Cách nào thoát bẫy thao túng tiền tệ?

03/06/2019 10:47 GMT+7
Cho dù không bị dán nhãn thao túng tiền tệ trong kỳ báo cáo bán niên tháng 5/2019 của Mỹ, nhưng trên thực tế, việc bị liệt vào danh sách bị giám sát vẫn là một rủi ro không thể xem thường đối với kinh tế Việt Nam.

Điều quan trọng nhất là thặng dư thương mại với Mỹ phải có chiều hướng giảm.

Mỹ đặt ra 3 tiêu chuẩn để dán nhãn một quốc gia thao túng tiền tệ. Việt Nam đã vượt ngưỡng hai tiêu chuẩn đầu tiên là thặng dư thương mại với Mỹ trên 20 tỷ USD và thặng dư tài khoản vãng lai trên 2% GDP.

Tiêu chuẩn thứ ba là can thiệp một chiều trên thị trường ngoại hối tuy mới chỉ đạt 1,7% GDP (chưa vượt ngưỡng quy định 2%), nhưng ẩn chứa nhiều cạm bẫy khó lường. Giả dụ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đảm bảo tiêu chuẩn thứ ba luôn ở mức dưới 2% GDP, thì Việt Nam vẫn có khả năng bị cho là phạm vào tiêu chuẩn này.

Theo quan điểm của Mỹ, bối cảnh can thiệp trên thị trường ngoại hối cũng là yếu tố quan trọng. Nếu không có lý do can thiệp chính đáng, chẳng hạn không có dòng vốn chảy vào hay không có sức ép phá giá, mà ngân hàng trung ương vẫn mua vào ngoại tệ, thì quốc gia đó vẫn bị quy là thao túng tiền tệ, ngay cả khi can thiệp một chiều trên thị trường ngoại hối dưới ngưỡng 2% GDP.

NHNN đã phản ứng tức thời với báo cáo thao túng tiền tệ của Mỹ bằng thông điệp sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan để trao đổi, làm việc về các vấn đề mà Bộ Tài chính Mỹ quan tâm. Đồng thời, tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế cũng như đặc thù của kinh tế Việt Nam, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không lành mạnh.

Những phản ứng chính sách kịp thời như trên là rất cần thiết, nhưng vẫn không đảm bảo rằng, Mỹ sẽ không quy Việt Nam thao túng tiền tệ trong các lần báo cáo tiếp sau.

Nói vậy là vì trong báo cáo lần này, Mỹ để ngỏ khả năng sẵn sàng thay đổi các tiêu chuẩn thao túng tiền tệ trong trường hợp tăng trưởng kinh tế, cũng như quyền lợi của doanh nghiệp và người dân của Mỹ bị ảnh hưởng nếu như có những méo mó (theo quan điểm của Mỹ) trong chính sách tiền tệ của nước đối tác. Đây là rủi ro quá lớn đối với điều hành chính sách tiền tệ, nhất là điều hành tỷ giá của NHNN trong tương lai. Rộng hơn, là rủi ro cho môi trường đầu tư của Việt Nam.

Hầu như phần lớn các nước ngày càng nhận thức rõ chính quyền của Donald Trump đang sử dụng chiêu bài dán nhãn thao túng tiền tệ như một con tin cho chính sách kinh tế và ngoại giao của họ. Như vậy, dù chúng ta có thiện chí hợp tác đến đâu, thì Mỹ vẫn luôn là người làm chủ cuộc chơi. Đây là cái bẫy mà Việt Nam cần phải thoát ra sớm nhất có thể.

Trước mắt, điều hành chính sách tiền tệ phải làm sao để giữ không phạm phải tiêu chuẩn thứ ba. Cùng lúc, các bộ, ngành phải cam kết các giải pháp và lộ trình ngắn nhất để chiến lược tăng trưởng của Việt Nam không lệ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu hoặc vào một vài thị trường nào đó. Đích đến là không phạm phải một trong hai tiêu chuẩn đầu tiên về thao túng tiền tệ của Mỹ, để Việt Nam không còn bị treo lơ lửng trong danh sách quốc gia bị giám sát.

Có thể trong thời gian ngắn, Việt Nam vẫn còn thặng dư tài khoản vãng lai và thặng dư thương mại cao với Mỹ. Nhưng điều quan trọng nhất là, thặng dư thương mại với Mỹ phải có chiều hướng giảm. Tài khoản vãng lai cũng phải theo xu thế này. Lý do là trong những nhận định về các đối tác thương mại chính, Mỹ chẳng những xem xét con số tuyệt đối, mà còn phân tích xu hướng của nó. Đây là không gian chính sách ít ỏi còn lại mà các bộ, ngành cần phải tận dụng tối đa.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung ngày càng diễn biến phức tạp khiến việc làm giảm xu hướng thặng dư thương mại với Mỹ và tài khoản vãng lai càng thêm khó khăn, nhất là khi nguy cơ hàng Trung Quốc dán nhãn Việt Nam ồ ạt xuất khẩu qua Mỹ và các nước khác không bị phát hiện, ngăn chận kịp thời.

Giảm xu hướng thặng dư thương mại và tài khoản vãng lai là công việc khó, nhưng không phải không thể. Nếu không làm được điều tối thiểu này, thì sẽ rất khó thực hiện các công việc “kinh bang tế thế” như tái cấu trúc toàn diện nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng. Chính vì vậy, các bộ, ngành cùng Chính phủ phải quyết tâm thực hiện bằng được những đòi hỏi đơn giản và tối thiểu nói trên.

Chống lại việc bị Mỹ quy cho thao túng tiền tệ không chỉ là công việc đơn độc, riêng của NHNN.

GS - TS. Trần Ngọc Thơ / Báo Đầu tư
Cùng chuyên mục