Bộ Công Thương cảnh báo bẫy “tín dụng đen công nghệ” trong mùa dịch Covid-19
Qua quá trình xác minh thông tin, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng lưu ý và khuyến cáo người dân không vay tiền trực tuyến của các tổ chức, cá nhân không giới thiệu rõ chức năng của đơn vị là công ty tài chính, ngân hàng hoặc là đơn vị có chức năng tư vấn, kết nối giữa người đi vay và người cho vay; không nêu rõ thông tin về tên công ty, địa chỉ, số điện thoại hoặc có nhưng địa chỉ, thông tin liên hệ ở nước ngoài; không công bố biểu phí hoặc làm rõ các chi phí phát sinh trong quá trình giao dịch; không gửi trước mẫu hợp đồng vay tiền và các nội dung chi tiết để người vay tìm hiểu trước khi giao dịch.
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 còn tiếp diễn, người dân gặp khó khăn về tài chính, không bảo đảm khả năng trả nợ nên chủ động tìm đến các đơn vị liên quan để được gia hạn nợ, tránh tình trạng trả nợ quá hạn dài ngày, phát sinh các khoản tiền phạt và trách nhiệm pháp lý liên quan.
Trên thực tế, với đường dây "tín dụng đen" cho vay theo hình thức qua ứng dụng, chỉ cần vài thao tác trên điện thoại, người dân dễ dàng nhận được tiền vay chỉ trong vòng vài phút. Nhiều người không tìm hiểu kỹ đã sập bẫy và rơi vào vòng xoáy nợ nần, bị các nhóm cho vay khủng bố tinh thần mình và cả người thân.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống, kinh doanh của người dân, các dịch vụ "tín dụng đen công nghệ" này có dấu hiệu bùng phát mạnh và ngày càng tinh vi.
Trường hợp của chị Nguyễn Thị Hiền T. (Vĩnh Phúc) - nhân viên dạy tiếng nước ngoài tại một trung tâm lao động xuất khẩu là một ví dụ.
Theo chia sẻ của chị T., ảnh hưởng của dịch hơn hai tháng nay trung tâm nơi chị làm việc tạm ngừng hoạt động. Do cần gấp một khoản tiền để trang trải cá nhân, thấy thủ tục đơn giản, nhanh gọn, cuối tháng 3/2020, chị T. đã vay tiền qua ứng dụng (app) trực tuyến. Tuy nhiên, sau đó chị T. mới tá hỏa rằng, số tiền phải trả nhanh chóng đôi lên nhiều lần so với số tiền gốc chỉ trong một thời gian ngắn.
Theo thông tin chị T. cung cấp, số tiền T. vay qua app là 1,7 triệu đồng, thực chất chị chỉ nhận được 1,42 triệu đồng, số còn lại 272.000 đồng bị bên cho vay "ngắt ngọn" được gọi là phí dịch vụ. Sau 8 ngày kể từ khi nhận tiền chị T. nhận được thông báo số tiền vốn lẫn lãi phải trả là 2,04 triệu đồng, nếu trả chậm 1 ngày sẽ bị phạt 102.000 đồng.
Những ngày sau đó, chị T. liên tục nhận những cuộc điện thoại đe dọa, bắt trả hết nợ. Vì chưa có khả năng chi trả, một phần vì số tiền liên tiếp đội lên, các đối tượng cho vay càng đòi ráo riết. Không chỉ chị T. mà bố mẹ ruột, bác họ, bạn bè của chị T. (theo danh bạ điện thoại chị T. cung cấp từ khi vay) cũng liên tiếp nhận những cuộc điện thoại lạ gọi tới để đe dọa và khủng bố tinh thần. Quá hoảng loạn và lo lắng đến sự an toàn của bản thân và gia đình, chị T. đã trình báo sự việc tới công an địa phương.
Cũng liên quan đến hình thức cho vay này, cơ quan công an mới đây đã triệt phá một đường dây cho vay thông qua các ứng dụng các ứng dụng trên điện thoại như "Vaytocdo", "Moreloan" và "VD online", lãi suất lên đến 1.095%/năm.
Đường dây cho vay nặng lãi này do một số đối tượng người Trung Quốc thiết lập với khoảng 40 nhân viên người Việt Nam có nhiệm vụ xét duyệt, thẩm định cho vay và đòi nợ hơn 60.000 người vay trải dài khắp 60 tỉnh, thành phố.