biên tập. Cuốn sách mới nhất của ông – “Berlin 1961: Kennedy, Khrushchev, và nơi nguy hiểm nhất thế giới” - là một cuốn sách bán chạy nhất của Thời báo New York và đã được xuất bản bằng hơn 10 ngôn ngữ.
Phong trào Ngũ Tứ là một phong trào đấu tranh rộng lớn của sinh viên, học sinh, công nhân, thị dân, trí thức Trung Quốc, vì nổ ra đúng vào ngày 4/5/1919 nên được gọi là phong trào Ngũ Tứ. Sau khi Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, các nước thắng trận đã ký kết bản Hiệp ước Versailles, trong đó có điều khoản chuyển giao chủ quyền tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) từ tay Đức sang cho Nhật Bản. Các tầng lớp nhân dân Trung Quốc, đặc biệt là học sinh sinh viên đã đứng lên đấu tranh chống lại quyết định này. Phong trào Ngũ Tứ đã lan rộng khắp 22 tỉnh và 150 thành phố ở Trung Quốc. Cuối cùng, chính phủ Trung Hoa Dân quốc lệnh cho đoàn đại biểu Trung Quốc tại Pháp cự tuyệt ký vào Hiệp ước Versailles. (Theo wikipedia.org).