Cân đong 5 đòn đáp trả phi thuế quan Trung Quốc có thể đáp trả Mỹ

29/05/2019 08:37 GMT+7
Ngoài thuế quan, Trung Quốc có vô số biện pháp khác để trả đũa, và kẻ gánh chịu hậu quả nặng nề chính là người nông dân Mỹ, các công ty Mỹ và người tiêu dùng.

Mỹ là quốc gia chiếm thế thượng phong trong cuộc chiến tranh thương mại và căng thẳng thuế quan những ngày vừa qua, bởi giá trị hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ cao gấp gần 3 lần giá trị hàng hóa Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc.

Nhưng rõ ràng Trung Quốc có nhiều vũ khí ngoài thuế quan để “gây tổn thương” cho Mỹ. Một cuộc khảo sát gần đây của phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Trung Quốc cho thấy, gần một nửa các công ty Mỹ kinh doanh trên thị trường này đều phải hứng chịu đòn trả đũa phi thuế quan từ chính quyền ông Tập Cận Bình, ngay sau khi Mỹ áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc lần đầu tiên vào tháng 7/2018. Cuộc khảo sát được thực hiện trên hơn 900 công ty Mỹ hoạt động tại thị trường Trung Quốc.

Thomas Prusa, giáo sư kinh tế tại Đại học Rutgers cho biết, các biện pháp phi thuế quan từ chính phủ Trung Quốc như trượt giá đồng NDT, khuyến khích sử dụng hàng quốc nội...đều có thể gây tổn thất đáng kể cho các doanh nghiệp Mỹ. Tuy nhiên, Tổng thống Trump dường như đang coi nhẹ các đòn trả đũa phi thuế quan này.

Trung Quốc có nhiều cách để đáp trả Mỹ trong chiến tranh thương mại

Một câu hỏi được nhiều nhà phân tích kinh tế đặt ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang, là Trung Quốc sẽ làm gì để đáp trả Mỹ khi mà số hàng hóa trị giá 300 tỷ USD còn lại trong cơ cấu hàng xuất khẩu sang Mỹ sắp bị đánh thuế? Đòn thuế quan gần như không mang lại tác dụng, vì Mỹ chỉ xuất khẩu 120 tỷ USD hàng hóa sang Trung Quốc.

Dưới đây là 5 biện pháp phi thuế quan mà Trung Quốc có thể sẽ thực hiện trong nỗ lực trả đũa sự trừng phạt thuế quan của Mỹ vừa qua.

Ngừng nhập khẩu nông sản từ Mỹ

Trung Quốc có thể sẽ lật lại cam kết nhập khẩu 10 triệu tấn nông sản từ Mỹ, như cái cách Mỹ bất ngờ đưa Huawei vào danh sách đen và hạn chế thương mại. Nhiều chuyên gia kinh tế đã phân tích, người nông dân Mỹ có thể sẽ phải hứng chịu những hậu quả nặng nề từ chiến tranh thương mại với Trung Quốc, một khi hoạt động xuất khẩu nông sản bị ngừng trệ gây rớt giá.

Thomas Prusa nhận định, cuộc chiến tranh thương mại đang biến quốc gia có năng suất nông nghiệp cao nhất thế giới là Mỹ trở thành quốc gia phải chi nguồn trợ cấp khổng lồ cho nông dân.

Trong một diễn biến khác, Trung Quốc còn đe dọa ngừng tài trợ cho 1 dự án khai thác khí đốt tự nhiên trị giá 43 tỷ USD tại Alaska, nguồn tin từ tờ South China Morning Post.

Cản trở thủ tục hải quan

Ông John Larkin, chủ tịch Larkin Trade International - một công ty tư vấn thủ tục thương mại tại Trung Quốc cho hay thủ tục hải quan nước này ngày càng thắt chặt, trở nên nghiêm ngặt với các công ty nước ngoài.

Gần 20% công ty Mỹ đã bị chậm trễ trong công tác làm thủ tục hải quan, theo khảo sát mới nhất của Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Trung Quốc. Xe Ford nhập khẩu bị giữ tại cảng hay hành động trì hoãn nhập khẩu trái cây và các loại hạt năm ngoái chính là ví dụ cho thấy các doanh nghiệp và nông dân Mỹ chắc chắn phải đối diện với những thủ tục pháp lý rắc rối hơn tại thị trường Trung Quốc

Bán trái phiếu Chính phủ Mỹ

Trung Quốc từng là chủ nợ lớn nhất của chính phủ Mỹ, nắm giữ lượng trái phiếu Chính phủ lên tới 1.130 tỷ USD. Số trái phiếu này được ví như “quả bom nguyên tử” mà Chính quyền ông Tập Cận Bình sở hữu, có khả năng khiến nền kinh tế Mỹ chao đảo một khi bán tháo ồ ạt.

Vào tháng 3/2019, Trung Quốc bất ngờ bán ra lượng trái phiếu Chính phủ Mỹ lớn nhất trong 2 năm gần đây, làm tăng mối quan ngại của các nhà phân tích về một sự bán tháo ồ ạt trong tương lai. Nếu điều này trở thành sự thực, nó sẽ đẩy lãi suất dài hạn của Mỹ tăng lên, tác động lớn đến giá cả trong nền kinh tế. Tuy nhiên, đây cũng là con dao hai lưỡi khiến Trung Quốc mất đi lợi thế trong tay, làm giảm giá trị trái phiếu còn lại.

Để đồng NDT trượt giá so với USD

Sự trượt giá của đồng NDT có thể được sử dụng làm vũ khí trong chiến tranh thương mại

Một cách khác mà Bắc Kinh có thể sử dụng trong cuộc xung đột thương mại với Washington là để cho đồng NDT trượt giá so với đồng USD, làm cho hàng hóa của Trung Quốc rẻ hơn tương đối để bù đắp lại phần thuế quan bị Mỹ áp đặt.

Đồng NDT giảm giá cũng vô hình chung khiến các sản phẩm xuất xứ từ Mỹ trở nên đắt đỏ tại Trung Quốc, kết hợp với tác động thuế quan mà Trung Quốc đánh vào hàng hóa Mỹ gây hậu quả nặng nề ngược lại.

Nhiều đòn giáng xuống các công ty Mỹ

Trung Quốc cũng có thể để mắt nhiều hơn đến các công ty Mỹ hoạt động trên thị trường này thông qua sự kiểm soát gắt gao về thuế, tác động môi trường, thiết bị chữa cháy, giấy phép kinh doanh, hay thậm chí đẩy mạnh làn sóng tinh thần dân tộc khiến người Trung Quốc tẩy chay hàng Mỹ.

Tất nhiên, Trung Quốc cũng có thể áp dụng nhiều mức thuế đối với hàng hóa của Hoa Kỳ. Nhưng ngoài thuế quan, Trung Quốc có vô số biện pháp khác để trả đũa, và kẻ gánh chịu hậu quả nặng nề chính là người nông dân Mỹ, các công ty Mỹ và người tiêu dùng.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục