Báo động nạn sâu ngoại lai tàn phá ngô, đã có mặt trên 30 tỉnh thành
Loại sâu keo mùa thu có thể gây thiệt hại rất lớn trên diện tích ngô của Việt Nam Ảnh: Bình Phương
Bộ NN&PTNT vừa báo cáo Thủ tướng về sâu mùa thu- một sinh vật ngoại lai rất nguy hiểm đã xuất hiện và lây lan với tốc độ chóng mặt ở Việt Nam từ đầu năm 2019 đến nay. Loại sâu này đã có mặt trên 30 tỉnh thành và tiếp tục đe dọa cả trăm nghìn hécta ngô của Việt Nam.
Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), Bộ NN&PTNT cho biết, loài sâu keo mùa thu (Fall Armyworm) xuất hiện hơn 200 năm trước ở Trung Mỹ, trước khi lan sang châu Phi, châu Á và gây hại nặng trên cây ngô.
Năm 2018, Tổ chức Nông lương của Liên Hợp Quốc (FAO) cảnh báo Việt Nam, khi loài sâu nguy hiểm trên đã xuất hiện ở Ấn Độ và Sri Lanka. Đến đầu năm 2019, sâu keo mùa thu đã có mặt ở Trung Quốc, Thái Lan và Myanmar.
Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng BVTV cho biết, đến đầu năm 2019 vẫn chưa có nhiều thông tin rõ ràng về đặc điểm hình thái, sinh học… loài sâu này.
Theo ông Dương, dựa trên các mẫu lấy ở các địa phương, Việt Nam phát hiện sự có mặt của sâu keo mùa thu trên ruộng ngô ở Nghệ An, Hà Tĩnh và Thanh Hóa. Cục BVTV đã gửi mẫu sang CABI (Trung tâm Sinh học Nông nghiệp quốc tế ở Vương quốc Anh) và Học viện Nông nghiệp Việt Nam phân tích. Ngày 16/4, cả CABI và Học viện Nông nghiệp đều xác định là sâu keo mùa thu.
Ông Dương cho biết, sâu keo mùa thu có thể gây hại trên 300 loài thực vật (ngô, bông, đậu tương, lúa, mía, rau...), trong đó thức ăn ưa thích nhất của sinh vật này là cây ngô. Đây là đối tượng gây hại rất nguy hiểm do có khả năng di cư theo gió, một đêm có thể bay cả trăm kilômét, nên không áp dụng biện pháp kiểm dịch thực vật để ngăn chặn.
Thông tin từ tổ chức Corlife Việt Nam cũng cho biết, dựa trên các dữ liệu phân tích từ châu Phi, CABI ước tính loài sâu hại này sẽ làm giảm sản lượng ngô hằng năm xuống 21% - 53% nếu không áp dụng biện pháp phòng trừ.
Theo khuyến cáo FAO, với sâu keo mùa thu, biện pháp tốt nhất là áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), kiểm tra đồng ruộng sớm, phát hiện ngắt ổ trứng, làm đất phơi khô diệt ấu trùng, nhộng, dùng bẫy đèn, bẫy cây trồng…Sau IPM mới dùng đến phương án phun thuốc BVTV.
Trước mắt, Cục BVTV đã cho phép sử dụng tạm thời 4 hoạt chất (Bacillus Thuringinensis, Spinetoram, Indoxacarb, Lufenuron) đến hết năm 2019. Đây là những chất đã được thử nghiệm ở Việt Nam và sử dụng hiệu quả ở một số nước. Lãnh đạo Cục BVTV cho biết, ngay cả FAO cũng khuyến cáo, nông dân không nên hoảng sợ, phun ồ ạt các loại thuốc hóa học, thậm chí cả thuốc độc hại như ở một số nước.