Apple chuyển dịch một phần khỏi Trung Quốc, Việt Nam lọt "mắt xanh"?
Apple mới đây vừa yêu cầu các đối tác lớn đánh giá chi phí và tác động trong trường hợp chuyển dịch 15-10% dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Đông Nam Á để phục vụ quá trình tái cấu trúc chuỗi cung ứng, theo nguồn tin từ Nikkei Asian Review hôm 19.6.
Đây được cho là động thái của Apple phản ứng lại tranh chấp thương mại Mỹ Trung kéo dài cùng các lệnh trừng phạt thuế quan giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Nhất là khi xung đột thương mại có nguy cơ biến thành chiến tranh công nghệ và Huawei đang ngấm đòn từ lệnh hạn chế thương mại của Nhà Trắng. Ngay cả khi Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình đạt được những tiến triển tích cực bên lề hội nghị thượng đỉnh G20, dự định tái cấu trúc chuỗi cung ứng của Apple cũng khó có khả năng bị lay chuyển.
Nikkei Asian Review cho hay, nhà sản xuất iPhone đã nhận thấy những rủi ro lớn từ sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào dây chuyền sản xuất tại Trung Quốc. Các đối tác lắp ráp iPhone bao gồm Foxconn, Pegatron Corp, Wistron Corp…; đối tác sản xuất Macbook Quanta Computer Inc, đối tác sản xuất iPad Compal Electronics Inc, các đối tác sản xuất AirPods gồm Inventec Corp, Luxshare-ICT và Goertek… đều được yêu cầu đánh giá các lựa chọn tiềm năng bên ngoài Trung Quốc.
Thương chiến kéo dài khiến Apple nghĩ lại về rủi ro của dây chuyền sản xuất tại Trung Quốc?
Những nguồn tin thân cận cho hay, một số quốc gia được xem xét như những lựa chọn tiềm năng thay thế Trung Quốc bao gồm Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia và Mexico. Trong đó, Việt Nam và Ấn Độ là hai ứng viên nặng ký cho dây chuyền sản xuất iPhone. Hãng smartphone hàng đầu thế giới Samsung hiện đã đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam và cân nhắc đóng cửa nhà máy sản xuất cuối cùng tại Trung Quốc.
Apple hiện chưa lên tiếng xác nhận thông tin chuyển dịch dây chuyền sản xuất nói trên.
Trong khi đó, thị trường đang mong chờ một thỏa thuận thương mại từ cuộc gặp gỡ của ông Trump và ông Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới. Hôm 18.6, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức xác nhận cuộc hội đàm giữa nhà lãnh đạo hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Ông Tập Cận Bình được cho là đã có cuộc điện đàm “tốt đẹp” với ông Trump trước khi phái đoàn hai nước thực hiện các công tác xúc tiến hội đàm.
Một thỏa thuận thương mại sẽ chấm dứt các lệnh trừng phạt thuế quan, ngăn chặn dòng dịch chuyển của các công ty nước ngoài ra khỏi Trung Quốc, đồng thời đưa nền kinh tế toàn cầu thoát khỏi nguy cơ suy thoái đã được IMF cảnh báo hồi đầu tháng 6.