“Cha đẻ” của đồ án quy hoạch Linh Đàm: Tôi thấy rất buồn!
Tại toạ đàm “Đô thị mới - hình thức đô thị hóa chủ yếu” vừa được tổ chức, ông Đỗ Viết Chiến - Tổng Thư ký Hiệp Hội Bất động sản Việt Nam, người có thể được coi là “cha đẻ” của đồ án quy hoạch Linh Đàm cho biết, bài toán đô thị như hiện nay cần có sự tham vấn của các nhà đầu tư, nhà chức trách, doanh nghiệp.
“Linh Đàm có thể coi như tác phẩm đầu tay khi tôi về Hà Nội đầu thập niên 1990. Thời đó, nó có tên Khu Dịch vụ tổng hợp và nhà ở hồ Linh Đàm. Hơn 100 hecta thì có đến 74 hecta dành cho quy hoạch mặt nước, hồ Linh Đàm là hồ móng ngựa”, ông Chiến nói.
Theo ông Chiến, chính dự án hồ Linh Đàm năm 1994 sau đó đã được giải thưởng kiến trúc quốc gia và giải thưởng Thăng Long của Hà Nội, khi đó là đứa con tinh thần, gửi gắm rất nhiều tâm tư vào tác phẩm này.
“Linh Đàm là một trong hai khu đô thị kiểu mẫu được Bộ Xây dựng công nhận, sau này Linh Đàm không được quy hoạch đến nơi đến chốn, cho đến giờ nhiều người muốn thu hồi danh hiệu đó lại, tôi thấy rất buồn”, ông chiến chia sẻ.
Ngoài ra, ông Chiến cũng nhấn mạnh, một tác phẩm kiến trúc dù dưới dạng nhỏ nhất là một công trình cũng nên ở dạng để đời, mà chỉ sau vài chục năm đã không còn nhìn ra hình hài, đó chính là một trong những thực trạng đau buồn.
“Lỗi không phải do các nhà quy hoạch. Linh Đàm chỉ là một ví dụ mà còn rất nhiều khu đô thị khác rơi vào tình trạng này, lỗi do khâu quản lý cuối cùng. Định hướng quy hoạch ban đầu một kiểu nhưng sau đó sau các lần điều chỉnh lại méo mó hết”, ông chiến nói.
Cũng theo Nguyên Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, hiện nay, các đô thị lớn của cả nước đều rơi vào tình trạng tương tự. Trong hệ thống hơn 800 đô thị lớn nhỏ, với các đô thị lớn từ loại III trở lên, vấn đề của Linh Đàm phổ biến trên đô thị khắp nước. Nếu mình tìm được nguyên nhân như vậy rồi thì chữa trị cũng phải bắt nguồn từ nguyên nhân này.
Với Linh Đàm ban đầu là khu dịch vụ tổng hợp và nhà ở, khi đó phải trích ra một khu đất ở Đại Từ, phía đuôi vành đai 3 để dành cho giãn dân, cái chính là khu dịch vụ tổng hợp. Mục tiêu tạo ra khu vui chơi giải trí của toàn bộ khu vực phía Nam.
“Lúc đó chúng tôi không hề muốn đưa nhà ở vào như bây giờ. Sau này không biết còn khu nào như thế này đâu. Đến bây giờ, chỉ riêng 1 miếng đất con con mà có đến 12 tháp, điều này gây phá vỡ hết quy hoạch”, ông Chiến nói.
Trước năm 2006, Linh Đàm có thể coi là ví dụ nổi bật. Năm 1994 được phê duyệt giao đất, sau đó 2 năm là xây dựng, tháp 9 tầng đầu tiên của Hà Nội có thang máy gây ấn tượng với mọi người.
Chia sẻ thêm tại Toạ đàm này, ông Chiến cũng cho biết, trong suốt quá trình phát triển, nhìn lại mới thấy nhiều bất cập. Bên cạnh những khu đô thị mới hiện đại, vẫn xuất hiện những khu dân cư, những khu làng xã.
Bên cạnh đó, thực trạng phát triển các khu đô thị không đi kèm với phát triển hạ tầng dẫn đến các nhà đầu tư khi xây dựng chỉ chú trọng đến hạ tầng các khu đô thị mà nhà đầu tư làm, trong khi hạ tầng xung quanh chưa phát triển kịp.
Sau năm 2006, Nghị định 02 của Chính phủ về khu đô thị mới được ban hành. Đô thị mới khác hẳn với đô thị. Hành chính là thị xã, thị trấn, về góc độ đô thị thì nó là đô thị đặc biệt. Hà Nội với thành phố Hồ Chí Minh coi là đô thị đặc biệt. 19 đô thị loại 1 và khoảng 24 đô thị loại 2. Tổng số đô thị từ loại I đến hết loại IV chỉ khoảng 30%, còn lại là đô thị các loại còn lại.
Ngày hôm qua vẫn con trâu, cái cày, lập tức thành đô thị. Đó không phải do các nhà quy hoạch mà do khâu tổ chức thực hiện có vấn đề. Khi Chính phủ ban hành Nghị định 02, nhiều thay đổi cần phải được làm rõ. Nhiều người nói khu nhà ở với khu đô thị nhưng lại không phân biệt được giữa hai loại hình này. Khu đô thị mới chỉ từ năm 2006 Chính phủ mới ban hành. Như vậy, đô thị với khu đô thị là hai loại hình khác hẳn nhau.
Khu đô thị hiện nay không quy định về quy mô bao nhiêu, vì thế rất tùy tiện. 5,7 hecta, hay 20 hecta hay vài trăm hecta, diện tích bao nhiêu là đủ? Trong khi đó theo quy định cần phải đảm bảo đủ hạ tầng xã hội, hạ tầng sinh hoạt.