Bất chấp đe dọa từ Mỹ, Pháp vẫn phê duyệt thuế dịch vụ kỹ thuật số

12/07/2019 07:43 GMT+7
Khoản thuế 3% với doanh thu từ dịch vụ kỹ thuật số sẽ được Pháp áp dụng với mọi công ty công nghệ có doanh thu toàn cầu trên 750 triệu EUR và doanh thu tại Pháp trên 25 triệu EUR. Dự kiến, các công ty Mỹ sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi chính sách thuế mới này có hiệu lực.

Hôm 11.7, Thượng viện Pháp đã chính thức phê duyệt mức thuế với dịch vụ kỹ thuật số bất chấp lời cảnh báo rõ rệt từ phía Mỹ. Hành động này nhiều khả năng sẽ mở ra một mặt trận mới trong xung đột thương mại Mỹ - EU.

Cụ thể, khoản thuế 3% với doanh thu từ dịch vụ kỹ thuật số sẽ được Pháp áp dụng với mọi công ty công nghệ có doanh thu toàn cầu trên 750 triệu EUR và doanh thu tại Pháp trên 25 triệu EUR. Dự kiến, các công ty Mỹ sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi chính sách thuế mới này có hiệu lực.

Hôm 10.7, Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh điều tra kế hoạch đánh thuế dịch vụ kỹ thuật số của Pháp, điều mà ông Trump quan ngại sẽ gây ra những bất lợi và không công bằng cho các tập đoàn Mỹ. Nhiều chuyên gia phân tích nhận định việc Pháp thông qua mức thuế mới đây có thể sẽ dẫn đến những lệnh trừng phạt thuế quan hoặc hạn chế thương mại từ Trump, trong bối cảnh xung đột Mỹ Trung vừa hạ nhiệt.

Trong khi một số quốc gia EU như Ireland, Đan Mạch, Thụy Điển và Phần Lan không ủng hộ áp thuế dịch vụ kỹ thuật số, thì Pháp và nhiều nước EU còn lại bao gồm Anh, Áo, Ý, Tây Ban Nha đã công bố các kế hoạch thuế quan riêng của họ. Theo Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Bruno Le Maire, chính sách thuế quan của Pháp được quyết định trên nền tảng chủ quyền, độc lập, tuân thủ các thỏa thuận quốc tế.

Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Bruno Le Maire khẳng định mức thuế kỹ thuật số mới đây là hợp pháp và tuân thủ các thỏa thuận quốc tế

Thuế dịch vụ kỹ thuật số được cho là nhắm đến các tập đoàn công nghệ đa quốc gia lớn như Facebook, Google, Twitter hay Amazon..., những hãng đang thu về lợi nhuận khổng lồ từ các nước EU có mức thuế thấp. Điều này đã ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển của các nhà bán lẻ, công ty nội địa trong công cuộc cạnh tranh. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố mục đích của thuế dịch vụ kỹ thuật số không gì hơn ngoài sự đảm bảo công bằng xã hội.

Đáp lại quan điểm của Pháp, Bộ trưởng Tài chính Ireland ông Paschal Donohoe cảnh báo hồi tháng 5.2019 rằng thuế quan dịch vụ kỹ thuật số nhắm vào các công ty Mỹ sẽ làm trầm trọng thêm những căng thẳng thương mại toàn cầu, gây thiệt hại lớn hơn cho thương mại tự do và đầu tư xuyên biên giới. 

Còn ông Giuseppe de Martino, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Đầu tư Australia ASIC thì nhận định, bằng cách cố gắng tạo ra lợi thế cạnh tranh trước tập đoàn Mỹ, Pháp đã làm sâu sắc thêm xung đột thương mại, điều có thể dẫn đến những trừng phạt thuế quan lớn từ Trump đối với các mặt hàng thế mạnh của Pháp như rượu vang, ô tô…

Lâu nay, căng thẳng giữa Mỹ và EU đã lên cao khi Mỹ cáo buộc EU đã gây ra thiệt hại hàng chục tỷ USD cho ngành công nghiệp hàng không Mỹ với các khoản tài trợ bất hợp pháp cho Airbus. Dự kiến trong tháng 7, Tổ chức thương mại thế giới WTO sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng về việc liệu EU có đang vi phạm các chính sách tự do thương mại khi tài trợ cho Airbus hay không.

Tổng thống Trump còn nhiều lần bày tỏ sự không hài lòng với dự án đường ống khí đốt Nord Stream 2 bắt nguồn từ Nga, dự kiến sẽ cung cấp lượng khí đốt khổng lồ cho Đức. Một quan chức cấp cao Đức hôm 10.4 đã cảnh báo EU nên sẵn sàng cho thuế quan trừng phạt từ Trump trong bối cảnh căng thẳng ngày một trầm trọng.

Trước đó, Trump đã áp đặt mức thuế quan với mặt hàng thép, nhôm nhập khẩu từ EU, và dọa sẽ tiếp tục áp thuế lên linh kiện ô tô, ô tô nhập khẩu nếu hai bên không sớm đạt đến một thỏa thuận thương mại toàn diện, bao gồm cả lĩnh vực nông nghiệp.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục