Bất động sản vùng ven, dòng tiền đang dịch chuyển
Nhận diện “điểm nóng” mới
Sự nóng lên của thị trường bất động sản vùng phụ cận TP.HCM đã dành được sự quan tâm của nhà đầu tư từ năm 2018 và tăng độ nóng từ đầu năm 2019 đến nay, nhưng thị trường hiện nay đã có sự khác biệt so với trước đây.
Khu đô thị Barya Citi tại TP. Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu của Danh Khôi Holdings đang được hình thành
Theo đó, thay vì tâm điểm của sự chú ý dồn vào các địa phương giáp ranh với TP.HCM như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, thì gần đây, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận trở thành tâm điểm mới thu hút dòng tiền của nhà đầu tư nhờ lợi thế gắn liền với biển.
Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, thời gian gần đây, có khá nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm tới thị trường này với sự xuất hiện của hàng loạt dự án tỷ đô.
Cụ thể, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa chấp thuận cho Công ty TNHH Hồ Tràm xây dựng sân bay chuyên dùng Lộc An nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng không phục vụ cho Khu du lịch giải trí phức hợp Hồ Tràm. Diện tích dự kiến xây dựng sân bay vào khoảng 244,33 ha, trong đó có 47,55 ha thuộc địa phận xã Lộc An và 196,78 ha thuộc xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ. Tổng vốn đầu tư ước tính khoảng 4.250 tỷ đồng do Công ty Hồ Tràm tự bỏ ra.
Trước đó, Công ty TNHH Dự án Hồ Tràm cũng đã được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấp giấy chứng nhận đầu tư để thực hiện Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng và giải trí phức hợp Hồ Tràm (Hồ Tràm Strip) với diện tích 164 ha tại huyện Xuyên Mộc với tổng số vốn đăng ký là 4,23 tỷ USD, có kinh doanh casino.
Mới đây, Công ty Korea Infrastructure Company Limited (Hàn Quốc) cũng tiết lột về phương án nghiên cứu đầu tư dự án du lịch, nghỉ dưỡng, sân golf Paradise và Khu đô thị mới Bàu Trũng.
Theo Korea Infrastructure Company Limited, qua tìm hiểu thực tế và được tư vấn bởi Công ty Tư vấn King Word Việt Nam, Công ty mong muốn phát triển tiềm năng ngành du lịch tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với các dự án gồm: Dự án Ngân hàng Công thương, Dự án Gò Găng, Dự án Saigon Atlantics, Dự án Công nghiệp công nghệ cao.
Ngoài những nhà đầu tư nước ngoài kể trên, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng lọt vào tầm ngắm của nhiều doanh nghiệp lớn trong nước.
Chẳng hạn, nguồn tin từ Tập đoàn Hưng Thịnh cho biết, tập đoàn này vừa chi ra cả ngàn tỷ đồng để mua lại một số dự án có quy mô khá lớn tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Một đại gia khác là Tập đoàn Novaland cũng tham gia vào thị trường Bà Rịa - Vũng Tàu với Dự án Palm Beach Vũng Tàu và đang lên kế hoạch triển khai một dự án có quy mô hơn 100 ha tại huyện Xuyên Mộc. Hay Tập đoàn Danh Khôi cũng đã “thâu tóm” thành công một dự án có quy mô gần 10 ha ngay trung tâm TP. Bà Rịa để phát triển thành khu đô thị mang tên Barya Citi…
Bình Thuận cũng đang trở thành tâm điểm mới của bất động sản phía Nam với sự xuất hiện của nhiều dự án đô thị nghỉ dưỡng tầm cỡ.
Cùng với Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Bình Thuận gần đây cũng trở thành điểm nóng thu hút mạnh nguồn vốn đầu tư bất động sản. Chỉ tính riêng trong 3 tháng cuối năm 2018, Bình Thuận đón 8 dự án lớn với tổng vốn đầu tư hơn 1,2 tỷ USD. Một số dự án đáng chú ý có thể kể đến Dự án Nova Hills của Novaland, Dự án Apec Mandala Wyndham Mũi Né Resort của Apec Group, Dự án Goldsand Hill Villa của VNGroup, Dự án FLC Mũi Né & Beach Resort của Tập đoàn FLC.
Tính đến thời điểm hiện tại, những quỹ đất đắc địa của Bình Thuận, không chỉ ở Mũi Né, mà nhiều khu vực có vị trí giáp ranh với biển ít được nhắc đến trước đây như Mũi Kê Gà, La Gi, Thắng Hải…, đều đã được các ông lớn địa ốc như Hưng Thịnh, TMS, Novaland, Apec Group, VNGroup, TTC, Việt Úc, Hưng Lộc Phát, Danh Khôi, DRH Holdings… “đặt gạch” để làm các siêu dự án.
