Cấp trên ra chính sách tốt, cấp dưới không thực hiện thì DN không phát triển được
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2010-2018
Năm 2018, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7,08%, cao nhất trong vòng hơn một thập niên vừa qua. Đồng thời, chất lượng tăng trưởng đã được cải thiện. Những động lực đóng góp chính vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2018 về phía sản xuất là khu vực FDI với ngành công ngiệp chế biến chế tạo, về phía chi tiêu là tiêu dùng nội địa và thặng dư thương mại.
Tuy nhiên, cải thiện môi trường kinh doanh có dấu hiệu chững lại, khu vực kinh tế tư nhân tiếp tục gặp nhiều khó khăn và rào cản trong phát triển. Lạm phát và tỷ giá mặc dù nằm trong phạm vi điều chỉnh dự kiến, nhưng đã đương đầu nhiều sức ép. Dư địa chính sách tiền tệ bị thu hẹp, và đặc biệt là rủi ro tài khóa ngày càng gia tăng. Đây là thực tế được các chuyên gia chỉ ra tại ại Hội thảo Khoa học Quốc gia Kinh tế Việt Nam 2018 và triển vọng năm 2019.
“DN cũng muốn đóng góp lắm, nhưng TTHC phức tạp mãi là rào cản”
Nhắc tới khu vực kinh tế tư nhân, GS. Trần Thọ Đạt - Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế Quốc dân, cho rằng, dù đã có chủ chương coi kinh tế tư nhân là một trong những thành phần kinh tế quan trọng, song dư địa phát triển của khu vực này còn rất lớn. Các báo cáo gần đây nhất đều cho thấy cải cách về môi trường kinh doanh có dấu hiệu chững lại.
Về phía cộng đồng doanh nghiệp đang mong mỏi Chính phủ có những hành động quyết liệt hơn, thực chất hơn để tháo gỡ rào cản cho tất cả doanh nghiệp trong nền kinh tế nói chung.
“Doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ gia đình, họ muốn đóng góp cho nền kinh tế lắm. Nhưng thủ tục hành chính (TTHC-PV) phức tạp vẫn mãi là rào cản ngăn họ thực hiện nghĩa vụ của mình. Nếu muốn môi trường kinh doanh thực sự cạnh tranh, phải giảm chi phí giao dịch, để người dân, hộ gia đình không cần tiếp xúc với cơ quan cấp phép mà vẫn thực hiện quyền tự do kinh doanh của mình. Do vậy, việc xây dựng chính quyền điện tử hết sức quan trọng, giúp giảm thiểu sự tiếp xúc trực tiếp giữa doanh nghiệp và đơn vị cấp phép”, GS. Trần Thọ Đạt kết luận.
Bà Phạm Chi Lan
Tiếp tục trao đổi với chuyên gia Phạm Chi Lan về những vướng mắc khu vực kinh tế tư nhân nói chung và doanh nghiệp tư nhân nói riêng đang phải đối mặt, bà Chi Lan cho biết: “Nắm 2018, trong đà tăng trưởng chung của kinh tế Việt Nam, vẫn dễ dàng nhận ra con số doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể tăng cao, khoảng cách giữa số doanh nghiệp mới thành lập và giải thể chưa bao giờ lớn như vậy. Điều này chứng minh một số doanh nghiệp đã hoạt động một vài năm vẫn không chịu nổi sức ép mới và phải rút khỏi thị trường. Nếu tình hình đó tiếp diễn, lấy đâu ra lực lượng đóng góp cho tăng trưởng kinh tế Việt nam đây?”.
Bà Phạm Chi Lan nhận xét, giải pháp thúc đẩy kinh tế tư nhân được đề ra khá nhiều, nhưng thực hiện không đạt hiệu quả như mong muốn. Khi Thủ tướng đưa ra yêu cầu cải cách môi trường kinh doanh, có những công việc được thực hiện nhưng không có tác dụng thực tế như gom những điều kiện kinh doanh trước đây thành một điều kiện, hoặc bỏ một điều kiện kinh doanh nhưng tạo ra thêm nhiều điều kiện mới…
“Doanh nghiệp làm việc với bộ máy cấp dưới chứ không phải những người thiết kế chính sách ở cấp cao nhất. Cấp cao nhất có đề ra chính sách hay, nhưng cấp dưới không thực hiện thì chính sách không thể đi vào thực tiễn, doanh nghiệp không phát triển được”, bà Phạm Chi Lan nói.
Những góc khuất phía sau con số tăng trưởng cao nhất Đông Nam Á
Theo PGS. TS. Tô Trung Thành - Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học (ĐH Kinh tế Quốc dân), kinh tế Việt Nam dù đạt mức tăng trưởng 7,08% - mức tăng cao nhất kể từ năm 2008, cũng là mức tăng cao nhất so với các quốc gia trong khu vực. Song nếu nhìn vào GDP bình quân đầu người tính tới cuối năm 2018, thu nhập bình quân của người Việt Nam chỉ đạt 2.600 USD, ở mức thấp so với khu vực. Và con số này chỉ bằng 1/3 so với Trung Quốc, 1/4 so với Malaysia.
Thêm vào đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 7,08% cao hơn mức sản lượng tiềm năng (6,6%-6,8%). Điều đó có nghĩa áp lực lên lạm phát Việt Nam sẽ tăng trong vài năm tới nếu Việt Nam tiếp tục can thiệp chính sách làm tăng tổng cầu.
Một điểm được ông Thành chỉ ra là chất lượng tăng trưởng kinh tế Việt Nam có cải thiện, TFP có mức tăng cao hơn 2017 và cao nhất trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên, tốc độ tăng năng suất lao động đã giảm so với 2017, và quan trọng là không đủ cao để có thể giảm nhanh chênh lệch với khu vực, và để tăng trưởng nhanh và bền vững.
Đối với đóng góp của các khu vực kinh tế, dù hoạt động hiệu quả hơn khu vực kinh tế kinh tế tư nhân với lợi nhuận trước thuế cao hơn đến 180%. Song khu vực FDI lại có tỷ lệ đóng thuế thấp nhất, nộp ngân sách chỉ bằng 51% khu vực tư nhân.
Để cải thiện tình trạng này, PGS. TS. Ngô Trung Thành đề xuất, Chính phủ cần tăng cường chính sách trọng cung, phát triển kinh tế tư nhân.
Ông Thành nói: “Khu vực kinh tế tư nhân không chỉ được coi là một động lực quan trọng, mà cần khẳng định là động lực cơ bản, là trụ cột chính nhằm tạo ra được những bứt phá trong phát triển kinh tế phù hợp với xu thế của nền kinh tế thị trường hiện đại trong bối cảnh đẩy nhanh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng”.
Bên cạnh đó, cần thay đổi chính sách ưu đãi cho khu vực FDI. Cụ thể, giảm dần việc áp dụng hình thức ưu đãi về thời gian miễn thuế, giảm thuế một cách tràn lan, “xé rào” ở các địa phương; rà soát lại toàn bộ các quy định pháp lý về ưu đãi thuế đối với các dòng vốn FDI kém chất lượng.