Lý giải nguyên nhân bất động sản công nghiệp tiếp tục tăng giá thuê?

15/04/2024 15:02 GMT+7
Các chuyên gia nhận định nhu cầu bất động sản công nghiệp còn rất lớn, đặc biệt là nhu cầu về các kho nhiều tầng đa dụng và nhà xưởng xây sẵn. Trong khi đó, nguồn cung các khu trung tâm công nghiệp lớn không đáp ứng đủ.

Giá thuê bất động sản công nghiệp tiếp tục khởi sắc

Về thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam quý I/2024, ông David Jackson, Tổng Giám đốc Avison Young Việt Nam cho biết trong khi nhu cầu thuê cao nhưng nguồn cung tại ba trung tâm công nghiệp chính TP. HCM, Đà Nẵng và Hà Nội lại không đủ đáp ứng. Nguồn cung các khu công nghiệp mới ngày càng phát triển về hướng các tỉnh thành lân cận.

Tại phía Bắc, giá thuê hạ tầng trong khu công nghiệp tại Hà Nội ở mức 214 USD/m2/kỳ hạn. Mức giá này đã tăng 1% so với quý IV/2023 và thấp dần về các khu vực xa Thủ đô, dao động ở mức từ 120 - 165 USD/m2/kỳ hạn tại các tỉnh: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên và Vĩnh Phúc. Một số địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình và Hà Nam có tiềm năng trở thành điểm nóng công nghiệp tiếp theo, giá thuê dao động từ 90 - 120 USD/m2/kỳ hạn tính đến cuối quý 1/2024.

Lý giải nguyên nhân bất động sản công nghiệp tiếp tục tăng giá thuê?- Ảnh 1.

Giá thuê bất động sản công nghiệp tiếp tục khởi sắc trong quý I/2024 (Ảnh: TN)

Với lợi thế có vị trí tiếp giáp biên giới Trung Quốc, thị trường bất động sản công nghiệp miền Bắc duy trì sức hút với các nhà đầu tư từ Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan. Trong đó, nhà sản xuất ô tô Chery sẽ thiết lập nhà máy tại khu công nghiệp Geleximco (tỉnh Thái Bình); nhà sản xuất chip Victory Giant đang đầu tư vào khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh II; nhà sản xuất quang điện GoodWe vừa khánh thành nhà máy mới tại thành phố Hải Phòng.

Ông David Jackson cũng cho biết, nhu cầu gia tăng thúc đẩy các nhà phát triển tăng tốc xây dựng cơ sở công nghiệp để cho thuê, như khu công nghiệp Sông Công II (giai đoạn 2) do Viglacera đầu tư và VSIP Lạng Sơn dự kiến khởi công trong quý IV/2024.

Theo báo cáo của Avison Young Việt Nam, vùng công nghiệp trọng điểm của cả nước là khu vực Đông Nam Bộ khi có 100 khu công nghiệp và khu chế xuất với tổng diện tích đất công nghiệp đang được sử dụng cao nhất cả nước tính đến quý I/2024. Bên cạnh nguồn cung ổn định, giá thuê trung bình tại TP.HCM không thay đổi so với quý trước, ở mức 230 USD/m2/kỳ hạn.

Còn theo CBRE, về mặt bằng giá thuê kho xưởng xây sẵn tại thị trường cấp 1 miền bắc trung bình đạt ngưỡng 4,7 - 4,9 USD/m2/tháng. Mức giá thuê kho duy trì ổn định theo năm, còn giá thuê xưởng tăng 3,9% theo năm, tỷ lệ lấp đầy vẫn duy trì ở ngưỡng cao.

Về mặt nhu cầu, các diễn biến tích cực của thị trường đến từ việc một số nhà sản xuất ở lĩnh vực công nghệ cao như sản xuất vật liệu bán dẫn, công nghệ động cơ tiếp tục mở rộng tại Việt Nam thông qua việc thuê xưởng sản xuất như: VDL (Hà Lan), Tecnotion (Hà Lan).

Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam đánh giá, bất động sản công nghiệp vẫn là điểm sáng thời gian tới, khi Việt Nam hưởng lợi lớn từ sự chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu. Do đó, kỳ vọng giá cho thuê bất động sản công nghiệp tiếp tục tăng trong những năm tới, với mức tăng khoảng 5 - 9%/năm tại phía Bắc và 3 - 7% tại phía Nam.

Bất động sản công nghiệp tiếp tục "hút" FDI

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ đầu năm đến nay, cả nước có 39,758 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 475,8 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 301,8 tỷ USD, bằng 63,4% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 17/21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 3,93 tỷ USD, chiếm gần 63,6% tổng vốn đầu tư đăng ký, giảm 1,3% so với cùng kỳ. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư hơn 1,58 tỷ USD, chiếm 25,6% tổng vốn đầu tư đăng ký, gấp gần 2,1 lần so với cùng kỳ.

Lý giải nguyên nhân bất động sản công nghiệp tiếp tục tăng giá thuê?- Ảnh 2.

Bất động sản công nghiệp tiếp tục là phân khúc thu hút FDI tốt nhất (Ảnh: TN)

Dòng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam gia tăng và bứt phá trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp đã và đang mở ra nhiều cơ hội hứa hẹn, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất. Những cải thiện về phát triển hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính và đầu tư vào trung tâm sáng tạo tại Việt Nam cũng đang góp phần giúp thị trường trở nên hấp dẫn với các nhà đầu tư quốc tế.

Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, hiện nay nhu cầu bất động sản công nghiệp vẫn còn rất lớn, đặc biệt là nhu cầu về các kho nhiều tầng đa dụng và nhà xưởng xây sẵn. Việt Nam sẽ tiếp tục là quốc gia được nhiều nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn. Các nhà đầu tư đến từ Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ... sẽ là khách hàng tiềm năng của bất động sản công nghiệp Việt Nam.

Điều này sẽ giúp cho vốn FDI trong các khu công nghiệp, khu kinh tế tiếp tục duy trì xu hướng tăng. Dự kiến trong năm 2024, vốn FDI trong các khu công nghiệp, khu kinh tế sẽ chiếm khoảng 45% tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm của cả nước.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế - tài chính, phân khúc bất động sản công nghiệp tiếp tục là điểm tựa sản xuất kinh doanh mới của các doanh nghiệp công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao. Dòng vốn FDI vẫn tích cực với lợi thế từ chính sách ưu đãi thuế và dịch vụ phụ trợ khu công nghiệp ngày càng được cải thiện.

“Chúng ta cần phải có quỹ đất sạch để đáp ứng nhu cầu, đồng thời có quy hoạch tổng thể của cả nước, của từng địa phương, từng lĩnh vực để đưa ra chính sách ưu tiên phù hợp. Quy hoạch này cũng cần có tầm nhìn và có tính ổn định trong khoảng thời gian dài để các doanh nghiệp yên tâm phát triển” - ông Thịnh nói.


Thái Nguyễn
Cùng chuyên mục