Báo chí quốc tế: Việt Nam nỗ lực phi thường thúc đẩy tăng trưởng qua các FTA
CNBC mới đây đưa tin, hiệp định thương mại tự do EVFTA mà Việt Nam ký với Liên minh Châu Âu hôm 30.6 vừa qua, với thỏa thuận loại bỏ 99% hàng rào thuế quan lên hàng nhập khẩu, sẽ là động lực to lớn thúc đẩy thương mại Việt Nam bên cạnh những lợi ích từ xung đột Mỹ Trung.
EVFTA và tham vọng của Việt Nam
Từ hồi tháng 6, thống kê của NOMURA đã cho thấy Việt Nam là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ chiến tranh thương mại Mỹ Trung, khi kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ tăng mạnh và thu hút dòng vốn FDI lớn chuyển hướng từ thị trường Trung Quốc. Nhưng hiệp định EVFTA hứa hẹn những tiềm năng phát triển vượt trội hơn hẳn trong dài hạn. EU gọi đây là hiệp định “tham vọng nhất” từng ký kết với một quốc gia Đông Nam Á đang phát triển.
Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 16 trên thế giới và lớn thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á của EU, theo Ủy ban Châu Âu. Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU đạt 42,5 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 13,8 tỷ USD. Với hiệp định EVFTA vừa ký kết, Chính phủ Việt Nam đang kỳ vọng xuất khẩu từ Việt Nam sang EU tăng 20% và nhập khẩu từ EU tăng 15,28% trong năm 2020.
Việt Nam ký hiệp định EVFTA với EU hôm 30.6 tại Hà Nội
Các chuyên gia quốc tế đánh giá Việt Nam đang có những nỗ lực phi thường trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bằng cách đổi mới thể chế và tăng cường hội nhập. Hàng loạt FTA trong những năm gần đây đã cho Việt Nam quyền xuất khẩu với mức ưu đãi thuế sang nhiều thị trường lớn như EU, Australia, Nhật Bản, Canada, Mexico… Do đó, việc kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam bứt tốc là điều dễ hiểu.
Dù cho Mỹ đã rút khỏi Hiệp định CPTPP, Việt Nam vẫn được hưởng lợi lớn từ 11 quốc gia tham gia CPTPP còn lại với mức thuế loại bỏ gần như 99% có hiệu lực từ tháng 1.2019. Trong đó, có 8 thị trường từng có hiệp định thương mại đa phương hoặc song phương với Việt Nam, 3 thị trường mới hoàn toàn.
Thoát bóng kẻ thắng cuộc trong thương chiến Mỹ Trung
Ngân hàng Thế giới nhận định, Việt Nam hiện là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực, dựa trên tăng trưởng nhu cầu nội địa mạnh mẽ và việc mở rộng thị trường xuất khẩu theo định hướng của Nhà nước.
Dù vậy, không thể phủ nhận một phần tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong nửa đầu năm 2019 là do hưởng lợi từ thương chiến Mỹ Trung. Báo cáo hồi tháng 6 của ngân hàng Nomura Nhật Bản ước tính GDP Việt Nam đã tăng tới 7,9% trong do các công ty nước ngoài chuyển hướng từ Trung Quốc vào Việt Nam để tránh thuế quan trừng phạt.
Các công ty Mỹ cũng tìm đến Việt Nam như một nhà xuất khẩu thay thế cho Trung Quốc với nhiều loại mặt hàng linh kiện, thủy công mỹ nghệ… Một số lĩnh vực được hưởng lợi nhiều nhất phải kể đến linh kiện điện thoại, nội thất…, nhìn chung là những mặt hàng truyền thống mà Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ.
Nhìn từ xa một khu công nghiệp tại thị trấn Kỳ Anh, Hà Tĩnh
Một vấn đề đặt ra, là Việt Nam có lý do để lo lắng trước những động thái mới đây từ Mỹ. Hôm 3.7, Mỹ tuyên bố áp thuế với thép từ Việt Nam lên đến 456%, đánh vào mặt hàng thép chống gỉ, thép cán nguội có phát hiện thép chất nền nguồn gốc từ Đài Loan hoặc Hàn Quốc.
Tuần trước, Tổng thống Trump cũng nhắc đến Việt Nam như một kẻ hưởng lợi từ xung đột thương mại giữa Bắc Kinh và Washington. Tuy chưa dán nhãn Việt Nam thao túng tiền tệ hồi tháng 5, Mỹ vẫn đang theo dõi chặt chẽ tình hình thâm hụt cán cân thương mại giữa hai nước.
Nhưng với việc ký hiệp định EVFTA, Việt Nam đã chứng minh một điều: nền kinh tế này đang bước ra khỏi cái bóng hưởng lợi từ thương chiến, vươn tới thương mại tự do thông qua việc hội nhập hóa, mở cửa nền kinh tế, thúc đẩy kim ngạch xuất nhập khẩu.
Với việc trở thành quốc gia đang phát triển đầu tiên ở Châu Á ký hiệp định thương mại tự do với EU nói riêng và hàng loạt FTA khác, Việt Nam sẽ là điểm đến mới mẻ với các nhà đầu tư nước ngoài, như một thị trường đầy tiềm năng, hứa hẹn.