Bắc Kinh tham vọng phục hồi nhanh kinh tế, chuyên gia "dội gáo nước lạnh"

23/03/2020 17:26 GMT+7
Chính phủ Trung Quốc đang thổi bùng triển vọng kinh tế phục hồi nhanh chóng sau khi kiểm soát thành công dịch virus corona trong nước; bất chấp các nhà phân tích đồng loạt cho rằng nền kinh tế toàn cầu khó tránh suy thoái khi đại dịch bùng phát trên toàn cầu.

Chính phủ tham vọng phục hồi nhanh nền kinh tế

Bắc Kinh tham vọng phục hồi nhanh kinh tế, chuyên gia "dội gáo nước lạnh" - Ảnh 1.

Chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình tham vọng theo đuổi các mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội đã đề ra bất chấp dịch virus corona

Nền kinh tế Trung Quốc được dự báo tăng trưởng thấp hoặc không tăng trưởng trong quý I/2020 do tác động tiêu cực từ các biện pháp phong tỏa đất nước khiến nền kinh tế gần như “tê liệt”. Các nhà kinh tế nhận định năm 2020 sẽ là năm Trung Quốc chứng kiến mức tăng trưởng chậm nhất kể từ khi nước này mở cửa kinh tế (năm 1978) đến nay.

Ngay cả khi Trung Quốc đã kiểm soát thành công dịch virus corona trong nước, việc dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ ở Mỹ, Hàn Quốc và các quốc gia Châu Âu như Anh, Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha… đã đẩy nền kinh tế toàn cầu đến bờ vực suy thoái, khiến nhu cầu tiêu dùng thế giới có chiều hướng giảm mạnh. Điều này dự đoán sẽ trở thành làn sóng tiêu cực thứ 2 đánh vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau đợt bùng phát dịch thứ nhất, do các quốc gia kể trên đều là những đối tác thương mại quan trọng bậc nhất của Trung Quốc.

Tuy nhiên, các quan chức Bắc Kinh lại tỏ ra lạc quan về triển vọng phục hồi của nền kinh tế. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Chen Yulu hôm 22/3 phát biểu trước giới truyền thông dự đoán: “Các chỉ số kinh tế sẽ cho thấy sự phục hồi, cải thiện đáng kể trong quý II và nền kinh tế Trung Quốc sẽ trở lại mức sản lượng tiềm năng một cách nhanh chóng”.

Ông Chen ám chỉ Chính phủ sẽ tiếp tục các chính sách kích thích kinh tế ở mức độ vừa phải để tiếp thêm động lực cho kinh tế phục hồi. Trước đó, Ngân hàng Trung Ương Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất tham chiếu LPR và cả lãi suất trung hạn MLF trong nỗ lực giảm chi phí vay, giúp doanh nghiệp và người dân tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn tín dụng. Chính phủ Trung Quốc cũng bơm thanh khoản và điều chỉnh chính sách thuế, dù những động thái này khá thận trọng, trái ngược hoàn toàn với việc cắt giảm lãi suất về 0 và bơm ồ ạt hàng tỷ USD hỗ trợ tài chính như những gì Mỹ và Châu Âu đang làm.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cam kết Chính phủ sẽ tối ưu hóa các chính sách để giúp phục hồi kinh tế, ổn định thị trường lao động trong thời gian sớm nhất. 

Doanh nghiệp phục hồi hoạt động, nhưng nguy cơ phá sản vẫn cao

Có những minh chứng chỉ ra rằng các doanh nghiệp Trung Quốc đang nỗ lực phục hồi hoạt động. Ước tính của Bloomberg cho thấy khoảng 85% doanh nghiệp Trung Quốc đã mở cửa trở lại, trừ tỉnh Hồ Bắc, tâm chấn của dịch virus corona. 

“Công nhân quay trở lại làm việc nhưng với tốc độ chậm và sản lượng yếu hơn” - nhận định của chuyên gia David Qu từ Bloomberg Economics. 

Gần 70% các công ty xuất nhập khẩu Trung Quốc đã hoạt động trở lại, theo Bộ Thương mại Trung Quốc. Tuy nhiên, tỷ lệ này ở các doanh nghiệp dịch vụ, nhất là doanh nghiệp nhà hàng và khách sạn mới chỉ đạt khoảng 60%. Bloomberg Economics chỉ ra gần một nửa các nhà hàng, khách sạn Trung Quốc có thể phá sản trong 6 tháng tiếp theo do dịch bệnh bùng phát khiến người dân hầu như không ra khỏi nhà, không dùng dịch vụ khách sạn hay ăn uống, thậm chí không muốn đến các địa điểm công cộng tập trung đông người.

Chi tiêu tiêu dùng của Trung Quốc giảm mạnh 1,5 nghìn tỷ trong 2 tháng đầu năm, tương đương 211 tỷ USD, theo nguồn tin trên tờ Nhật Báo Nhân dân của Trung Quốc. Trong đó, du lịch, khách sạn, giao thông và giải trí là các ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Ngân hàng Trung Ương Trung Quốc đã tuyên bố hỗ trợ 500 tỷ NDT (khoảng 70 tỷ USD) cho các ngân hàng để tăng cường tín dụng ưu đãi đến các doanh nghiệp, hộ dân khi dịch virus corona gây tác động tiêu cực nghiêm trọng. Nhưng vẫn cần chờ đợi để xem liệu những biện pháp của Bắc Kinh có đủ để cứu sống các doanh nghiệp nhỏ - vốn là trụ cột của nền kinh tế Trung Quốc, tạo ra hơn 80% việc làm trong nền kinh tế hay không.

Trung Quốc khó đạt tăng trưởng kinh tế 3%

Bắc Kinh tham vọng phục hồi nhanh kinh tế, chuyên gia "dội gáo nước lạnh" - Ảnh 3.

80% nền kinh tế Trung Quốc đã tê liệt trong nhiều tuần khi chính phủ buộc phải kéo dài kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, phong tỏa nhiều thành phố để kiểm soát dịch bệnh

Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc vẫn giữ tâm lý cảnh giác với các khoản nợ khổng lồ của Trung Quốc sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hồi năm 2008. Thực tế là cho đến nay, Trung Quốc vẫn vật lộn để giảm thiểu gánh nặng nợ lên tới hơn 310% GDP quốc gia. Do đó, cho đến nay, những biện pháp kích thích mà Bắc Kinh thực hiện vẫn e dè, đầy thận trọng. Tuy nhiên, nếu tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục tăng mạnh từ mức 6,2% hồi tháng 2 vừa qua, không loại trừ khả năng Bắc Kinh buộc phải loại bỏ sự dè dặt ấy để kích thích mạnh mẽ hơn trong nỗ lực đưa nền kinh tế thoát nguy cơ suy thoái.

Các chuyên gia kinh tế quốc tế đã liên tục hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sau khi dịch virus corona bùng phát tại nước này. Mức dự báo bình quân, theo thống kê của Bloomberg, chỉ rơi vào khoảng 3% trong năm 2020, mức thấp nhất kể từ năm 1976 đến nay.

Wang Tao, nhà kinh tế Trung Quốc từ UBS nhận định: “Nhiều biện pháp chính sách hỗ trợ có thể được Bắc Kinh đưa ra khi triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu ngày càng ảm đạm. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng các kích thích kinh tế có mạnh đến đâu cũng có có thể khiến tăng trưởng GDP Trung Quốc năm 2020 đạt trên 5%. Trên thực tế, mức tăng trưởng 3% đã là khó đạt được”.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục