"Bản thân thị trường trái phiếu không có lỗi..."
Đó là đánh giá của ông Phùng Xuân Minh - Tổng Giám đốc Công ty CP Sài Gòn Phát Thịnh Rating (Saigon Raiting) tại Tọa đàm: "Phát triển bền vững thị trường trái phiếu doanh nghiệp" do Báo Người lao động tổ chức sáng nay (19/4).
"Thị trường bản thân không có lỗi, chính sách do chúng ta làm nên"
TS Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho biết, trái phiếu là kênh huy động vốn trung và dài hạn rất quan trọng.
Dẫn số liệu, ông Lực nói: Hàng năm, hệ thống ngân hàng đưa ra nền kinh tế 1,4-1,5 triệu tỷ đồng, 45% trong đó là vốn trung dài hạn. Như vậy, nhu cầu vốn trung và dài hạn của nền kinh tế rất lớn. Ước tính giai 2022-2025, nền kinh tế cần 3,15 triệu tỷ đồng/năm để đầu tư toàn xã hội.
Trong khi vốn nhà nước chỉ chiếm 25%-26%, còn lại phải huy động nguồn lực bên ngoài. Từ đó cho thấy vai trò quan trọng của thị trường vốn nói chung và thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng.
Hơn nữa, trái phiếu doanh nghiệp sẽ góp phần phát triển lành mạnh, cân đối hơn hệ thống tài chính. Bởi bản chất của hệ thống ngân hàng là huy động vốn gửi ngắn và trung hạn, cho vay cũng chủ yếu ngắn và trung hạn chứ không phải dài hạn. Khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển sẽ góp phần đa dạng hóa kênh đầu tư, đa dạng hóa sản phẩm tài chính.
Ngoài ra, đây còn là kênh huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong dân và doanh nghiệp hay tổ chức khác, hạn chế vàng hoá, đô la hóa. Huy động vốn nguồn lực cả trong và ngoài nước qua đầu tư qua quỹ hay trực tiếp.
Cũng theo Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, vai trò là không thể phủ nhận, song thị trường trái phiếu hiện nay vẫn còn rất non trẻ, mới chỉ hơn 10 năm và chỉ phát triển tương đối nhanh, mạnh trong khoảng 5 năm trở lại đây.
Vốn huy động qua thị trường chứng khoán gồm cả cổ phiếu và trái phiếu tương đương 26% tổng lượng vốn cung ứng ra nền kinh tế. Trái phiếu doanh nghiệp chiếm khoảng 22,7% tổng lượng vốn cung ứng cho nền kinh tế mỗi năm, còn nguồn vốn huy động qua phát hành cổ phiếu chỉ chiếm 3,5% tổng lượng vốn đưa ra nền kinh tế.
Đồng quan điểm, ông Phùng Xuân Minh - Tổng Giám đốc Công ty CP Sài Gòn Phát Thịnh Rating (Saigon Raiting) cũng thừa nhận, thị trường trái phiếu còn quá mới mẻ và non trẻ nên mắc "lỗi".
"Với kinh nghiệm 12 năm khảo sát một số thị trường quốc tế như Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia…, chúng tôi nhận thấy những gì chúng ta đã trải qua cũng là những "lỗi" mà họ mắc phải từ 20-30 năm trước khi còn ở thị trường sơ khai. Thị trường bản thân không có lỗi, chính sách do chúng ta làm nên", ông Minh nói.
Do đó, ông Minh cho rằng hiện nay thị tường trái phiếu doanh nghiệp cần sẵn sàng 3 chủ thể quan trọng đáp ứng được nhu cầu, gồm: nhà nước định hướng quản lý, tiền kiểm là khâu quan trọng; minh bạch thông tin của tổ chức xếp hạng tín nhiệm; sự tuân thủ của các chủ thể trên thị trường (nhà phát hành, tổ chức xếp hạng…).
Trong đó, nhà nước cần có cơ chế để tạo điều kiện cho chủ thể tham gia thị trường có nhu cầu phát triển, nâng cao văn hóa xếp hạng tín nhiệm… Do đó, việc góp ý cải thiện chất lượng, hiệu quả của việc xây dựng luật hiện nay là điều rất quan trọng.
Ông Minh cũng nhận thấy một thực trạng đáng lo ngại trên thị trường hiện nay là đại dịch gần như khiến cả nền kinh tế tê liệt, dự án ngưng đọng nhưng nhu cầu vốn lại rất nóng. "Vậy tiền đi đâu, làm gì, về đâu? Trong khi có hiện tượng doanh nghiệp phát hành trái phiếu không sử dụng đúng mục đích", ông Minh đặt câu hỏi.
Những cái "không" đáng lo hơn không tài sản đảm bảo
Nhắc đến rủi ro của thị trường trái phiếu, ông Nguyễn Anh Vũ, Trường ĐH Ngân hàng TP HCM cũng bày tỏ băn khoăn về khi số lượng trái phiếu doanh nghiệp tăng đột biến, chỉ tính riêng trong năm 2021 đã bằng với giai đoạn 2011 – 2018. Trong đó 95% là phát hành riêng lẻ, 5% phát hành ra công chúng.
"Số lượng trái phiếu doanh nghiệp tăng đột biến, mà năng lực phân phối, bán trái phiếu của doanh nghiệp, ngân hàng vẫn rất tốt. Pháp luật hiện nay quy định điều kiện phát hành riêng lẻ luôn thấp hơn phát hành công chúng. Trước kia, nhà đầu tư cá nhân không quan tâm nhiều đến kênh trái phiếu doanh nghiệp mà chỉ quan tâm kênh cổ phiếu thôi. Vấn đề ở chỗ là tại sao doanh nghiệp lại phát hành riêng lẻ nhiều như vậy? Trong khi nhà đầu tư cá nhân mua chỉ chiếm chưa đến 9% lượng trái phiếu phát hành.
Cũng theo ông Vũ, nguyên tắc cho vay nói chung và đầu tư trái phiếu nói riêng thì tài sản bảo đảm không phải yếu tố duy nhất hay quan trọng hàng đầu để xem xét mua trái phiếu. Quan trọng nhất là đánh giá được tình hình tài chính, hoạt động của doanh nghiệp.
"Tôi lo ngại ngoài "3 không" là không tín nhiệm, không bảo lãnh thanh toán, không tài sản bảo đảm, thì còn có cái "không" thứ 4, thứ 5 khác, như không có năng lực tài chính tốt, dòng tiền, phương án kinh doanh không khả thi, dòng vốn không đúng mục đích… Những điều này đôi khi còn đáng lo hơn việc không có tài sản bảo đảm", ông Vũ nhấn mạnh.