Các nước châu Âu mạnh tay hỗ trợ doanh nghiệp

22/03/2020 20:08 GMT+7
Chính phủ Anh mới đây đã tăng cường các biện pháp ngăn chặn lây lan đại dịch virus corona bằng các gói viện trợ cho doanh nghiệp. Quyết định này được Thủ tướng Anh Boris Johnson công bố mới đây, đánh dấu nỗ lực ngày càng được tăng cường nhằm ngăn chặn dịch bệnh và bảo vệ nền kinh tế khỏi tác động nghiêm trọng.
Các nước Châu Âu mạnh tay hỗ trợ doanh nghiệp khi dịch Covid-19 tấn công nền kinh tế - Ảnh 1.

Châu Âu là tâm chấn mới của dịch Covid-19 trên thế giới

Chính sách kinh tế mới được đưa ra bao gồm giảm mạnh lãi suất ngân hàng và mua bán trái phiếu quy mô lớn được thực hiện bởi ngân hàng Anh. Những chính sách mới được thông qua có thể lấy đi của chính phủ nước này khoảng 400 tỷ bảng Anh, tương đương 16% tổng thu nhập quốc gia. Ông Johnson nhấn mạnh sẽ chống lại đại dịch bằng nỗ lực hết mình của chính phủ nước này.

Các chính sách trước mắt của chính phủ Anh phản ánh việc áp dụng chính sách của các quốc gia Châu Âu khác, hướng đến việc giảm thiểu tối đa tỉ lệ thất nghiệp, dù các chuyên gia kinh tế cho rằng việc này là không thể tránh khỏi trước viễn cảnh suy thoái kinh tế đang ở ngay trước mắt. Nhà làm luật Anh đang tìm ra những giải pháp tối ưu nhất nhằm tránh tình trạng quá nhiều người bị mất việc và hỗ trợ thu nhập của người lao động nước này trước đe dọa về mọi mặt của đại dịch – trước đó, nhiều doanh nghiệp Anh đã phải ngừng hoạt động nhằm tránh lây lan dịch bệnh trên diện rộng.

Thủ tướng Boris Johnson trước đó thông báo bán phong tỏa đất nước Anh, yêu cầu tất cả các quán bar, quán rượu, nhà hàng, quán cà phê, phòng tập gym và rạp hát đóng cửa, nhằm tránh tụ tập hội nhóm trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh. 

Ông Johnson cho rằng tăng cường kiểm soát là nỗ lực cần thiết hiện nay nhằm “hạn chế tối đa khả năng lây nhiễm ở Anh”. Ông cũng nhấn mạnh người Anh có thể sẽ gặp khó khăn trước lệnh giới nghiêm mới này, nhất là với niềm yêu thích đặc biệt của họ với các quán rượu, vốn là nơi giao tiếp xã hội phổ biến ở nước này.

Đại diện kinh tế chính phủ Anh tuyên bố nước này sẽ can thiệp nhằm giữ vững nền kinh tế trước thử thách mới này. Ông này cũng nói chính phủ sẽ hỗ trợ cho các công ty chi trả 80% lương cho nhân viên, với điều kiện họ sẽ không bị cho thôi việc khi dịch bệnh được kiểm soát.

Chương trình này sẽ bắt đầu được triển khai trước cuối tháng 4, kéo dài trong ít nhất 3 tháng, và có thể được kéo dài. Khoản viện trợ tương đương 2.500 bảng Anh một tháng. Các công ty nếu cần tiền ngay lập tức có thể liên hệ với ngân hàng để nhận được viện trợ chính phủ, gói nợ doanh nghiệp không lãi suất từ tuần sau. 

Chuyên gia kinh tế từ công ty tư vấn tài chính Oxford Economics ước tính khoản viện trợ tổng cộng trong 3 tháng có thể lên tới 18 tỷ bảng Anh. Các công ty Anh cũng có thể hoãn trả thuế gia tăng, thuế bán hàng cho đến cuối tháng 6. Người lao động không thể đi làm do đại dịch cũng được đảm bảo về lợi ích và không phải đóng thuế cá nhân cho đến năm sau.

Chính phủ các quốc gia châu Âu khác đã đưa ra những quyết định tương tự nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động. Đức phục hồi chương trình từng được áp dụng giữa cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bằng cách trả lương cho người lao động bị buộc phải nghỉ việc.

Ở Đan Mạch, chính phủ nước này công bố sẽ trả 75% lương cho người lao động ở các công ty bị tác động bởi đại dịch. Chính phủ Hà Lan công bố gói cứu trợ tương tự với 90% lương nhân viên cho các doanh nghiệp để không phải sa thải nhân viên.

Vân Anh
Cùng chuyên mục