Trung Quốc dựng rào kỹ thuật, nông dân “thủ phủ trái cây” đau đầu tìm đầu ra cho sầu riêng
Nhằm chuẩn bị xây dựng Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (HND VN) về “Xây dựng xã hội nông thôn văn minh, hiện đại” và “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn, dịch vụ hỗ trợ, đào tạo nghề và đào tạo việc làm cho nông dân”, ngày 19/9, Đoàn khảo sát của Trung ương HND VN do Phó Chủ tịch Trung ương HND VN Nguyễn Xuân Định dẫn đầu đã làm việc với các địa phương tỉnh Tiền Giang.
Ông Huỳnh Tấn Lộc - Giám đốc HTX Sầu riêng Ngũ Hiệp (xã Ngũ Hiệp, Cai Lậy) cho biết, thời gian gần đây, việc xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc đang gặp rất nhiều khó khăn.
“Trung Quốc dựng rào cản kỹ thuật với trái sầu riêng bằng việc truy xuất nguồn gốc đã khiến việc xuất khẩu sầu riêng của HTX đi vào ngõ cụt”, ông Lộc chia sẻ.
Hiện, HTX này có hơn 100 thành viên chuyên canh sầu riêng, với khoảng 50ha. Mỗi năm HTX thu hoạch khoảng 1.500 tấn sầu riêng với thương hiệu “Sầu riêng Cai Lậy”. 70% sản lượng này xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc. Số còn lại xuất sang thị trường Nhật Bản và bán nội địa.
Việc Trung Quốc dựng rào cản kỹ thuật nhập khẩu sầu riêng khiến cho HTX này đang điêu đứng. “Nếu chỉ bán sầu riêng cho thị trường trong nước, khả năng HTX sẽ ngừng hoạt động” - Phó giám đốc HTX này cho biết.
Hiện, HTX này đã có 14,5ha sầu riêng sản xuất theo hướng sạch. Tuy nhiên, số diện tích này đã được làm cách đây 5 năm bằng một dự án của tỉnh hỗ trợ. Những năm qua, HTX không mở rộng diện tích làm sầu riêng sạch nữa.
Không chỉ HTX Sầu riêng Ngũ Hiệp ngắc ngứ đầu ra xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc mà nông dân trồng sầu riêng trên địa bàn xã Ngũ Hiệp cũng đang lo lắng việc này.
Bà Cao Thị Út, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ngũ Hiệp, cho biết xã Ngũ Hiệp là vùng chuyên canh sầu riêng với tổng diện tích gần 1.600ha.
Sau thời gian gặp khó xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc, hiện giá sầu riêng tại vườn ở Tiền Giang loại 1 chỉ hơn 30.000 đồng/kg.
Lão nông Trần Văn Thuận, hiện đang trồng 2.500m2 sầu riêng cho biết, hiện nông dân chưa thấy lợi ích làm sầu riêng sạch.
“Các cấp Hội cần đẩy tuyên truyền, vận động nông dân làm sầu riêng sạch mới mong đầu ra tốt. Đến giờ, ngoài hơn chục ha làm sạch của HTX Ngũ Hiệp trên địa bàn chẳng bói đâu ra thêm” - lão nông này cho biết.
Tuy nhiên, chưa nói học làm sầu riêng sạch, việc vận động nông dân đến lớp học làm nông hiện nay trên địa bàn tỉnh Tiền Giang cũng đang gặp nhiều khó khăn.
Trong chuyến khảo sát của Đoàn cán bộ HND Trung ương tại Tiền Giang cho thấy, việc mở lớp dạy nghề cho nông dân đang bế tắc bởi rất nhiều lý do, như: chương trình kém hấp dẫn, kéo dài thời gian học, hết suất học thêm nghề….
“Thậm chí mời nông dân đi dự hội thảo chuyển giao KHKT, làm nông sản sạch, họ cũng chỉ đi lác đác” - ông Huỳnh Văn Liêm-Chủ tịch HND xã Long Điền (huyện Chợ Gạo) chia sẻ.
Theo nhiều cán bộ, hội viên nông dân, hiện tại tỉnh này đang có tình trạng nông dân đi dự hội thảo của công ty sản xuất phân bón, thuốc BVTV nhiều hơn đi dự do HND tổ chức, bởi dự có… quà.
Ông Liêm chia sẻ, Hội cần đổi mới công tác dạy nghề cho nông dân. Thay vì kéo dài 3 tháng học rải rác, nên rút ngắn thời gian lại; chương trình học hấp dẫn hơn, phong phú ngành nghề; mở rộng số lần học nghề để thích ứng với tình hình nông nghiệp mới…
“Quy định mỗi nông dân chỉ được hỗ trợ học một nghề là lỗi thời. Có người cần học nghề thêm, nhưng kiểm tra lại thấy đã hỗ trợ học rồi nên thôi. Giờ nông dân phải học đa nghề mới thích ứng với tình hình nông nghiệp mới” - ông Liêm bộc bạch.
Theo ông Lê Văn Trương - Phó Chủ tịch HND huyện Chợ Gạo, tại huyện Chợ Gạo, nông dân đang bỏ lúa, cây trồng cũ ồ ạt chuyển sang trồng thanh long.
Ông Võ Văn Nhanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Cai Lậy kiến nghị, Tiền Giang là “thủ phủ trái cây” của miền Tây Nam bộ. Giờ Trung Quốc dựng rào cản kỹ thuật đối với trái cây Việt Nam, các cấp Hội cần đẩy mạnh tuyên truyền vận động nông dân vào liên kết tổ chức sản xuất để tạo chuỗi, tăng cường dạy nghề, làm nông sản tiêu chuẩn VietGAP… để rộng cửa xuất khẩu.
“Tôi nói thật, nói đến quy trình sản xuất sầu riêng ở xã Ngũ Hiệp nông dân nào cũng rành mạch. Nhưng bảo họ làm sầu riêng sạch thì mấy ai biết. Phải làm sầu riêng sạch để giữ thương hiệu”- ông bộc bạch.