Báo cáo Bộ Chính trị 4 dự án, doanh nghiệp yếu kém trong quý I/2023

19/12/2022 08:18 GMT+7
Theo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, phương án xử lý một số dự án thua lỗ, kém hiệu quả kéo dài ngành công thương sẽ được báo cáo Bộ Chính trị trong quý I/2023.

Tình hình xử lý 12 dự án, doanh nghiệp yếu kém ngành công thương

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó thủ tướng Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo xử lý các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành công thương để trình Ban cán đảng Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị trong quý I/2023 tình hình xử lý 4 dự án, doanh nghiệp trong danh mục các dự án thua lỗ, kém hiệu quả kéo dài ngành công thương.

Thông tin được Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đưa ra trong báo cáo tổng kết năm 2022.

Báo cáo Bộ Chính trị 4 dự án, doanh nghiệp yếu kém trong quý I/2023 - Ảnh 1.

Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty cổ phần Gang Thép Thái Nguyên có tên trong danh sách sẽ báo cáo Bộ Chính trị trong quý I/2023.

4 dự án sẽ báo cáo là Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty cổ phần Gang Thép Thái Nguyên, Dự án Nhà máy Thép Việt Trung, Dự án Công ty TNHH một thành viên Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS) và Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam.

“Ủy ban đã có nhiều buổi làm việc cùng với các cơ quan, đơn vị liên quan; tích cực chỉ đạo các doanh nghiệp khẩn trương có phương án xử lý dứt điểm các tồn tại, vướng mắc theo quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó thủ tướng Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo để trình Ban cán đảng Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị trong quý I/2023 theo yêu cầu”, thông tin có trong báo cáo tổng kết năm 2022 của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Với các dự án còn lại, thì 5 dự án, doanh nghiệp đã được Bộ Chính trị đồng ý chủ trương xử lý trong năm 2021, Vinachem và PVN đã chủ động, khẩn trương xây dựng, hoàn thiện và triển khai phương án xử lý.

Trong đó, Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP 1 - Hải Phòng của Công ty cổ phần DAP - Vinachem từ năm 2017 đến nay sản xuất ổn định, hàng năm có lãi và đã hết lỗ lũy kế từ tháng 01/2022.

Dự án sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ – PVN chuyển biến tích cực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, vận hành sản xuất khai thác tối đa, hiệu quả 27 dây chuyền sợi DTY, doanh thu bù đắp được chi phí biến đổi và có lợi nhuận trước định phí… Kết quả sản xuất, kinh doanh trong năm 2021, tổng doanh thu là 301 tỷ đồng (tăng 49% kế hoạch năm 2021, tăng 182% thực hiện năm 2020); lợi nhuận trước định phí ước đạt 17 tỷ đồng; đến quý I/2022, sản lượng sản xuất sợi DTY là 3.002 tấn (đạt 91% kế hoạch quý I/2022, tăng 49% so với quý I/2021).

3 dự án, doanh nghiệp còn lại, là Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất phân đạm Hà Bắc; Dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình; Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai, Vinachem đã xây dựng, hoàn thiện Phương án xử lý. Bước đầu, các doanh nghiệp này đã duy trì được sản xuất, kinh doanh; nỗ lực làm chủ công nghệ, từng bước nâng công suất chạy máy bình quân so với công suất thiết kế .

Một số dự án, doanh nghiệp năm 2022 có tiến bộ trong hoạt động, kinh doanh có lãi, giảm lỗ lũy kế hay vận hành trở lại sau thời gian dừng sản xuất đã đóng góp cho ngân sách nhà nước, giảm dư nợ trung hạn và dài hạn của các dự án/doanh nghiệp, bảo đảm duy trì việc làm, đời sống cho hàng nghìn lao động, góp phần ổn định chính trị - xã hội tại địa phương.

Trừ EVN, các tập đoàn thuộc Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đều có lãi

Theo báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, trừ EVN có lỗ đột biến do nguyên nhân khách quan (không được tăng giá điện), năm 2022, tổng lợi nhuận trước thuế của 18 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban ước đạt 39.219 tỷ đồng (bằng 173% kế hoạch và bằng 117% so với năm 2021).

Trong đó, 15/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về doanh thu; 17/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về lợi nhuận trước thuế; 16/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về nộp ngân sách nhà nước.

Cụ thể, năm 2022, EVN ước lỗ 31.000 tỷ đồng. 4 tập đoàn, tổng công ty không hoàn thành kế hoạch doanh thu là Vinachem, VNPT, Mobifone, Vinacafe.

Hai tập đoàn, tổng công ty là MobiFone, VNR không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận trước thuế. Ba tập đoàn, tổng công ty không hoàn thành kế hoạch nộp ngân sách nhà nước là MobiFone, VNR, Vinacafe.

Sau 4 năm chuyển về Ủy ban, các tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban phê duyệt đã triển khai thực hiện, hoàn thành đầu tư 41 dự án nhóm A, 125 dự án nhóm B.

“Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các tập đoàn, tổng công ty, Ủy ban đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật để triển khai thực hiện nhiều dự án đầu tư; trong đó, có 10 dự án lớn, quan trọng, cấp thiết đã chậm tiến độ từ nhiều năm, với tổng mức đầu tư khoảng 259.000 tỷ đồng”, báo cáo của Ủy ban phân tích.

Có thể kể đến Dự án Thăm dò khai thác dầu khí 4 lô tại Khu tự trị Nhenhexky - Liên bang Nga (tổng mức đầu tư khoảng 89.000 tỷ đồng), Dự án Nhà máy điện Hòa Bình mở rộng (tổng mức đầu tư 9.220 tỷ đồng), Dự án Nhà máy điện Ialy mở rộng (tổng mức đầu tư 6.399 tỷ đồng), Dự án Nhà máy điện ô Môn IV (tổng mức đầu tư 29.944 tỷ đồng), Dự án đường dây 500 KV Vân Phong, Vĩnh Tân (tổng mức đầu tư 2.856 tỷ đồng)...

Dự án Nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (tổng mức đầu tư 10.990 tỷ đồng), Dự án mở rộng Cảng hàng không Điện Biên (tổng mức đầu tư 1.548 tỷ đồng), Dự án mở rộng nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Nội Bài (tổng mức đầu tư 4.983 tỷ đồng).

Ngoài ra, Ủy ban đã tập trung tháo gỡ khó khăn để tiếp tục thực hiện Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 (tổng mức đầu tư 41.799 tỷ đồng).


Theo Báo Đầu tư
Cùng chuyên mục