Bộ Tài chính đề xuất miễn phí môn bài với doanh nghiệp mới thành lập
Việc sửa đổi, bổ sung nghị định của Chính phủ về lệ phí môn bài sẽ tác động trực tiếp tới người dân và doanh nghiệp cũng như thứ hạng khởi sự kinh doanh của Việt Nam (Ảnh minh họa).
Đây là một trong những nội dung được Bộ Tài chính công bố trong “Dự thảo Nghị định Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2016/NĐ-CP của Chính phủ về lệ phí môn bài” mới đây.
Theo đó, Bộ bổ sung nội dung miễn lệ phí môn bài đối với 3 trường hợp tại các khoản 8, khoản 9 và khoản 10 Điều 3 tại nghị định của Chính phủ quy định về lệ phí môn bài. Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất miễn lệ phí môn bài đối với tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình mới ra hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc mới thành lập cơ sở sản xuất kinh doanh trong năm tài chính đầu tiên (từ ngày 1/1 đến 31/12 năm khởi sự kinh doanh).
Ngoài ra, Bộ cũng dự kiến sẽ miễn lệ phí môn bài đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển từ hộ kinh doanh trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu.
Bên cạnh đó, các trường phổ thông trung học, trung học cơ sở, tiểu học và mẫu giáo (bao gồm cả công lập và ngoài công lập) cũng được miễn lệ phí môn bài.
Việc Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số quy định nêu trên sẽ có tác động đáng kể trong đối với người dân và doanh nghiệp, đồng thời, cũng ảnh hưởng tới điểm số thứ hạng khởi sự kinh doanh của Việt Nam.
Theo báo cáo Doing Business 2019, thủ tục Khởi sự kinh doanh của Việt Nam đứng thứ 104 trên tổng số 190 nền kinh tế, bao gồm 8 thủ tục thực hiện trong 17 ngày, trong đó có thủ tục nộp lệ phí môn bài theo quy định tại Nghị định số 139/2016/NĐ-CP. Thủ tục nộp lệ phí môn bài là một bước trong quy trình khởi sự kinh doanh của doanh nghiệp
Trong hai năm gần đây, tổng thu lệ phí môn bài đạt trên 4.300 tỷ đồng. Trong đó, lệ phí môn bài đối với doanh nghiệp mới thành lập hơn 392 tỷ đồng.
Số thu này không bao gồm 37.300 tổ chức chuyển từ hộ kinh doanh sang doanh nghiệp nhỏ và vừa (tương đương khoảng 28% số lượng tổ chức khởi sự kinh doanh năm 2018) do đối tượng này đang được miễn lệ phí môn bài theo quy định của Luật doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Chỉ tính năm 2018, tổng số thu lệ phí môn bài đã đạt hơn 2.303 tỷ đồng (tương đương với hơn 1,4 triệu tổ chức, cá nhân, hộ gia đình), trong đó số thu lệ phí môn bài đối với số tổ chức, cá nhân, hộ gia đình thành lập mới là hơn 204 tỷ đồng (tương đương với 147.209 tổ chức, cá nhân, hộ gia đình thành lập mới).
Theo ước tính của Bộ Tài chính, nếu số lượng tổ chức, cá nhân và hộ gia đình khởi sự kinh doanh năm nay tương đương năm 2018 thì số thu ngân sách nhà nước từ lệ phí môn bài giảm khoảng 200 tỷ đồng.
Với quy định miễn lệ phí môn bài đối với trường hợp mới ra hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc mới thành lập cơ sở sản xuất kinh doanh trong năm tài chính đầu tiên, người dân và doanh nghiệp sẽ được giảm bớt thời gian làm thủ tục và chi phí môn bài.
Trước đó, theo nội dung nghị định quy định về lệ phí môn bài số 139/2016/NĐ-CP ngày 04/10/2016 của Chính phủ ban hành, tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh hoặc mới thành lập, được cấp đăng ký thuế và mã số thuế, mã số doanh nghiệp trong thời gian của 6 tháng đầu năm thì nộp mức lệ phí môn bài cả năm. Nếu thành lập được cấp đăng ký thuế và mã số thuế, mã số doanh nghiệp trong thời gian 6 tháng cuối năm thì nộp 50% mức lệ phí môn bài cả năm.
Tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh nhưng không kê khai lệ phí môn bài thì phải nộp mức lệ phí môn bài cả năm, không phân biệt thời điểm phát hiện là của 6 tháng đầu năm hay 6 tháng cuối năm.
Theo quy định hiện hành, hiện tại, mức thu lệ phí môn bài đối với tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng một năm tùy theo vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư. Đối với cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, mức thu lệ phí từ 300 nghìn đồng đến 1 triệu đồng một năm tùy theo doanh thu.