Bao giờ sầu riêng Việt hết “lót đường” sầu riêng Thái?
Theo TS Mai Thành Phụng - chuyên gia nông nghiệp, trồng sầu riêng trên đất phèn nông dân sẽ rất hao tiền, tốn sức hơn trồng bình thường. “Vấn đề là sau 5, 6 năm tốt tươi, cây sầu riêng sẽ tự chết và vô phương cứu chữa”, TS Phụng khẳng định.
Ồ ạt “kết duyên” với đất phèn
Bất luận các chuyên gia nông nghiệp cảnh báo, nông dân miền Tây vẫn ồ ạt trồng sầu riêng trên đất phèn bởi hấp lực về giá. Cụ thể giá sầu riêng tại vườn khoảng 60.000 đồng/kg (loại 1).
Trước đây xã Thanh Hòa (thị xã Cai Lậy) được xem là “thủ đô mít Thái” của Tiền Giang. Từ đất lúa, nhà nhà chuyển sang trồng mít và phất lên. Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều nông dân đốn mít chuyển sang trồng sầu riêng khi thấy giá tốt. Do là đất phèn, nông dân buộc phải lên mô (ụ) theo quy cách 1,5m x 1m để trồng sầu riêng. Dưới chân mô, nông dân đào rãnh sâu quanh rồi dùng lân để xả phèn.
Với cách thức này, ông Đỗ Hiếu - một nông dân trồng sầu riêng (xã Thanh Hòa) cho biết, 3 năm trước đã trồng 6.000m2 đất với gần 150 gốc sầu riêng. “Hiện, sầu riêng sắp cho thu hoạch”, ông thổ lộ.
Theo ông Phan Văn Nhanh - Phó Chủ tịch HND xã Thanh Hòa, khoảng 90% nông dân Thanh Hòa trồng sầu riêng. Hiện, xã có 185ha sầu riêng và sẽ còn phát triển tiếp.
Sở NNPTNT tỉnh Tiền Giang cho biết, toàn tỉnh có 13.000 ha sầu riêng, sản lượng 200.000 tấn/năm. Trong đó, khá nhiều diện tích trồng sầu riêng trồng trên đất phèn.
Trong khi đó, theo Sở NNPTNT tỉnh Long An, tại khu vực Đồng Tháp Mười phèn chua nặng, một số huyện như: Vĩnh Hưng, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Mộc Hóa đã trồng hơn 100 ha sầu riêng. Ông Lê Văn Hậu (huyện Mộc Hóa) cho biết, năm 2015, ông thuê máy đào kênh, xổ phèn, tưới tiêu, đắp mô đất để vừa rửa phèn để trồng khoảng 4ha sầu riêng giống Thái Lan và giống Mã Lai, với vốn đầu tư cải tạo đất và mua cây giống hơn 1,5 tỉ đồng. Đến nay, có gần một nửa số cây sầu riêng đang đơm bông, kết trái.
“Chừng hơn năm nữa tôi sẽ thu lãi từ sầu riêng từ 200 - 250 triệu đồng/ha/vụ”, ông nhẩm tính.
Ông Nguyễn Chí Thiện - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An nhận định, diện tích một số loại cây ăn quả, trong đó có sầu riêng, đang có xu hướng tăng nhanh do nhiều địa phương chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng một số loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao hơn.
Song, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng là do người dân tự phát, không phải theo kế hoạch, quy hoạch của địa phương nên diện tích sản xuất nhỏ lẻ, manh mún không tập trung. Từ đó, dẫn đến khó khăn trong việc khuyến cáo, hướng dẫn sản xuất theo quy trình VietGAP, đăng ký cấp mã số vùng trồng, kêu gọi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Nguy cơ khủng hoảng thừa
Dù mức giá sầu riêng hiện nay vẫn đảm bảo cho thu nhập cao, lợi nhuận lớn nhưng vẫn khiến nông dân cảm thấy nguy cơ khủng hoảng thừa.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), năm 2018, Trung Quốc vẫn đứng đầu về nhập khẩu rau quả của Việt Nam với giá trị là 2,41 tỉ USD. Tuy nhiên, hiện nay, Trung Quốc hạn chế thu mua nhiều loại trái cây Việt Nam trong đó có trái sầu riêng. Nguyên nhân, trái sầu riêng lâu nay chỉ xuất theo đường tiểu ngạch.
