Các công ty phân bón lo lợi nhuận giảm khi giá cổ phiếu tăng nóng

11/03/2021 07:10 GMT+7
Khi giá phân bón trong nước đang trong xu hướng đi lên, giá cổ phiếu nhiều doanh nghiệp đầu ngành như Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau, Bình Điền tăng cao theo.

Một tháng qua, thị trường chứng khoán rơi vào trạng thái giằng co. Tính từ phiên giao dịch cuối cùng trước Tết Nguyên đán (ngày 9/2), chỉ số VN-Index chỉ tăng 5% sau một tháng. Đây con số khá khiêm tốn so với giai đoạn bùng nổ cuối năm 2020.

Tuy nhiên, vẫn có những nhóm cổ phiếu ghi nhận đà tăng giá mạnh mẽ trong thời gian trên. Ngành phân bón là một trong số đó.

Giá cổ phiếu DPM của Đạm Phú Mỹ tăng 20% sau một tháng từ 15.950 đồng lên 19.100 đồng chốt phiên 10/3. Mã DCM của Đạm Cà Mau tăng 35% từ 12.500 đồng lên 16.900 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu BFC (Phân bón Bình Điền) cũng tăng 34% từ 16.000 đồng lên 21.500 đồng trong thời gian này.

Cổ phiếu tăng theo giá sản phẩm

Đặc biệt, thị giá cổ phiếu DDV (DAP - Vinachem) tăng tới 54% từ 9.500 đồng lên 14.600 đồng và LAS (Supe Lâm Thao) tăng vọt 56% từ 7.200 đồng lên 11.200 đồng. DDV giao dịch trên UPCoM còn LAS thuộc sàn HNX.

So với 3 cổ phiếu DPM, DCM, BFC niêm yết trên HoSE có biên độ dao động giá 7% mỗi phiên, thị giá DDV và LAS có thể biến động tới 15% và 10% trong mỗi ngày giao dịch.

Các công ty phân bón lo lợi nhuận giảm khi giá cổ phiếu tăng nóng - Ảnh 1.

Cá biệt, giá phân bón DAP tăng vọt, có nơi cao hơn gần 50% so với hồi đầu năm. Giá DAP tăng mạnh nhất do đây là mặt hàng nhập khẩu bị Bộ Công Thương áp thuế tự vệ từ năm 2018.Giá cổ phiếu nhiều doanh nghiệp phân bón tăng mạnh trong bối cảnh giá mặt hàng này trên thị trường cũng đang “nóng”. Sau hơn 2 tháng đầu năm, giá phân Ure, Kali, NPK tại các đại lý ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long ghi nhận mức tăng 20-30%.

Mới đây, Vinacam, một doanh nghiệp nhập khẩu phân bón lớn, đề xuất cơ quan chức năng tạm thời bỏ thuế tự vế với DAP để bình ổn giá, có đủ nguồn cung phục vụ vụ xuân hè.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho rằng không có quy định về việc tạm thời hủy bỏ biện pháp tự vệ theo những biến động mang tính thời điểm.

Năm khó đoán với doanh nghiệp phân bón

2020 là năm ngành phân bón chứng kiến lợi nhuận tăng ngoạn mục. Doanh thu không cao đột biến nhưng lợi nhuận của Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau và Phân bón Bình Điền lần lượt tăng 81%, 55% và 69% so với cùng kỳ 2019.

Theo SSI Research, ngành phân bón hưởng lợi năm qua khi dịch bệnh dẫn đến hoạt động thương mại gặp khó khăn hơn thường lệ. Do đó, các loại phân bón sản xuất trong nước có lợi thế hơn hàng nhập khẩu.

Khi hoạt động nhập khẩu gặp khó, doanh nghiệp nội địa tăng sản lượng để bù đắp lượng thiếu hụt trên thị trường và chịu ít sự cạnh tranh hơn. Giá xuất khẩu gạo bình quân năm 2020 cũng tăng 13% so với 2019 thúc đẩy diện tích trồng lúa tăng và kéo theo nhu cầu phân bón cao hơn.

Một yếu tố quan trọng giúp lợi nhuận các doanh nghiệp phân bón tăng trưởng là giá dầu thế giới giảm tới 33% trong năm 2020. Trong khi đó, giá urê trong nước chỉ giảm 15%. Giá dầu giảm nhiều hơn giá bán, nhu cầu tăng và mức cạnh tranh thấp hơn nên tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp phân bón đều cao hơn năm trước.

Các công ty phân bón lo lợi nhuận giảm khi giá cổ phiếu tăng nóng - Ảnh 2.

Bộ phận phân tích của SSI, VDSC nhận định giá dầu tăng kéo theo giá khí đi lên. Đây là áp lực làm tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp phân bón không còn cao như năm 2020 nếu giá bán không bù đắp được chi phí nguyên liệu.Nhưng cũng chính giá dầu khiến góc nhìn của các công ty chứng khoán với ngành phân bón trong nước năm nay trở nên thận trọng hơn. Hiện giá dầu thế giới đã vượt 60 USD/thùng, cao gấp hơn 4 lần so với mức thấp kỷ lục vào tháng 4/2020.

Thực tế, hai doanh nghiệp đầu ngành là Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau đều đặt kế hoạch lợi nhuận 2021 khiêm tốn, giảm lần lượt 48% và 70% so với kết quả thực hiện năm 2020.

Tuy nhiên, một yếu tố có thể giúp các doanh nghiệp phân bón hưởng lợi năm nay là dự thảo Nghị quyết thuế giá trị gia tăng (VAT) với mặt hàng phân bón. Theo đó, nếu Quốc hội thông qua quy định này, mặt hàng phân bón sẽ chịu thuế VAT 5% thay vì 0 như hiện tại.

Mức thuế VAT 5% sẽ càng khiến người nông dân gặp khó, gánh giá mua phân bón cao hơn. Nhưng ở chiều ngược lại, việc áp thuế VAT 5% sẽ giúp doanh nghiệp sản xuất phân bón được khấu trừ thuế VAT đầu vào, qua đó tăng lợi nhuận, theo FTPS.

Việt Đức
Cùng chuyên mục