Bộ GTVT lên tiếng về việc nâng cấp QL62 qua địa bàn tỉnh Long An

21/01/2024 12:11 GMT+7
Bộ GTVT vừa phản hội Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An về kiến nghị của cử tri tiếp tục bố trí nguồn vốn, đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 62 đoạn từ nút giao với quốc lộ 1 đến cửa khẩu Bình Hiệp.

Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021, QL62 có tổng chiều dài 114km, quy mô quy hoạch là đường cấp III, 2 - 4 làn xe, trong đó đoạn qua tỉnh Long An có chiều dài 76km, hiện trạng đạt tiêu chuẩn đường cấp IV.

Bộ GTVT cho biết, để đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa và đi lại của nhân dân, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của tỉnh Long An và các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ GTVT đã đề xuất Dự án nâng cấp, cải tạo 3 tuyến quốc lộ (53, 62, 91B) tại Đồng bằng sông Cửu Long, sử dụng vốn vay WB.

Bộ GTVT lên tiếng về việc nâng cấp QL62 qua địa bàn tỉnh Long An - Ảnh 1.

Quốc lộ 62 qua tỉnh Long An. Ảnh: Báo GT

"Tuyến QL62 qua địa bàn tỉnh Long An sẽ thực hiện cải tạo, nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cấp III theo quy hoạch", Bộ GTVT khẳng định.

Cùng với đó, Bộ GTVT đã hoàn thành Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Tờ trình số 13452/TTrBGTVT ngày 24/11/2023 và đang tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan để sớm hoàn thành các thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư dự án để triển khai các bước tiếp theo.

Dự án quốc lộ 62 đoạn qua tỉnh Long An đã được đưa vào sử dụng gần 24 năm, hiện mặt đường nhỏ hẹp, xuống cấp nên cần sớm cải tạo để đảm bảo an toàn giao thông cho người và phương tiện lưu thông.

Tại Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã mục tiêu đến năm 2030, phát triển mạng lưới giao thông đường bộ từng bước đồng bộ, một số công trình hiện đại, chất lượng cao.

Các tuyến đường đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, kiềm chế tiến tới giảm dần tai nạn giao thông và hạn chế ô nhiễm môi trường, hình thành hệ thống giao thông vận tải hợp lý giữa các phương thức vận tải.

Qua đó, góp phần đưa nước ta cơ bản trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 với một số mục tiêu cụ thể như sau:

Về vận tải, khối lượng vận chuyển hàng hóa đạt khoảng 2.764 triệu tấn (62,80% thị phần); hành khách đạt khoảng 9.430 triệu khách (90,16% thị phần); khối lượng luân chuyển hàng hóa nội địa đạt khoảng 162,7 tỷ tấn.km (30,48% thị phần); hành khách nội địa 283,6 tỷ khách.km dạt khoảng (72,83% thị phần).

Về kết cấu hạ tầng, hình thành hệ thống đường cao tốc kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, các vùng kinh tế trọng điểm, cảng biển và cảng hàng không cửa ngõ quốc tế; từng bước nâng cấp các quốc lộ, cụ thể:

Cơ bản hoàn thành các tuyến cao tốc kết nối liên vùng, kết nối các cảng biển cửa ngõ quốc tế, cảng hàng không quốc tế, các cửa khẩu quốc tế chính có nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa lớn, các đô thị loại đặc biệt, loại I; kết nối thuận lợi các tuyến quốc lộ đến các cảng biển loại II, cảng hàng không quốc tế, cảng đường thủy nội địa lớn, các ga đường sắt đầu mối, đầu mối giao thông đô thị loại II trở xuống. Phấn đấu xây dựng hoàn thành khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc.

Tập trung nâng cấp mặt đường, tăng cường hệ thống an toàn giao thông, xử lý các điểm đen, cải tạo nâng cấp các cầu yếu trên các quốc lộ và nâng cấp một số tuyến quốc lộ trọng yếu kết nối tới các đầu mối vận tải lớn (cảng biển, cảng đường thủy nội địa, cảng hàng không, các ga đường sắt) chưa có tuyến cao tốc song hành.



Thế Anh
Cùng chuyên mục