Thời gian gần đây, Trung Quốc thắt chặt các mặt hàng nông sản ngoại nhập, yêu cầu nhập theo đường chính ngạch, sầu riêng Việt Nam phải rõ nguồn gốc xuất xứ, chỉ tiêu chất lượng, gắn nhãn mác... Sầu riêng của Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu của họ nên bị cấm và ứ đọng trong nội địa.
Ông Huỳnh Tấn Lộc - Giám đốc HTX Sầu riêng Ngũ Hiệp (xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, Tiền Giang) cho biết, thời gian gần đây, việc xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc đang gặp rất nhiều khó khăn.
“Trung Quốc dựng rào cản kỹ thuật với trái sầu riêng bằng việc truy xuất nguồn gốc, sạch… đã khiến việc xuất khẩu sầu riêng của HTX đi vào ngõ cụt”, ông Lộc chia sẻ.
HTX này có hơn 100 thành viên chuyên canh sầu riêng, với khoảng 50ha. Mỗi năm HTX thu hoạch khoảng 1.500 tấn sầu riêng với thương hiệu “Sầu riêng Cai Lậy”. 70% sản lượng này xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc. Số còn lại xuất sang thị trường Nhật Bản và bán nội địa. HTX đã có 14,5ha sầu riêng sản xuất theo hướng sạch. Tuy nhiên, số diện tích này đã được làm cách đây 5 năm bằng một dự án của tỉnh hỗ trợ. Những năm qua, HTX không mở rộng diện tích làm sầu riêng sạch.
“Nếu chỉ bán sầu riêng cho thị trường trong nước, khả năng HTX sẽ ngừng hoạt động”, Phó Giám đốc HTX này cho biết.
Theo ông Nguyễn Hoàng Cung - Giám đốc Công ty Đại Thuận Thiên (Cần Thơ) chuyên xuất khẩu trái cây, mặc dù trái sầu riêng vẫn còn mang lại lợi nhuận cao cho bà con nông dân, nhưng kiểu phát triển và sản xuất như hiện nay rất đáng lo ngại.
“Nhiều năm làm trong nghề thu mua và xuất khẩu trái cây, tôi thấy bà con nông dân chỉ làm được 1/10 sầu riêng là đủ chuẩn xuất khẩu (loại 1). Số còn lại là bán trong thị trường nội địa hoặc xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc với giá thấp”, ông Cung nhận xét.
Cũng theo ông Cung, hiện nay, Trung Quốc chỉ nhập khẩu sầu riêng Việt Nam khi đã nhập đủ sầu riêng từ Thái Lan, Malaysia, bởi chất lượng sầu riêng từ 2 nước này tốt hơn sầu riêng Việt Nam. Vì vậy, nông dân phải nâng chất sầu riêng Việt Nam để nâng sức cạnh tranh như các điều kiện TQ đang yêu cầu. Tuy nhiên, với việc diện tích tăng ồ ạt như hiện nay, ông Cung cho rằng rất khó để chấn chỉnh chất lượng, thậm chí sắp tới sầu riêng sẽ gặp nguy cơ khủng hoảng thừa.
Cuối tháng 11 này, khu vực phía Nam lại vào mùa thu hoạch sầu riêng trái vụ. Dự đoán giá cả tăng giảm ra sao, ông Cung cho rằng: Cần phải chờ Trung Quốc “ăn” sầu riêng Thái Lan, Malaysia ra sao!