Áp thuế 300 tỷ USD hàng Trung Quốc: Màn "đánh úp" của ông Trump khiến thị trường dậy sóng

02/08/2019 11:18 GMT+7
Cứ mỗi khi Trump xuất hiện trên Twitter là một lần thị trường tài chính và giới chính trị chao đảo. Lần này, ông Trump thông báo áp thuế 10% lên hơn 300 tỷ USD hàng hóa tiếp theo nhập khẩu từ Trung Quốc, ngay sau khi phái đoàn đàm phán Mỹ trở về từ Thượng Hải. Động thái này nhanh chóng phủ chiếc bóng ảm đạm lên kỳ vọng tăng trưởng thương mại toàn cầu.

Khả năng thỏa thuận mờ nhạt và màn “đánh úp” bất ngờ của Trump

Trump vừa tuyên bố áp thuế 10% với 300 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc, qua đó phủi sạch những tiến bộ đạt được tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 Osaka

Trở về từ cuộc đàm phán tại Thượng Hải, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin cho hay phía Trung Quốc đã không đưa ra những đề xuất mới nào để giải quyết căng thẳng thương mại. Dù giới truyền thông Trung Quốc liên tục nhận định cuộc gặp gỡ này là hiệu quả, mang tính xây dựng và góp phần đạt được những tiến bộ đàm phán, sự thực có vẻ không tốt đẹp như mong đợi. Bằng chứng là Trump sau đó quyết định áp thuế 10% với 300 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào đầu tháng 9 tới đây, đồng thời đe dọa tăng thuế lên 25%. Có vẻ như đây là lời đáp trả hùng hồn từ ông Trump sau cáo buộc Bắc Kinh “lật lọng” vụ mua nông sản.

Trong hàng loạt những bài đăng trên Twitter hôm 1.8 (giờ Mỹ), ông Trump nhắc lại việc Trung Quốc không thực hiện các cam kết mua nông sản Mỹ sau hội nghị thượng đỉnh G20. Trước đó, ông từng nhận định đây là hành động tệ hại của Trung Quốc, đồng thời bày tỏ sự không tin tưởng vào thiện chí đàm phán từ phía Bắc Kinh.

Ông Trump cũng cho biết không có kế hoạch ngừng các quyết định cho phép công ty Mỹ tiếp tục xin giấy phép xuất khẩu các mặt hàng linh kiện cho Huawei như đã đề xuất tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 Osaka. “Chúng tôi muốn tiếp tục những vòng đối thoại tích cực với phía Trung Quốc về một hiệp định thương mại toàn diện” - vị Tổng thống bày tỏ thiện chí bất chấp việc áp thuế lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.

“Tôi nghĩ rằng ông Tập Cận Bình “không đủ nhanh” trong nỗ lực đàm phán”. Vài ngày trước, ông Trump nhận định Bắc Kinh có khả năng sẽ chờ đợi đến sau cuộc bầu cử năm 2020 để xem liệu ông có thất cử và Trung Quốc sẽ đàm phán với một vị Tổng thống “tay mơ” nào khác hay không.

Các nhà kinh tế giờ đây đang lo ngại một động thái đáp trả từ phía Trung Quốc sau khi Trump tuyên bố áp thuế lên 300 tỷ USD hàng hóa, điều sẽ gây ra tổn thương lớn cho thương mại hai nền kinh tế lớn nhất thế giới nói riêng và thương mại toàn cầu nói chung. Trung Quốc đã nhiều lần nhấn mạnh điều kiện tiên quyết để đi đến thỏa thuận là dỡ bỏ mọi thuế quan trừng phạt, điều mà phía Mỹ không đồng ý. 

Thị trường phản ứng

Ngay sau khi Donald Trump tuyên bố áp thuế Trung Quốc, chứng khoán Mỹ vốn vừa tăng điểm do kỳ vọng FED cắt giảm lãi suất trong tháng 9, lại tiếp tục tụt dốc. Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones giảm 1% tương đương gần 281 điểm, chỉ số S&P 500 cũng giảm 0,9%.

Các nhà đầu tư đang phản ứng mạnh mẽ trước thông điệp leo thang căng thẳng thương mại từ Tổng thống Mỹ, trong bối cảnh Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF và chính phủ các quốc gia liên tục cảnh báo nguy cơ suy thoái toàn cầu nếu thương chiến Mỹ Trung kéo dài.

FED liệu có tiến hành thêm vài đợt cắt giảm lãi suất sau khi Trump khơi mào lại cuộc chiến thuế quan?

