Bộ Tài chính: Vẫn còn nhiều bộ ngành trung ương giải ngân vốn đầu tư công rất thấp
Bộ Tài chính vừa có báo cáo về tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước lũy kế 12 tháng, ước thực hiện 13 tháng kế hoạch năm 2023. Theo báo cáo, ước thực hiện thanh toán vốn đầu tư công của cả nước đến hết ngày 31/1/2024 (hết thời hạn để giải ngân kế hoạch vốn năm 2023) đạt 82,47% kế hoạch và đạt 93,12% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 (bao gồm kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, kế hoạch vốn cân đối địa phương giao tăng, kế hoạch các năm trước chuyển sang) là 858.399,9 tỷ đồng.
So với báo cáo tháng 12/2023, kế hoạch tăng 14.599,9 tỷ đồng (do được giao chi tiết bổ sung nguồn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội (KTXH) 3.307,5 tỷ đồng, bổ sung vốn kéo dài Chương trình Mục tiêu quốc gia (CTMTQG) 137,8 tỷ đồng, các địa phương giao thêm nguồn cân đối là 11.154,7 tỷ đồng).
Trong đó, kế hoạch năm 2023 là 803.397,6 tỷ đồng và vốn các năm trước kéo dài sang năm 2023 là 55.002,3 tỷ đồng.
Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, tính đến hết ngày 31/12/2023, cả nước giải ngân được 589.201,9 tỷ đồng, đạt 73,34% kế hoạch năm 2023. Trong đó, Chương trình phục hồi và phát triển KTXH là 80.808,44 tỷ đồng, đạt 60,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (132.867,5 tỷ đồng).
Ước thanh toán đến hết ngày 31/1/2024 là 662.588,2 tỷ đồng, đạt 82,47% kế hoạch và đạt 93,12% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (711.559,8 tỷ đồng). So với cùng kỳ năm 2022, tỷ lệ giải ngân có cao hơn (cùng kỳ năm 2022 đạt 80,63% kế hoạch và đạt 92,97% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Trong đó Chương trình phục hồi và phát triển KTXH là 88.287,12 tỷ đồng, đạt 66,4% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (132.867,5 tỷ đồng).
Theo đánh giá từ Bộ Tài chính, kết quả giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2023 cao hơn 0,15% về tỷ lệ, cao hơn 123.311,7 tỷ đồng về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2022.
Thông tin chi tiết về tỷ lệ giải ngân của từng bộ, ngành, địa phương, báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, có một số đơn vị hoàn thành giải ngân 100% kế hoạch như: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Tổng công ty Thuốc lá, Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, tỉnh Hà Nam. Một số bộ, địa phương giải ngân cao từ 95% kế hoạch giao như: Đồng Tháp (99,8%), Quảng Ngãi (99,79%), Long An (99,19%), Bà Rịa - Vũng Tàu (98,08%), Vĩnh Phúc (96,88%), Thái Nguyên (96,65%), Ninh Bình (95,98%), Hưng Yên (95,95%), Tuyên Quang (95,7), Trà Vinh (95%), Bộ Quốc phòng (96,4%), Bộ Giao thông vận tải (95,12%).
Đối với các dự án trọng điểm, theo báo cáo từ Bộ Tài chính, đến hết ngày 31/12/2023, tổng số vốn giải ngân của 9 dự án quan trọng quốc gia ngành giao thông vận tải là 107.317,78 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 84,1% trên tổng kế hoạch năm 2023 được giao (127.593,72 tỷ đồng), trong đó, vốn ngân sách trung ương là 88.899,78 tỷ đồng, đạt 92.2% và vốn ngân sách địa phương là 18.418 tỷ đồng, đạt 59%.
Như vậy, kết quả giải ngân vốn ngân sách trung ương các dự án quan trọng quốc gia đạt tỷ lệ giải ngân cao hơn tỷ lệ bình quân chung 12 tháng của cả nước.
Vẫn còn 1,89% số vốn Thủ tướng Chính phủ giao chưa được phân bổ
Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, tổng số vốn đầu tư công năm 2023 đã phân bổ là 789.972,3 tỷ đồng, đạt trên 111% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao (711.559,8 tỷ đồng); trong đó, các địa phương giao tăng so với số kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao là 91.838 tỷ đồng.
Nếu không tính số kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương các địa phương giao tăng là 91.838 tỷ đồng, thì tổng số vốn đã phân bổ là 698.134,5 tỷ đồng, đạt 98,11% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ đã giao.
Có 18 bộ, cơ quan trung ương và 29 địa phương phân bổ chưa hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Tổng số vốn chưa phân bổ chi tiết là 13.425,3 tỷ đồng, chiếm 1,89% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, đối với nguồn vốn ngân sách trung ương (bao gồm vốn CTMTQG) chưa phân bổ hết có nguyên nhân từ nguồn vốn trong nước chủ yếu là các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển KTXH chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư nên chưa đủ điều kiện để giao chi tiết vốn năm 2023, đặc biệt một số dự án mới được Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung tại Quyết định số 1738/QĐ-TTg ngày 29/12/2023. Một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương đề nghị hoàn trả ngân sách trung ương.
Vốn nước ngoài chưa phân bổ hết do chưa hoàn thành thủ tục ký Hiệp định vay (Quảng Trị, Phú Yên, Lào Cai).
Ngoài ra, các dự án thuộc nguồn vốn CTMTQG đang thực hiện lập, phê duyệt dự án nên chưa đủ điều kiện để phân bổ vốn. Bên cạnh đó, số vốn 1.028 tỷ đồng mới được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1221/QĐ-TTg ngày 22/10/2023 nên một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương đang hoàn thiện thủ tục chưa kịp phân bổ hết.
Đối với trên 5.173 tỷ đồng vốn cân đối ngân sách địa phương chưa phân bổ hết là do địa phương phân bổ phụ thuộc khả năng cân đối, phụ thuộc nguồn thu nên phân bổ vốn nhiều lần (TP. Hồ Chí Minh, Khánh Hòa); địa phương chưa phân bổ hết vốn từ nguồn thu sử dụng đất (Cà Mau), địa phương điều chỉnh giảm do giảm vốn đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất (Bình Phước), địa phương điều chỉnh giảm vốn đầu tư từ nguồn bội chi ngân sách địa phương (An Giang).