Báo Trung Quốc: Chiến tranh thương mại lái dòng vốn FDI vào Việt Nam
Cho đến giữa năm 2018, trước khi xung đột thương mại Mỹ Trung bùng nổ, hoạt động khu hợp tác kinh tế và thương mại Trung Quốc - Việt Nam VCEP (còn gọi là khu công nghiệp An Dương) đặt tại Hải Phòng vẫn không mấy khởi sắc. Khu công nghiệp An Dương hiện thuộc quản lý của chính quyền thành phố Thâm Quyến.
Nhưng căng thẳng thương mại leo thang và mức thuế mà Tổng thống Trump áo vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc đã thay đổi điều đó. Có tới 16 công ty Trung Quốc đã chuyển đến khu công nghiệp An Dương kể từ khi bắt đầu chiến tranh thương mại. Trong đó có khá nhiều công ty sản xuất thiết bị điện tử và công nghệ.
Không chỉ các công ty Trung Quốc, rất nhiều công ty nước ngoài khác đang rời bỏ thị trường tỷ dân và chuyển sang các khu công nghiệp tại Việt Nam để tránh mức thuế quan 25%. Chi phí thuê đất và nhà xưởng rẻ tương đối, nguồn nhân công rẻ và dồi dào tại Việt Nam nói riêng và các nước Đông Nam Á nói chung được nhiều nhà đầu tư lựa chọn để chuyển hướng. Nhiều chuyên gia phân tích cũng chỉ ra, Việt Nam là một trong những quốc gia hưởng lợi từ xung đột thương mại Mỹ Trung.
Quay trở lại khu công nghiệp An Dương nói trên, chính quyền thành phố Thâm Quyến đang khuyến khích các công ty chọn Việt Nam làm nơi dừng chân với số vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng lên tới 200 triệu USD, dự kiến tạo thêm 30.000 việc làm cho công nhân địa phương vào năm 2022.
Công ty nước ngoài thăm quan KCN An Dương, Hải Phòng trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ Trung
Trước đây, có giả định rằng Trung Quốc sẵn sàng để mất ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động và gây ô nhiễm môi trường, chuyển hướng nó sang những quốc gia khác như Việt Nam. Nhưng khu công nghiệp An Dương đang cho thấy điều ngược lại. Nơi đây tập trung đa số các doanh nghiệp sản xuất thiết bị điện tử công nghệ cao mà Trung Quốc đang khao khát xây dựng tại thị trường đại lục. Hệ thống xử lý nước thải và ô nhiễm môi trường cũng được đầu tư hiện đại, đạt mọi chỉ tiêu chất lượng.
Ban quản lý VCEP còn chi 30 triệu NDT (khoảng 4.3 triệu USD) để xây dựng hệ thống giao thông nối khu công nghiệp An Dương với quốc lộ chạy qua Hải Phòng để thuận tiện cho việc di chuyển và giảm tải lưu lượng giao thông trong hệ thống đường liên xã, liên huyện.
“Dự án hoàn thành tròn chưa đầy 9 tháng. Chi phí cao gấp nhiều lần chi phí xây dựng cầu đường tại Trung Quốc do phải nhập nhiều nguyên vật liệu xây dựng từ nước ngoài” - ông Li Meng, thành viên ban quản lý VCEP cho hay.
TP-Link, nhà sản xuất thiết bị mạng và máy tính có trụ sở tại Thâm Quyến mới đây vừa thuê thêm một nhà máy rộng 140.000m2 trong khu công nghiệp An Dương. Dự kiến vào đầu tháng 7, nhà cung cấp thiết bị Wifi lớn nhất thế giới sẽ bắt đầu thử nghiệm sản xuất thiết bị của mình tại cơ sở mới này.
“Khi TP-Link thuê nhà xưởng vào cuối năm 2018, giá cho thuê vào khoảng 75-80 USD/m2. Hiện nay, sau 6 tháng, giá cho thuê đã tăng lên 90 USD/m2. Đây là dấu hiệu cho thấy sự gia tăng lợi ích thương mại mà Việt Nam đạt được trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ Trung.” - ông Li Meng phân tích.
Dữ liệu từ cơ quan đầu tư nước ngoài cho thấy Việt Nam thu hút khoảng 16,74 tỷ USD vốn FDI trong 5 tháng đầu năm 2019, tăng 69,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, 72% vốn FDI được đầu tư vào lĩnh vực chế biến và sản xuất.