Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Chuyển ngay, chuyển sớm từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp

30/12/2023 16:25 GMT+7
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, chúng ta phải chuyển mạnh, chuyển ngay, chuyển sớm từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tức là phải làm sao tối ưu hóa về mặt giá trị, không tối ưu hóa mặt sản lượng. Mục tiêu cuối cùng là làm sao giá trị phải cao nhất trên một đơn vị diện tích.

Chiều 30/12, tại Hà Nội, diễn ra Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại trực tiếp với nông dân Việt Nam, với chủ đề "Nông dân là chủ thể, là trung tâm trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới xanh, bền vững".

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Chuyển ngay, chuyển sớm từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp - Ảnh 1.

Toàn cảnh đối thoại trực tiếp với nông dân Việt Nam, với chủ đề "Nông dân là chủ thể, là trung tâm trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới xanh, bền vững".

Chia sẻ tại buổi đối thoại, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, ông cảm nhận chưa bao giờ lĩnh vực nông nghiệp – nông dân – nông thôn có một vị trí, vai trò, sứ mệnh quan trọng như hiện nay. Từ các kết quả đạt được, cho đến tư duy, các chuyển dịch, các nỗ lực cả hệ thống, từ Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn cho xuống đến các cơ sở trên thị trường, các doanh nghiệp, người nông dân chúng ta đang góp sức rất là lớn cho việc đóng góp phát triển kinh tế nói chung, góp phần vào ổn định xã hội, chính trị.

Ông cho rằng, mục tiêu cuối cùng là làm sao cho người nông dân luôn nở nụ cười trên môi, tức là luôn luôn có một công việc bền vững, có thu nhập ổn định và cao trên mảnh đất của mình, trên diện tích đất của mình.

"Chúng ta phải chuyển mạnh, chuyển ngay, chuyển sớm từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tức là chúng ta phải làm sao tối ưu hóa về mặt giá trị, chứ chúng ta không tối ưu hóa mặt sản lượng", ông Dũng nói.

Cũng theo vị Bộ trưởng này, chúng ta phải đưa ra mục tiêu làm sao giá trị phải cao nhất trên một đơn vị diện tích, "đấy mới là mục tiêu cuối cùng".

"Muốn làm được điều đó, chúng ta phải dựa trên công nghệ cao chứ không phải công nghệ cao là mục tiêu cuối cùng. Công nghệ cao chỉ là công cụ, là phương tiện để chúng ta đạt được hiệu quả cao. Đấy là chuyển đổi tư duy rất quan trọng của Đảng hiện nay. Để làm sao chúng ta không cần sản xuất quá nhiều, chúng ta làm hỏng hết môi trường, hủy hoại về mặt đất đai, tốn bao nhiêu sức lao động, bao nhiêu vốn liếng, nhưng giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích rất thấp. Người nông dân vẫn bấp bênh", Bộ trường Nguyễn Tiến Dũng bày tỏ.

Ngành nông nghiệp đang định hướng rất đúng và trúng, nhưng phải mạnh mẽ hơn, theo Bộ trưởng.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Chuyển ngay, chuyển sớm từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp - Ảnh 2.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại đối thoại.

Nêu ý kiến, Thủ tướng cho biết chúng ta đang đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng, nhân lực) với các luật như Luật Đất Đại, Luật Hợp tác xã… để phục vụ người dân nói chung, trong đó có người nông dân.

Chúng ta cũng triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia (chương trình nông thôn mới, chương trình xóa đói giảm nghèo, chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi) với tổng nguồn lực khoảng 800 nghìn tỷ đồng đến nay trong nhiệm kỳ này; đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông từ Bắc tới Nam, tương đối đồng đều trên các lĩnh vực; xây dựng hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu (vừa qua các tỉnh, thành phố đã đề xuất hàng chục nghìn tỷ đồng và đã chi khoảng 6-7 nghìn tỷ đồng cho hạ tầng ứng phó hạn hán, sạt lở… và đang cố gắng giải ngân khoản ODA hơn 2 tỷ USD cho ĐBSCL; đầu tư khắc phục các vùng lõm về điện và sóng viễn thông…

Cùng với đó, chúng ta đẩy mạnh chuyển đổi xanh, trong đó có việc cắt giảm phát thải trong nông nghiệp, tiến hành sản xuất xanh, như triển khai chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp, đây là chương trình rất lớn và có lẽ là duy nhất trên thế giới; từ đó đáp ứng yêu cầu của các đối tác nhập khẩu.

Mặt khác, Bộ Chính trị đã có nghị quyết và Chính phủ đã có kế hoạch triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển 6 vùng kinh tế - xã hội. Các hội đồng điều phối vùng cũng được Chính phủ thành lập.

Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với nông nghiệp, nông dân là rất lớn với chính sách, cơ chế, nguồn lực như trên. Đáp lại, giá trị gia tăng toàn ngành nông nghiệp (GDP) tăng cao, ước đạt 3,83% trong 2023, đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm gần đây. Nông nghiệp cũng xuất khẩu 53 tỷ USD, có hơn 10 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Nhiều ngành như gỗ, thủy sản đã xoay chuyển tình thế rất khó khăn để xuất khẩu với các chính sách hỗ trợ như gói tín dụng cho lâm sản, thủy sản khoảng 15.000 tỷ đồng đã giải ngân 90%.

Đảng, Nhà nước có chính sách, cơ chế, nguồn lực, nhưng nông dân vẫn phải tăng cường tự chủ, đi lên bằng bàn tay khối óc của mình, không được trông chờ ỷ lại.


H.Anh
Cùng chuyên mục