Giá dầu mỏ cũng chứng kiến sự tụt dốc nghiêm trọng nhất trong vòng 4 năm ngay sau thông báo áp thuế của Trump. Hợp đồng tương lai dầu ngọt nhẹ WTI giảm 7,9% xuống 53,95 USD / thùng - mức giảm lớn nhất trong ngày kể từ hôm 4.2.2015. Mohamed El-Erian, cố vấn kinh tế tại Allianz đã chỉ ra nguy cơ khủng hoảng kinh tế toàn cầu lớn hơn bao giờ hết từ hiện tượng dầu sụt giá gần 8%.

Lãi suất kho bạc Mỹ cũng chứng kiến sự biến động đầy căng thẳng, khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm giảm còn 1,894%, mức thấp nhất kể từ ngày 8.11.2016. 

Giao dịch CNY/USD sáng 2.8 tăng 0,63% so với phiên giao dịch cuối giờ chiều 1.8, lên mức 6,9406.

Giá vàng cũng tăng 1,2% sau khi các nhà đầu tư ồ ạt từ bỏ tài sản rủi ro để chuyển sang tài sản an toàn trong nguy cơ căng thẳng thương mại kéo dài. Hiện giá vàng thế giới giao dịch ở mức 1.432,5 - 1.433 USD/ounce, tăng 14 USD/ounce so với phiên giao dịch trước đó. Đây cũng được nhận định là mức kỷ lục trong 6 năm trở lại đây.

Doanh nghiệp và các nhà kinh tế Mỹ lên tiếng

Nguy cơ chiến tranh thuế quan leo thang trở lại đang gây nên một phản ứng mạnh mẽ từ cộng đồng các doanh nghiệp Mỹ, tổ chức từng nhiều lần yêu cầu Trump chấm dứt cuộc chiến tranh thương mại đang gây ra tổn hại nặng nề cho kinh tế.

Phải biết, trước khi đàm phán Mỹ Trung diễn ra hôm 30-31.7, một phái đoàn các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ đã làm việc với các quan chức cấp cao Bắc Kinh để bày tỏ sự cấp thiết đạt đến một thỏa thuận thương mại chấm dứt xung đột kéo dài hơn một năm qua. Còn Cục Dự trữ Liên Bang FED đã chính thức cắt giảm lãi suất lần đầu tiên sau Đại suy thoái 2008 vì lo ngại nguy cơ căng thẳng leo thang trở lại.

Myron Brilliant, Phó Chủ tịch Hội đồng Thương mại, người phụ trách các vấn đề quốc tế của Mỹ nhận định mức thuế trừng phạt 10% với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc sẽ chỉ gây ra những tổn thương nặng nề hơn cho doanh nghiệp, người nông dân, người lao động và người tiêu dùng Mỹ. Bởi đối tượng mà mức thuế hướng tới, theo như danh sách dự thảo từ hồi tháng 5 sau khi đàm phán đổ vỡ, bao gồm hàng ngàn mặt hàng tiêu dùng và công nghệ (đồ chơi, giày dép, quần áo...). Hầu hết các sản phẩm chủ lực của Apple vốn được sản xuất tại Trung Quốc cũng phải chịu thuế. Danh mục sản phẩm cụ thể sẽ được Văn phòng Thương mại Hoa Kỳ công bố trong vài ngày tới đây.

Về phía các nhà kinh tế, họ nhận định quyết định áp thuế của ông Trump đang phản ánh sự bất lực của chính quyền Mỹ trong việc buộc Trung Quốc thực hiện các cam kết thương mại. Dễ thấy, đàm phán sẽ không đi đến đâu trong thời gian ngắn.

Một số nguồn tin của Bloomberg khẳng định trong vòng đàm phán tại Thượng Hải, phía Trung Quốc từ chối cải cách luật sở hữu trí tuệ, kiểm soát fentanyl và nhập khẩu thêm nông sản chừng nào thỏa thuận thương mại toàn diện chưa đạt được.

Edward Alden, thành viên cấp cao của Hội đồng Quan hệ đối ngoại cũng nhận định đàm phán thương mại với Trung Quốc đã lần nữa lâm vào thế bế tắc. “Phần lớn mục đích của trừng phạt thuế quan là ép Trung Quốc thay đổi cơ cấu nền kinh tế và thể chế luật pháp, hướng tới thương mại công bằng. Nhưng chiến dịch trừng phạt thuế quan với 200 tỷ USD hàng hóa trước đó đã thất bại. Trung Quốc thà hứng chịu tổn thương của nền kinh tế còn hơn thực hiện những thay đổi mà ông Trump mong muốn.”

Victor Shih, một chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học California San Diego thì chắc chắn rằng một khi mức thuế 10% với 300 tỷ USD hàng hóa có hiệu lực, Bắc Kinh sẽ tìm ra những công cụ đáp trả mới.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục