Bộ Công Thương: Quý II, sẽ có khung giá để nhập khẩu hơn 3.00 MW điện từ Lào về Việt Nam
Theo tin từ Bộ Công Thương, mới đây trong chuyến thăm và làm việc tại Lào, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã tiếp kiến Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone, và làm việc với hai Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào, Bộ Công Thương Lào.
Tại các cuộc tiếp xúc, lãnh đạo Bộ Công Thương Việt Nam cho biết mong muốn hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản là điểm sáng, đạt được một số thành tựu quan trọng, tuy nhiên vẫn còn hàng loạt những khó khăn, thách thức.
Trong lĩnh vực điện, Việt Nam đang rất cần phát triển về nguồn điện cũng như hệ thống truyền tải, dự báo đến năm 2030, quy mô nền kinh tế của Việt Nam tăng, do đó, nhu cầu về điện sẽ tăng gấp đôi hiện nay.
Đến nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã ký kết 19 thỏa thuận mua bán điện (PPA) với các chủ đầu tư để mua điện từ 26 nhà máy thủy điện đầu tư tại Lào bán điện về Việt Nam, với tổng công suất 2.689 MW, đạt 89,6% công suất mua bán điện theo cam kết đến năm 2025 (3000 MW).
Liên quan đến tiến độ ban hành khung giá Việt Nam mua điện từ Lào, thời gian qua, Bộ Công Thương với quyết tâm, nỗ lực rất là cao, đến thời điểm hiện tại, đã cơ bản hoàn thành khung mức giá, đang chờ trình lên báo cáo Chính phủ thông qua. Hiện nay EVN cũng đã hoàn thành nghiên cứu, dự thảo khung giá và đang gửi xin ý kiến Hội đồng thành viên EVN thông qua trước khi báo cáo Bộ Công Thương.
Sau khi có báo cáo chính thức của EVN, Bộ Công Thương sẽ thẩm định và báo cáo Thủ tướng phê duyệt. Dự kiến đầu Quý II năm nay, khung giá mua điện từ Lào sau 2025 sẽ chính thức được ban hành.
Liên quan đến hệ thống truyền tải, trong tháng 3 vừa qua Bộ Công Thương đã cùng với Bộ Tài Nguyên Môi trường trình và được Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng các vị trí cột móng, néo phục vụ hệ thống truyền tải, đường dây 500kv mạch 3 của Việt Nam sẽ phấn đấu hoàn thành trước tháng 12/2024; đường dây 220kv sẽ cố gắng hoàn thành trong Quý II/2024.
Từ tình hình như trên, hai Bộ kiến nghị với hai Chính phủ, hai Thủ tướng cho phép nâng công suất nhập khẩu điện về Việt Nam, lên 5000MW vào 2025; thứ hai là tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư phát triển nguồn, phát triển hệ thống truyền tải; tạo thuận lợi trong giải phóng mặt bằng, cơ chế... để hoàn thành đúng tiến độ các chỉ tiêu, kế hoạch đã đặt ra; thứ ba, là phê duyệt các dự án đầu tư sau năm 2025 kịp thời, đúng tiến độ.
Trong lĩnh vực khoáng sản, Việt Nam có nhu cầu nhập than lớn, trong đó có than nhập từ Lào. Tuy nhiên, hiện nay, khó khăn cho thương mại than giữa hai nước hiện nay chính là vấn đề giá thành than của Lào vẫn còn cao, do vậy, cần tìm các giải pháp để hạ giá thành bán than từ Lào về Việt Nam, giá than Lào ít nhất phải bằng giá thế giới thì mới có thể cạnh tranh được.
Liên quan đến công tác phối hợp chặt chẽ để đảm bảo ổn định thị trường xăng dầu của Lào. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ Công Thương Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ Lào trong việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu. Vừa qua, Bộ Công Thương đã và đang tiếp tục khuyến khích các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu của Việt Nam chủ động kết nối với doanh nghiệp của Lào, tăng cường và tạo sự ổn định trong việc cung ứng xăng dầu sang thị trường Lào.
Về các đề xuất của phía Bộ Công Thương Việt Nam, Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone nhấn mạnh, phía Lào sẽ đôn đốc, giám sát các dự án để đảm bảo tiến độ cũng như công suất đã ký giữa hai nước trước đó.
Thủ tướng đề nghị phía Việt Nam sớm ban hành khung giá mua điện từ Lào sau 2025 và mức giá sẽ không thấp hơn thời điểm trước 2025 là 6,95 cent.