Cả nghìn ha lúa vụ Đông - Xuân của nông dân Bình Định nguy cơ "chết" giống, do mưa lớn bất ngờ
Nông dân phải sạ lại do bị "chết" giống
Nông dân Võ Văn Vinh (trú xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, Bình Định) cho biết, gia đình ông đã gieo sạ 10 sào ruộng (500 m²/sào) theo lịch thời vụ của ngành nông nghiệp.
Thế nhưng, chỉ vài giờ sau khi xuống giống, trời bắt đầu mưa. Mưa kéo dài từ sáng ngày 11/12 đến chiều 12/12, khiến ruộng ngập sâu. Thêm vào đó, nước từ thượng nguồn đổ về làm tình hình càng trầm trọng hơn. Với tình trạng này, ông Vinh cho rằng 10 sào ruộng của ông coi như mất giống hoàn toàn.
Nông dân Vinh tính toán, riêng thiệt hại về lúa giống đã gần 1,5 triệu đồng, chưa kể các chi phí thuê máy cày, nhân công gieo, kéo băng… Mặc dù vậy, ông Vinh quyết định chuẩn bị gieo sạ lần 2 khi nước rút.
"Sáng12/12, tôi đã ngâm giống, khoảng 3 - 4 ngày nữa khi nước rút sẽ gieo sạ lại", ông Vinh nói.
Theo Văn phòng Thường trực về phòng, chống thiên tai tỉnh Bình Định, đợt mưa lớn kéo dài từ ngày 11 - 12/12 đã khiến hàng nghìn hecta lúa vụ Đông - Xuân 2024 - 2025 mới gieo sạ trên địa bàn tỉnh bị ngập úng, có khả năng gây chết giống.
Mưa lớn gây thiệt hại cho nông dân
Cụ thể, huyện Tuy Phước có hơn 2.292 hecta lúa đã gieo sạ ở vùng ven đê Đông thuộc các xã Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thắng bị ngập nặng, phải gieo sạ lại. Còn tại huyện Phù Cát, khoảng 985 hecta lúa giống mới gieo sạ tập trung ở các xã phía Đông của huyện như Cát Tân, Cát Tường, Cát Nhơn bị ảnh hưởng. Các địa phương trong tỉnh đang tiếp tục rà soát, thống kê thiệt hại do mưa lớn gây ra.
Để chủ động ứng phó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định đã có công điện về việc ứng phó với đợt mưa lớn kéo dài từ ngày 11 - 15/12 trên địa bàn tỉnh.
Nội dung công điện nêu rõ, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ban ngành, đơn vị có liên quan theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.
Các huyện, thị xã, thành phố triển khai lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng có nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn.
Các địa phương tổ chức canh gác, kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các khu vực ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không đảm bảo an toàn.
Sẵn sàng khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính; triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn các hồ chứa nước và hạ du.
Bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và xử lý các tình huống có thể xảy ra, có lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.