Bảo vệ cổ đông thiểu số

04/11/2019 06:06 GMT+7
Tại dự án Luật Doanh nghiệp (DN) sửa đổi trình Quốc hội xem xét trong kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đề cập đến năm nội dung lớn được đề xuất điều chỉnh, trong đó có vấn đề nâng cao khung pháp luật bảo vệ nhà đầu tư mà cụ thể là bảo vệ quyền lợi của cổ đông thiểu số.

Theo đó, cơ quan soạn thảo đề xuất cổ đông sở hữu 1% cổ phần là đã có quyền tiếp cận các thông tin sâu của DN thay vì phải sở hữu 10% cổ phần trong sáu tháng liên tục như quy định hiện hành.

Ðề xuất này nhanh chóng nhận được sự chú ý của dư luận. Về phía những người làm công tác quản trị DN cho rằng, việc tăng quyền cho cổ đông nhỏ là cần thiết, nhưng giảm mạnh tỷ lệ sở hữu của cổ đông có quyền tiếp cận thông tin và can thiệp vào hoạt động của DN như đề xuất nêu trên có thể dẫn đến tình trạng đối thủ cạnh tranh mua cổ phần và gây khó dễ, thậm chí quấy phá DN. Bên cạnh đó còn có nguy cơ đẩy chi phí quản trị DN tăng cao. 

Bảo vệ cổ đông thiểu số - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, các chuyên gia và cơ quan soạn thảo lại có một đánh giá khá thống nhất rằng, 1% cổ phần của DN niêm yết là rất lớn. Và với một nhà đầu tư, bản thân họ phải hành động dựa trên lợi ích của 1% cổ phần đó đem lại, không ai mạo hiểm hy sinh quyền lợi của mình để quấy phá DN. 

Thông lệ thế giới, quản trị công ty ở các nước đều đề cao quyền cổ đông, hệ thống pháp luật luôn có xu hướng bảo vệ cao nhất quyền cổ đông, trong đó có các cổ đông nhỏ lẻ để người dân yên tâm, đã bỏ vốn đầu tư là được bảo đảm quyền lợi. Nếu muốn tăng cường khả năng quản trị DN dần tiếp cận theo chuẩn quốc tế thì không thể không đi theo xu hướng này.

Bảo vệ quyền lợi của cổ đông nhỏ lẻ là vấn đề quan trọng đang đặt ra trong hoạt động quản trị DN hiện nay. Trong thực tế, những quy định của pháp luật về quản trị DN chưa thật sự tạo thuận lợi cho cổ đông, cho nhà đầu tư thực hiện quyền của mình, thậm chí còn tạo thêm rào cản cho các cổ đông nhỏ lẻ, bị cổ đông lớn và công ty lạm dụng, gây tổn hại đến lợi ích của cổ đông khác. 

Luật DN cũng quy định một số yêu cầu, điều kiện gây khó khăn cho cổ đông, nhóm cổ đông nhỏ tham gia vào các quyết định quan trọng của công ty như: đề cử người vào hội đồng quản trị; tiếp cận thông tin về hoạt động của DN; gặp nhiều trở ngại trong tiếp cận thông tin cần thiết để khởi kiện người quản lý công ty trong trường hợp họ lạm dụng địa vị, quyền hạn, gây thiệt hại cho công ty, cổ đông... 

Ðây cũng là một trong những nguyên nhân khiến chỉ số Bảo vệ nhà đầu tư của Việt Nam (một chỉ số thành phần của Ngân hàng Thế giới dùng để xếp hạng môi trường kinh doanh hằng năm) ít được thăng hạng, hoặc chỉ được ghi nhận có cải cách ở mức độ thấp.

Trong bối cảnh tính minh bạch của doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn những hạn chế, người dân chưa đủ lòng tin với người đứng đầu DN, việc sửa đổi các quy định của pháp luật để bảo vệ quyền lợi cổ đông, nhất là nhóm cổ đông thiểu số là cần thiết nhằm tăng mức độ an toàn cho cổ đông, tạo khả năng huy động vốn trong dân cư. 

Qua đó cũng nâng cao chất lượng tổ chức quản trị DN theo thông lệ quốc tế, nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh Việt Nam. Vấn đề là cần xem xét giảm xuống mức sở hữu bao nhiêu phần trăm cổ phần để bảo đảm hài hòa các mục tiêu, quyền lợi của cổ đông thiểu số và giữ bí mật, an toàn cho hoạt động của DN.

Bích Ngân/Nhân dân
Cùng chuyên mục