"Bật đèn xanh" cho giảm lãi suất, FED bị nghi chịu áp lực chính trị
Tín hiệu sáng từ phiên điều trần
Trong phiên điều trần trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ Viện, ông Jerome Powell đã thừa nhận rằng nền kinh tế Mỹ đang trong “cơn bấp bênh” do ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại và sự suy yếu của kinh tế toàn cầu, đồng thời cam kết FED sẽ “làm bất cứ điều gì cần thiết” để củng cố sự tăng trưởng của kinh tế Mỹ.
Ông Powell nhận định thương chiến Mỹ Trung nói riêng và các xung đột thương mại khác nói chung đang gây nhiều rủi ro cho nền kinh tế Mỹ. Ông nhắc lại cụm từ “hành động phù hợp để duy trì tăng trưởng”, điều mà các nhà kinh tế cho rằng ám chỉ cắt giảm lãi suất.
Chủ tịch FED dường như đã hạ thấp tín hiệu gia tăng trên thị trường lao động, cụ thể là báo cáo việc làm tăng mạnh hồi tháng 6. Ông nhấn mạnh vào quan ngại kinh tế toàn cầu giảm tốc. Khi được hỏi liệu FED có đang xem xét nới lỏng chính sách tiền tệ, ông Powell đã viện dẫn những dữ liệu kinh tế yếu hơn của các nền kinh tế lớn trên thế giới ngoài Mỹ. Steve Blitz, nhà kinh tế học tại TS Lombard tóm lược điều ông Jerome Powell muốn ám chỉ là sự giảm tốc của các nền kinh tế nước ngoài có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ, trong một thế giới mà phần lớn các giao dịch được thực hiện bằng đồng USD.
Ông Powell cũng chỉ ra các dấu hiệu tăng trưởng chậm lại trong lĩnh vực đầu tư và sản xuất của Mỹ là đáng lo ngại. Vị Chủ tịch FED nhận định tốc độ tăng trưởng GDP quý II/2019 của Mỹ nhiều khả năng sẽ duy trì ở mức ôn hòa so với con số 3,1% hồi quý I vừa qua. Dù vậy, ông Powell vẫn trấn an dư luận rằng nền kinh tế Mỹ đang ở trên nền tảng vững chắc, có khả năng sẽ duy trì tăng trưởng ổn định đến cuối năm.
Đề cập đến việc Mỹ - Trung nối lại đàm phán thương mại, ông Powell nhận định đây chỉ là một bước tiến mang tính chất xây dựng, không làm loại bỏ sự thiếu chắc chắn về một thỏa thuận thương mại. Kết luận chính thức về việc có hay không cắt giảm lãi suất sẽ đến sau cuộc họp của Ủy ban thị trường mở FOMC thuộc FED được ấn định vào ngày 30-31.7 tới đây.
Ông Jerome Powell tuyên bố sẽ hoàn thành 4 năm nhiệm kỳ bất chấp đe dọa hạ bệ từ phía Tổng thống Trump
Thị trường đã phản ứng mạnh mẽ!
Hàng loạt dấu hiệu từ phiên điều trần của Chủ tịch FED chính là lý do khiến phố Wall tin chắc vào một đợt cắt giảm lãi suất ngay trong tháng 7. Chỉ số S&P xuyên thủng ngưỡng 3.000 điểm lên 3,002,89 điểm và chỉ số NASDAQ lập kỷ lục 8.202,53 điểm. Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones cũng tăng 76,71 điểm, tương đương 0,29% lên mức 26.860,20.
Thị trường rõ ràng đang đặt kỳ vọng 100% vào sự cắt giảm lãi suất ngay trong tháng 7. Kỳ vọng về cơ hội FED giảm lãi suất 0,5% cũng leo lên mức 16,3%, theo công cụ đo lường FedWatch.
Giá vàng tăng vọt 0,7% lên 1.412,20 USD / ounce.
Giá dầu thô WTI tiến 2,2% lên 59,12 USD / thùng, đạt mức cao nhất trong gần hai tuần qua.
