Bất động sản du lịch: Đâu chỉ có nghỉ dưỡng?
“Cỗ xe nhỏ” tăng tốc
Theo số liệu của Tổng cục Du lịch, năm 2018 được coi là năm thành công của du lịch Việt Nam. Năm 2018, Việt Nam đón khoảng 15,6 triệu lượt khách quốc tế, tăng 2,7 triệu lượt khách so với năm trước đó và 80 triệu lượt khách nội địa, tăng hơn 6,8 triệu lượt khách so với cùng kỳ. Tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 620.000 tỷ đồng.
Trong quý I/2019, ngành du lịch đã đón khoảng 5 triệu lượt du khách quốc tế và nếu không có những biến động lớn thì khả năng hoàn thành chỉ tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2019 là hoàn toàn khả thi.
Theo số liệu của Tổng cục Du lịch, năm 2018 được coi là năm thành công của du lịch Việt Nam.
Các địa phương là trung tâm du lịch lớn của cả nước có tốc độ tăng trưởng mạnh như TP. HCM đón 36,5 triệu lượt khách, trong đó có 7,5 triệu lượt khách quốc tế; Hà Nội đón khoảng 28 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 5,5 triệu lượt khách quốc tế; Quảng Ninh đón 12,5 triệu lượt khách, trong đó 5,3 triệu lượt khách quốc tế...
Tuy nhiên, nếu xem xét mức độ chi tiêu thực sự của du khách đến Việt Nam sẽ là một sự chênh lệch hơn hẳn so với các quốc gia khác.
Theo tính toán, mức chi tiêu du lịch trung bình của một du khách quốc tế trên thế giới sẽ đạt 1.100 USD vào năm 2020, Việt Nam hiện mới chỉ đạt được một nửa của mức đó. Với thời gian lưu trú trung bình của du khách tương đương Việt Nam, Thái Lan có doanh thu du lịch trung bình cao hơn rất nhiều.
Mỗi ngày du khách tại Thái Lan chi tiêu 163 USD, so với Việt Nam chỉ là 96 USD. Tổng doanh thu từ du khách quốc tế của Thái Lan là 52,5 tỷ USD, so với Việt Nam chỉ là 8,3 tỷ USD.
Lấy ví dụ ở Đà Nẵng - một thành phố du lịch hàng đầu của Việt Nam, suốt gần một thập kỷ qua, ngoài Bà Nà Hills thì Đà Nẵng chưa có thêm bất kỳ một khu du lịch nào đúng nghĩa, tour đến đây quanh quẩn vẫn chỉ ăn hải sản, đi loanh quanh và lên Bà Nà "check-in rồi về ngủ".
Trong một vài năm trở lại đây, Đà Nẵng có thêm một số địa danh thu hút khách du lịch mới như Cầu Vàng cùng một số tổ hợp giải trí mới như Cocobay, InterContinental Danang Sun Peninsula Resort… Tuy nhiên, các dịch vụ như vậy được các chuyên gia đánh giá là vẫn chưa đủ để du khách cả nội lẫn ngoại sẵn sàng dành thời gian nhiều hơn và chi nhiều tiền hơn để khám phá trải nghiệm tại nơi đây. Các điểm du lịch khác khắp Bắc Trung Nam cũng không khá hơn, nhắc đến Lào Cai, người ta chỉ nghĩ đến cáp treo Fansipan. Nhắc đến Quảng Ninh, cũng vẫn chỉ là Sun World Halong Complex…
Ông Nguyễn Văn Tuân, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch từng khẳng định, một trong những dấu hiệu thể hiện sự phát triển mạnh mẽ của du lịch chính là hệ thống cơ sở vật chất du lịch cao cấp phát triển mạnh, tạo cơ sở cho việc đón khách du lịch nghỉ dưỡng có khả năng và nhu cầu chi tiêu cao, lưu trú dài ngày.
Nhiều chuỗi khách sạn hiện đại, tiêu chuẩn quốc tế đã được đầu tư tại các điểm du lịch trọng điểm như chuỗi khách sạn Vinpearl Nha Trang, Phú Quốc, Hạ Long, hệ thống cáp treo tại Đà Nẵng, Sapa, Hạ Long... Cùng với đó là xu hướng nhiều thương hiệu quốc tế lớn về du lịch có mặt tại Việt Nam như Accor, Marriot, InterContinental, Hyatte, HG, Four Seasons..., góp phần nâng cao năng lực quản trị và chất lượng của du lịch Việt Nam.
Việc đầu tư cho hệ thống cơ sở lưu trú du lịch chất lượng cao đã đem lại hiệu quả kinh doanh tốt hơn cho ngành du lịch và phù hợp với định hướng phát triển theo chiều sâu mà ngành đã đặt ra. Theo đó, du khách cũng có nhiều sự lựa chọn phù hợp với khả năng kinh tế và nhu cầu nghỉ dưỡng có chất lượng tốt.
Tuy nhiên, phát triển hạ tầng du lịch không chỉ nằm ở bài toán về chất lượng cơ sở lưu trú, mà cả từ các hạ tầng giao thông phục vụ cho việc di chuyển giữa các vùng du lịch. Người ta đã từng kỳ vọng về sự kết nối như thế với “con đường du lịch miền Trung”, nhưng thực tế, việc phát triển vẫn manh mún ở từng địa phương mà chưa tạo ra được một sự liên kết đồng bộ để tăng giá trị cho các sản phẩm du lịch, hấp dẫn du khách lưu trú tại Việt Nam dài ngày hơn.
