Bloomberg: Kinh tế Trung Quốc tiếp tục suy yếu trong tháng 7

29/07/2019 17:25 GMT+7
Kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm tốc trong tháng 7, đó là nhận định của nhiều nhà phân tích dựa trên những dữ liệu kinh tế cũng như bối cảnh thỏa thuận thương mại Mỹ Trung ảm đạm.

Bất chấp đàm phán thương mại nối lại, triển vọng kinh tế Trung Quốc vẫn ảm đạm

Sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc trong tháng 7 được thể hiện rõ rệt qua các thước đo chỉ số kinh tế tổng hợp của Bloomberg liên quan đến độ nhạy cảm thị trường và điều kiện kinh doanh. Trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc sắp nối lại vòng đàm phán trực tiếp tại Thượng Hải vào 30-31/7 tới đây, sự lạc quan vẫn mỗi lúc một giảm còn kim ngạch xuất khẩu cũng không khá hơn. Chi phí sản xuất tăng và giá thành giảm cũng ảnh hưởng nặng nề đến tỷ suất lợi nhuận.

Tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc đang giảm tốc trong dài hạn, minh chứng bởi lợi nhuận từ cán cân xuất nhập khẩu giảm, lợi nhuận doanh nghiệp ảm đạm và tăng trưởng đầu tư yếu kém. Đàm phán thương mại không làm cho thị trường lạc quan về một thỏa thuận trong tương lai gần, bởi những mâu thuẫn sâu sắc vẫn tồn tại giữa Bắc Kinh và Washington mà không bên nào có dấu hiệu nhượng bộ.

Các nhà kinh tế vẫn xem xung đột thương mại là rủi ro lớn cho nền kinh tế Trung Quốc, nhất là khi Tổng thống Trump mới đây nhắc lại mối đe dọa trừng phạt thuế quan với 325 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Cả giá bán và giá nguyên liệu sản xuất đều đang chịu những áp lực không nhỏ, trong bối cảnh niềm tin thị trường suy giảm rõ rệt.

Theo các chuyên gia kinh tế từ Standard Chartered, tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ định hướng xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm trong tháng 7, và có thể sẽ xuống mức thấp nhất trong 3 năm qua. “Các nhà xuất khẩu có vẻ vẫn thận trọng với triển vọng đầu tư và sản xuất, do sự giảm cầu mà nguyên nhân chính là tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại cùng xung đột thương mại kéo dài”. Các chỉ số sản xuất trong tháng 7 nhiều khả năng cũng giảm vì lý do tương tự.

Kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc sang Trung Quốc cũng giảm mạnh. Cụ thể, xuất khẩu của Hàn Quốc giảm 13,6% so với cùng kỳ năm trước, số liệu tính đến hết 20/7. Điều này phản ánh nhu cầu linh kiện điện tử tại thị trường Trung Quốc ngày càng giảm, dẫn đầu là sự giảm cầu từ các ông lớn công nghệ như Apple, Huawei… liên quan đến lệnh hạn chế thương mại và mức thuế suất trừng phạt lên tới 25%.

Hàng loạt dấu hiệu giảm tốc kinh tế khiến thị trường Trung Quốc hoang mang chờ đợi bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy chiến tranh thương mại sẽ hạ nhiệt, mà vòng đàm phán vào ngày 30-31/7 tới đây là tâm điểm. Họ cũng kỳ vọng vào những chính sách hỗ trợ kinh tế mà Trung Quốc vốn dĩ đã thực hiện lâu nay, nhưng biện pháp kích cầu đang bị giới hạn. Các nhà hoạch định chính sách của Bắc Kinh giờ đây phải đối mặt với bài toán khó: đảm bảo sự kích thích không làm gia tăng lạm phát mà vẫn duy trì tăng trưởng kinh tế.

Ông Liu Li-gang, nhà kinh tế học Trung Quốc từ Citigroup kết luận: “Triển vọng kinh tế Trung Quốc nửa cuối năm 2019 tiếp tục ảm đạm bởi căng thẳng thương mại với Mỹ. Chính sách tiền tệ nới lỏng vẫn được tiếp tục triển khai. Nhưng một khi xung đột leo thang, các biện pháp kích thích sẽ vượt ngoài khuôn khổ lĩnh vực tài chính tiền tệ.”

Thùy Dung
Cùng chuyên mục