Đó là những phản ứng mạnh mẽ của thị trường khi phiên điều trần của Chủ tịch FED mở ra những dấu hiệu chắc chắn về một đợt cắt giảm lãi suất cuối tháng 7 này.
"Bật đèn xanh" cho cắt giảm lãi suất, FED bị nghi ngờ về khả năng chịu áp lực chính trị
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell rõ ràng đã có cơ hội phản bác kỳ vọng của thị trường và chính quyền ông Trump về đợt cắt giảm lãi suất ngay trong phiên điều trần hôm 10.7. Báo cáo việc làm tăng mạnh trong tháng 6 hay sự ủng hộ của Chủ tịch FED chi nhánh Philadelphia - ông Patrick Harker hay Chủ tịch FED chi nhánh Cleveland bà Loretta Mester sẽ là vỏ bọc hoàn hảo cho ông Powell chống lại mọi quan điểm đối lập. Nhưng thay vì phản bác, ông chọn cách củng cố niềm tin vào một chính sách tiền tệ nới lỏng. Giờ đây, thị trường đang chắc chắn về một đợt cắt giảm lãi suất trong tháng 7.
Những gì ông Jerome Powell phát biểu trong phiên điều trần trước Hạ Viện đều là các quan ngại nền kinh tế Mỹ suy yếu. Thay vì làm nổi bật sự tăng trưởng trên thị trường lao động, ông Powell lại chọn nhấn mạnh các rủi ro suy thoái kinh tế thông qua nhiều dữ liệu như lạm phát dao động dưới mức mục tiêu 2%, lĩnh vực đầu tư và sản xuất giảm tốc…
Phiên điều trần của ông Jerome Powell trước Hạ viện Mỹ đã củng cố niềm tin cắt giảm lãi suất
“Đây không phải một gợi ý cắt giảm lãi suất từ Jerome Powell. Đây rõ ràng là một tuyên bố.” - Brian Chappatta, một chuyên gia phân tích của Bloomberg cho hay. “Thị trường đã định giá 100% cơ hội cắt giảm lãi suất 0,25% từ đầu tháng 7, bất chấp những dữ liệu tăng trưởng trong báo cáo việc làm. Động thái rõ ràng của Jerome Powell đã khẳng định điều đó. Powell không chọn duy trì lãi suất ổn định trong tháng này.”
“Cuộc tranh luận về việc FED sẽ cắt giảm lãi suất trong tháng 7 hay không đã kết thúc. giờ đây, thị trường sẽ bắt đầu suy xét xem liệu hành động cắt giảm lãi suất trong tháng 7 chỉ như sự đảm bảo cho tăng trưởng kinh tế, hay sẽ bắt đầu một chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ kéo dài để đưa lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ trở về mức thấp nhất mọi thời đại?”.
Tuy nhiên giờ đây, Chủ tịch FED Jerome Powell sẽ phải đối mặt với những câu hỏi lớn về sự hoạt động độc lập của Ngân hàng Trung Ương cũng như khả năng chịu áp lực chính trị của FED. Khi mà từ góc độ thị trường, có một thực tế là FED sắp hạ lãi suất sau hàng loạt đe dọa từ Tổng thống Donald Trump.
Thời gian qua, Tổng thống Mỹ đã liên tục công kích FED và Jerome Powell về hành động tăng lãi suất nhiều lần trong năm 2018, giữa lúc Mỹ đang trong xung đột thương mại với Trung Quốc, mà ông Trump cho là một “sai lầm chính sách”. Ông Trump được cho là đã làm việc với các chuyên gia pháp lý Nhà Trắng tìm cách hạ bệ Chủ tịch FED Jerome Powell vào năm sau bất chấp việc nhiệm kỳ ông Powell kéo dài đến năm 2022. Vị Tổng thống Mỹ khẳng định có quyền sa thải ông Powell mặc cho các chuyên gia pháp lý phủ nhận điều này.
Khi được hỏi sẽ làm gì nếu Trump quyết tâm loại bỏ ông khỏi ghế Chủ tịch hội đồng thống đốc Cục Dự trữ Liên Bang, ông Powell khẳng định sẽ tiếp tục hoàn thành nhiệm kỳ 4 năm của mình cho đến năm 2022.