Cá mặt thỏ - loài cá tử thần
Cá mặt thỏ - 1 trong 8 loài cá nóc cực độc
Theo Tạp chí New Scientist, cá mặt thỏ có nguồn gốc từ Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Loài vật này đang có khả năng phát triển mạnh ở vùng biển Địa Trung Hải thông qua kênh đào Suez. Một số cơ quan của cá mặt thỏ có chứa tetrodotoxin. Đây là chất độc gây chết người.
Cá mặt thỏ sống chủ yếu ở khu vực các đảo Phú Quý, Bình Sơn, Quảng Ngãi. Loài cá này cũng có đầu, thân đuôi như những loài cá khác. Tuy nhiên tên cá mặt thỏ cũng bắt nguồn từ hàm răng của cá mặt thỏ giống răng thỏ. Cá mặt thỏ sống ngoài khơi xa, nằm sâu dưới đáy cách mực nước biển từ 40-50m.
Loài cá này cực kỳ hung dữ, với bộ răng nanh sắc khỏe chúng có thể quẫy rách lưới ngư dân. Cá mặt thỏ ăn tất cả các loài cá yếu hơn, thậm chí khi đói nó có thể ăn thịt cả đồng loại. Cá mặt thỏ có số lượng ít, do đó, chúng rất hiếm gặp trên thị trường và giá thành thường cao.
Theo Viện Nghiên cứu Hải sản, cá mặt thỏ là một trong 8 loài cá nóc có độc tính mạnh nhất. Các loài còn lại là cá nóc chuột chấm son, cá nóc sao, cá nóc chuột vân bụng, cá nóc chuột chấm sao, cá nóc vằn, cá nóc chuột chấm đen, cá nóc chấm cam vằn mắt.
Mức độ độc tố trong từng bộ phận của cá nóc được sắp xếp theo thứ tự: trứng, tinh sào, gan, ruột đến da và thịt. Độc tính của cá nóc thường tăng cao vào các tháng 2-3 và 7-9 trong năm, đây cũng là mùa sinh sản của cá nóc.
Cẩn trọng với cá mặt thỏ
Ở Việt Nam, cá nóc nói chung và cá mặt thỏ nói riêng phân bố trên khắp các vùng biển từ Bắc đến Nam, chủ yếu từ Đà Nẵng đến Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong những năm gần đây, hàng loạt vụ ngộ độc do tiêu thụ các sản phẩm chế biến từ cá nóc đã xảy ra ở nhiều địa phương trên phạm vi cả nước, nhất là các khu vực dân cư ven biển.
Mới đây nhất là một bệnh nhân 36 tuổi, bị liệt toàn thân sau khi ăn bao tử cá mặt thỏ. Người này được các bác sĩ Bệnh viện quận 2 (TP.HCM) cấp cứu kịp thời và giữ được mạng sống.
Theo phác đồ điều trị của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, khi ăn hải sản có chứa tetrodotoxin (cá nóc, mực đốm xanh, cua móng ngựa...) trước đó vài phút hoặc vài giờ, nạn nhân sẽ có triệu chứng mệt, hoa mắt, chóng mặt, tê bì các chi, nôn và mất phản xạ. Với lượng độc tố cao, nạn nhân có thể bị hạ huyết áp, liệt toàn thân.
Độc tố TTX là một loại độc tố thần kinh thường có trong da, gan hoặc thịt của một số sinh vật biển như sam, ốc, bạch tuộc,... đặc biệt là cá nóc. Ăn phải độc tố này sẽ có biểu hiện tê, ngứa môi và phía trong miệng, yếu liệt cơ, hạ huyết áp... Các triệu chứng diễn ra rất nhanh chỉ khoảng 10 phút sau khi ăn, tử vong sau khoảng 30 phút nếu không được cấp cứu kịp thời.
TTX không bị nhiệt phá huỷ, nấu chín hay phơi khô, sấy, độc chất vẫn tồn tại. TTX được hấp thu nhanh chóng qua đường tiêu hóa trong vòng 5-15 phút, nồng độ đỉnh đạt sau 20 phút, nửa đời sống là 30 phút đến 4 giờ, phần đáng kể được thải trừ qua nước tiểu.
TTX rất độc với thần kinh, ức chế kênh natri, đặc biệt ở cơ vân, ngăn cản phát sinh điện thế và dẫn truyền xung động, hậu quả chính là gây liệt cơ và suy hô hấp, dễ tử vong. Để được cứu sống, bệnh nhân cần được đảm bảo hô hấp và nhanh chóng đưa tới cơ sở y tế gần nhất để được đặt nội khí quản kịp thời và thở máy.
Độc tố này chưa có thuốc giải. Do đó, các bác sĩ cấp cứu cho nạn nhân bằng việc hạn chế hấp thu độc tố của cơ thể, điều trị triệu chứng. Khi có triệu chứng đe dọa tính mạng như liệt toàn thân, suy hô hấp nặng, bệnh nhân cần được can thiệp tích cực.
Về tiên lượng của các bệnh nhân ngộ độc cá mặt thỏ, các bác sĩ cho biết điều này phụ thuộc vào hàm lượng độc tố, thời gian từ khởi phát đến khi được điều trị.
Các trường hợp ăn lượng độc tố cao, nạn nhân thường tử vong trong 4-6 giờ nếu không được cấp cứu kịp thời. Người bệnh được đặt nội khí quản và thở máy kịp thời, sau 24 giờ đầu thường hồi phục tốt.