Theo dự báo của giới chuyên môn, trong thời gian tới, thị trường bất động sản Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận có thể sẽ dậy sóng trước cuộc đổ bộ trên.
Cần Gạn đục, khơi trong
Báo cáo về bức tranh của thị trường bất động sản phía Nam với chủ đề “Điểm nóng” do Công ty Bất động sản DKRA thực hiện cho thấy, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận là 2 khu vực đang và sẽ là điểm nóng mới của thị trường địa ốc phía Nam.
Theo DKRA, trong những năm qua, đặc biệt từ năm 2017 đến nay, thị trường bất động sản các tỉnh giáp ranh TP.HCM chỉ ghi nhận sự sôi động ở phân khúc đất nền. Tuy nhiên, từ giữa năm 2018, sự chững lại của thị trường TP.HCM đã góp phần tỏa nhiệt đến các tỉnh giáp ranh TP.HCM như Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu… và xa hơn là đến Bình Thuận.
Đặc biệt, không chỉ gói gọn trong phân khúc đất nền, sự tăng nhiệt bắt đầu lan ra các phân khúc căn hộ, nhà phố/biệt thự… với sự xuất hiện của nhiều dự án quy mô lớn, được quy hoạch bài bản.
Sự xuất hiện của các chủ đầu tư lớn, kéo theo lượng lớn các nhà đầu tư thứ cấp hướng dòng tiền về các thị trường phụ cận TP.HCM, khiến các thị trường này sôi động và liên tiếp thiết lập mặt bằng giá mới. Các điểm nóng đáng chú ý có thể kể đến như Nhơn Trạch, Long Thành (tỉnh Đồng Nai), Bến Lức, Cần Giuộc, Đức Hòa (tỉnh Long An), TP. Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), TP. Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận)…
Dù nhận định có nhiều tiềm năng, song theo DKRA, việc hình thành những điểm nóng mới cũng đối mặt nhiều thách thức cho việc hoàn thiện hạ tầng xã hội và hạ tầng giao thông kết nối vùng. Theo đó, TP.HCM và các tỉnh cần một chiến lược quy hoạch đồng bộ để tạo ra những đô thị vệ tinh đầy đủ tiện ích. Mặt khác, sự tăng trưởng nóng của thị trường bất động sản các tỉnh giáp ranh còn ẩn chứa nhiều rủi ro về biến động giá cả, thậm chí ở một số thời điểm đã xảy ra sốt giá ảo, đẩy thị trường rơi vào trạng thái thiếu ổn định.
Dù vậy, sự tăng tốc của thị trường bất động sản các tỉnh giáp ranh và một vài địa phương có tính liên kết về hạ tầng giao thông với TP.HCM là cơ hội cho các nhà đầu tư, thu hút dòng tiền dịch chuyển từ TP.HCM và tạo điều kiện an cư cho những người trẻ, gia đình trẻ có thu nhập ổn định.
Nhận định về xu hướng nhiều doanh nghiệp địa ốc chuyển hướng đầu tư ra thị trường tỉnh, trong đó nổi lên là Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận, ông Ngô Đức Sơn, Phó tổng giám đốc Công ty DRH Holdings nhận định, sự tập trung của nhiều doanh nghiệp vào thị trường bất động sản các tỉnh, bên cạnh yếu tố cơ hội, còn có yếu tố xuất phát từ thực tế thị trường bất động sản TP.HCM đang bị bó buộc thủ tục, cạn nguồn cung.
Mặt khác, so sánh về mặt bằng giá, hiện nay giá bất động sản tại TP.HCM đã tăng cao và dự báo trong thời gian tới sẽ còn tiếp tục tăng cao do tốc độ đô thị hóa nhanh, nhu cầu nhà ở lớn, trong khi quỹ đất ngày càng khan hiếm, dẫn đến cơ hội đầu tư có nhiều rủi ro. Trong khi đó, bất động sản các thị trường ngách dù giá tăng mạnh thời gian qua, nhưng vẫn còn tương đối “mềm” so với thị trường TP.HCM, hạ tầng kết nối ngày một phát triển, đã rút ngắn khoảng cách di chuyển giữa các địa phương lại với nhau.
Tuy nhiên, theo ông Sơn, không phải phân khúc bất động sản vùng ven nào cũng phát triển, mà sự phát triển này có sự chọn lọc, đòi hỏi cao sự chuyên nghiệp của các chủ đầu tư. Theo đó, những sản phẩm bất động sản mang yếu tố gắn với cảnh quan, sông nước, có thời gian di chuyển từ TP.HCM đến nơi dưới 2 giờ, đồng thời các khu vực có triển vọng phát triển việc kết nối giao thông dễ dàng, hứa hẹn sẽ còn phát triển mạnh.