Doanh nghiệp là đầu tàu đa dạng hóa sản phẩm
Trên bức tranh chung của thị trường bất động sản 2019 và các năm tiếp theo, bất động sản nghỉ dưỡng tiếp tục được giới chuyên gia chấm điểm sáng bởi nhiều lý do. Mục tiêu của ngành du lịch đến năm 2025 sẽ đạt tổng doanh thu 45 tỷ USD, đóng góp 10% GDP cả nước, tạo ra 6 triệu việc làm, trong đó có 2 triệu việc làm trực tiếp.
Hồi đầu tháng 12/2018, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn”. Một trong những nội dung được nhấn mạnh trong đề án này là vai trò của doanh nghiệp đầu tàu dẫn dắt thị trường, có thể khai thác tối đa lợi thế của sản phẩm, thị trường có lợi thế của riêng ngành du lịch Việt Nam và hình thành được hệ thống sản phẩm đa dạng, có thương hiệu và mang bản sắc văn hóa Việt Nam.
Trên bức tranh chung của thị trường bất động sản 2019 và các năm tiếp theo, bất động sản nghỉ dưỡng tiếp tục được giới chuyên gia chấm điểm sáng bởi nhiều lý do.
Nếu không có sự vào cuộc tích cực của các doanh nghiệp, trong đó có các chủ đầu tư dự án bất động sản nghỉ dưỡng, mục tiêu trên khó có thể trở thành hiện thực.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho biết, nhìn toàn diện, không một quốc gia, vùng lãnh thổ nào ở châu Á đa dạng hơn Việt Nam về địa hình và khí hậu, từ băng tuyết trên núi rừng Tây Bắc, đến sa mạc ở miền Trung, bãi biển nhiệt đới ở duyên hải miền Nam, rừng ngập mặn ở miền Tây Nam Bộ.
Du lịch được xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn. Với vị thế ấy, đầu tư cho ngành này từ Nhà nước hàng năm chỉ khoảng 3.000 - 5.000 tỷ đồng. Bắt đầu từ năm 2020, đầu tư cho hạ tầng du lịch sẽ ngày càng ít đi. Chính vì vậy, đây là thời điểm cần các địa phương có thế mạnh về du lịch năng động hơn, doanh nghiệp quan tâm đến du lịch chủ động hơn để hợp tác khơi thông nguồn vốn phát triển du lịch...
Đồng quan điểm, theo ông Ngô Đức Sơn, Phó tổng giám đốc DRH Holdings, các sản phẩm nghỉ dưỡng mà nhiều tập đoàn tư nhân hàng đầu Việt Nam mang đến cho thị trường không chỉ giải tỏa nhu cầu nghỉ dưỡng cao cấp dành cho du khách trong và ngoài nước, mà còn nâng tầm chất lượng du lịch, quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thị trường quốc tế
Tuy nhiên, để làm được điều này, các doanh nghiệp sẽ phải chủ động hơn trong việc tạo đột phá sản phẩm, bên cạnh sự hỗ trợ từ phía các cơ quan quản lý. So với các nước trong khu vực Đông Nam Á, du lịch Việt Nam với sự thiếu hụt cơ sở hạ tầng dịch vụ, công tác quảng bá du lịch ra cộng đồng quốc tế chưa được chú trọng nên sự phát triển thời gian qua chưa xứng tầm với những ưu đãi độc đáo về danh lam thắng cảnh, với hệ thống di tích và sự thân thiện hiếu khách của con người Việt Nam.
"Với tiềm năng sẵn có, chúng ta cần phải đầu tư hạ tầng nhiều hơn thì bất động sản du lịch mới tạo ra những bước đột phá, xứng tầm các quốc gia trên thế giới", ông Sơn nhấn mạnh và cho biết, trong bối cảnh sự phát triển và thay đổi về thói quen, thị hiếu của các nhóm du khách theo hướng mở rộng và đa dạng hóa, đòi hỏi du lịch Việt Nam cần đầu tư đa dạng hơn các sản phẩm du lịch mới có thể đáp ứng nhu cầu của du khách, cũng như làm cho du khách “móc hầu bao” và trở lại trong tương lai.
Theo đánh giá của các chuyên gia, trong năm 2019 và cả những năm tới, Việt Nam cần có nhiều hơn nữa những tổ hợp du lịch - giải trí theo hướng quy mô lớn và tập trung, thay vì các mô hình kinh doanh nhỏ lẻ và rải rác. Loại hình tổ hợp này có thể thu hút và đáp ứng cùng lúc nhu cầu lớn và đa dạng của các phân khúc khách du lịch khác nhau.
Với việc đáp ứng “trọn gói” nhu cầu của du khách trong cùng một dự án, các mô hình này thu hút rất nhiều du khách đến đây để tận hưởng, trải nghiệm những kỳ du lịch thú vị, thậm chí có thể sẵn sàng trở lại thêm nhiều lần nữa. Nhờ đó, các khách sạn, khu nghỉ dưỡng mới có tỷ lệ lấp đầy cao, đảm bảo giá trị sinh lời cho các nhà đầu tư.