Vốn qua kênh trái phiếu tiếp tục chảy mạnh vào bất động sản, chặn phát hành trái phiếu lấy tiền "gom đất" cách nào?

18/04/2022 17:26 GMT+7
Thống kê cho thấy, 17.200 tỷ "rót" vào các doanh nghiệp bất động sản qua kênh trái phiếu trong 3 tháng đầu năm 2022. Trong năm 2021, các doanh nghiệp bất động sản cũng là nhóm phát hành nhiều nhất, tộng cộng 318,2 nghìn tỷ.

17.200 tỷ "rót" vào các DN bất động sản qua kênh trái phiếu trong 3 tháng đầu năm

Theo thống kê của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 3 vừa qua có hai đợt phát hành trái phiếu ra công chúng của CTCP Chứng khoán VNDirect trị giá 1.000 tỷ đồng và CTCP Thương Mại Dịch Vụ TNS Holdings trị giá gần 500 tỷ đồng cùng 10 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ với giá trị 2.130 tỷ đồng.

Trong đó, nhóm doanh nghiệp bất động sản và chứng khoán hiện là hai nhóm ngành phát hành khối lượng trái phiếu lớn nhất với giá trị lần lượt đạt 1.691 tỷ đồng và 1.000 tỷ đồng. Dẫn đầu là CTCP Bất động sản Hano-vid với giá trị phát hành giá trị lớn nhất là 1.000 tỷ đồng qua hai đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ kỳ hạn 7 năm.

Bất động sản vững ngôi vương, chặn phát hành trái phiếu lấy tiền "gom đất" - Ảnh 1.

Nhóm bất động sản tiếp tục dẫn đầu về phát hành trái phiếu trong quý I/2022. (Ảnh: IT)

Tổng cộng trong quý I/2022, có 48 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với tổng giá trị khoảng 30.998 tỷ đồng và 9 đợt phát hành ra công chúng giá trị 8.696 tỷ đồng.

Tổng giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng tăng gần 14% so với cùng kỳ năm trước và giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ giảm hơn 24%, đạt 30.998 tỷ đồng.

Nhóm bất động sản vẫn dẫn đầu về giá trị phát hành với tổng khối lượng phát hành đạt 17.211 tỷ đồng, chiếm hơn 43%. Kỳ hạn từ 1 đến 3 năm chiếm phần lớn giá trị phát hành trong nhóm này với 10.004 tỷ đồng, tương đương hơn 58%. Nhóm xây dựng đứng ở vị trí thứ hai với 8.280 tỷ đồng, chiếm 20,86% tổng giá trị phát hành.

Trước đó, trong năm 2021, các doanh nghiệp bất động sản cũng là nhóm phát hành nhiều nhất, tộng cộng 318,2 nghìn tỷ – chiếm 44% tổng lượng TPDN phát hành và tăng 66,3% so với năm 2020. Số lượng các doanh nghiệp bất động phát hành tăng từ 141 doanh nghiệp năm 2020 lên 193 doanh nghiệp trong năm 2021.

Bất động sản vững ngôi vương, chặn phát hành trái phiếu lấy tiền "gom đất" - Ảnh 2.

Năm 2021, nhóm doanh nghiệp bất động sản cũng là nhóm phát hành nhiều trái phiếu nhất.

Nhiều doanh nghiệp lợi dụng ngân hàng chống lưng để phát hành trái phiếu

TS Lê Xuân Nghĩa – Chuyên gia kinh tế nhận định, trái phiếu doanh nghiệp đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nói chung, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản, đặc biệt là khi các ngân hàng đang siết mạnh tín dụng vào lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, trái phiếu doanh nghiệp hiện đang bị kiểm soát chặt chẽ của Chính phủ với 3 mục tiêu: tài chính doanh nghiệp, tài sản đảm bảo, mục đích sử dụng…

Theo ông Nghĩa, việc kiểm soát tài chính doanh nghiệp là đúng và phù hợp với thông lệ quốc gia bởi " nước nào cũng làm". Tuy nhiên, về tài sản bảo đảm và mục đích sử dụng vốn, theo vị chuyên gia này là không cần thiết.

Về kiểm tra mục đích sử dụng chỉ có thể ngân hàng làm, vì liên quan đến việc giải ngân của chính các ngân hàng. Trong khi đó, việc kiểm tra tài sản đảm bảo chỉ nên áp dụng với những doanh nghiệp lớn, còn doanh nghiệp nhỏ thì "lấy đâu ra tài sản để đảm bảo".

Do đó, để thị trường phát triển lâu dài, để doanh nghiệp có nguồn vốn phát triển dự án, thị trường trái phiếu rất quan trọng, nên cần đẩy nhanh xếp hạng trái phiếu.

Bất động sản vững ngôi vương, chặn phát hành trái phiếu lấy tiền "gom đất" - Ảnh 3.

TS Lê Xuân Nghĩa cũng chỉ ra một vấn đề không tích cực đang tồn tại trên thị trường đó là việc không ít doanh nghiệp lợi dụng ngân hàng chống lưng để phát hành trái phiếu và họ không dùng nguồn tiền đó để phát triển các dự án sẵn có mà dùng để mua gom đất.

"Đi mua đất, gom đất, gom tài nguyên, đấy chính là tự diễn biến, tự chuyển hóa của doanh nghiệp. Người ta nói cuộc chiến giành đất đai như là thế hệ cuối cùng của nền kinh tế này, nên phải đi mua gom. Việc đánh thuế đất do đó rất quan trọng, nhằm chặn đứng đầu cơ tài nguyên dài hạn", vị này nhấn mạnh thêm.

Huyền Anh
Cùng chuyên mục