Chính phủ họp "nóng" về tín dụng, lộ diện lĩnh vực được "rót" nhiều tiền nhất

30/11/2023 18:54 GMT+7
Chiều ngày 30/11/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã chủ trì cuộc họp về điều hành tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm.

Còn khoảng 735 nghìn tỷ đồng để cấp tín dụng cho nền kinh tế

Báo cáo tại cuộc họp, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đến ngày 23/11/2023 dư nợ toàn hệ thống tăng 8,38% so với cuối tháng 12/2022, đạt 56% mức NHNN đã giao cho các tổ chức tín dụng (TCTD).

Chính phủ họp "nóng" về tín dụng, lộ diện lĩnh vực được "rót" nhiều tiền - Ảnh 1.

Đến ngày 23/11/2023 dư nợ toàn hệ thống tăng 8,38% so với cuối tháng 12/2022. (Ảnh: SBV)

Theo đó, dư địa còn lại của toàn hệ thống để các TCTD mở rộng tăng trưởng tín dụng là rất lớn, còn khoảng gần 6,2%, tương đương với các TCTD còn khoảng 735 nghìn tỷ đồng để cấp tín dụng cho nền kinh tế. Với thanh khoản hệ thống TCTD dư thừa và còn rất nhiều dư địa tăng trưởng tín dụng, TCTD có điều kiện thuận lợi để cung ứng vốn cho vay đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng thời gian qua chưa cao chủ yếu do nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, quá trình phục hồi còn chậm nên cầu tín dụng giảm và sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế còn yếu.

Cụ thể: Thứ nhất, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn chung (xuất khẩu, nhập khẩu giảm mạnh), cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh giảm, dẫn tới cầu tín dụng giảm tương ứng; Hai là, một số nhóm khách hàng có nhu cầu tín dụng nhưng chưa đáp ứng được điều kiện vay vốn/hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý (như việc tiếp cận tín dụng của nhóm SMEs còn hạn chế do quy mô vốn nhỏ, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính, quản trị điều hành hạn chế; thiếu phương án kinh doanh khả thi...); Ba là, sau thời gian dài nền kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro của khách hàng bị đánh giá cao hơn, nhất là khi hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả trong bối cảnh hiện nay (chi phí đầu vào, nguyên vật liệu nhập khẩu ở mức cao, trong khi thị trường đầu ra, đơn hàng, doanh thu giảm...).

Tiền đang được rót nhiều vào ngành, lĩnh vực nào?

Báo cáo của NHNN cũng nêu rõ, tín dụng đối với lĩnh vực nông thôn đạt trên 3,1 triệu tỷ đồng, chiếm 24,52% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tăng 6,33% so với cuối năm 2022. Trong khi đó, tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt trên 2,34 triệu tỷ đồng, chiếm 18,34%, tăng 7,46% so với cuối năm 2022.

Tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu đạt khoảng 322 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,53%, tăng 11,61% so với cuối năm 2022. Tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đạt trên 350 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,75%, tăng 18,54% so với cuối năm 2022. Tín dụng đối với lĩnh vực doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao khoảng 45,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,36%, tăng 17,99% so với cuối năm 2022.

Chính phủ họp "nóng" về tín dụng, lộ diện lĩnh vực được "rót" nhiều tiền - Ảnh 2.

Tín dụng đối với lĩnh vực nông thôn đạt trên 3,1 triệu tỷ đồng, chiếm 24,52% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Với các lĩnh vực rủi ro, tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông là 92,3 nghìn tỷ đồng, tăng 0,16% so với cuối năm 2022, chiếm 0,72% tổng dư nợ cấp tín dụng đối với nền kinh tế.

Tín dụng để đầu tư, kinh doanh chứng khoán là trên 81 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 0,64% tổng dư nợ nền kinh tế, tăng gần 93% so với cuối năm 2022.

Tín dụng lĩnh vực bất động sản đạt trên 2,7 triệu tỷ đồng, tăng 6,04% so với cuối năm 2022, chiếm 21,46% tổng dư nợ nền kinh tế. Cho vay phục vụ nhu cầu đời sống đạt trên 2,7 triệu tỷ đồng, tăng 1,53% so với cuối năm 2022, chiếm 21,2% dư nợ nền kinh tế.

Tín dụng theo loại hình kinh tế: Dư nợ tín dụng doanh nghiệp nhà nước đạt 417.635 tỷ đồng, giảm 1,04% so với cuối năm 2022, chiếm tỷ trọng 3,27% tổng dư nợ nền kinh tế; Dư nợ tín dụng doanh nghiệp tư nhân đạt 5.632.736 tỷ đồng, tăng 9,96%, chiếm tỷ trọng 44,16%; Dư nợ tín dụng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 472.189 tỷ đồng, tăng 11,65%, chiếm tỷ trọng 3,7%; Dư nợ tín dụng đối với Hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã đạt 5.354 tỷ đồng, giảm 15,23%, chiếm tỷ trọng 0,04%; Dư nợ tín dụng đối với Hộ kinh doanh, cá nhân đạt 6.069.851 tỷ đồng, tăng 3,86%, chiếm tỷ trọng 47,59%; Dư nợ khác đạt 156.903 tỷ đồng, tăng 47,51% và chiếm tỷ trọng 1,23% tổng dư nợ nền kinh tế.

Tín dụng chính sách tại NHCSXH: Đến tháng 10/2023, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại NHCSXH đạt 310.524 tỷ đồng, tăng 9,59% so với tháng 12/2022 với hơn 6,6 triệu khách hàng còn dư nợ. Dư nợ tập trung ở một số chương trình: cho vay hộ nghèo đạt 33.314 tỷ đồng; cho vay hộ cận nghèo đạt 41.407 tỷ đồng; cho vay hộ mới thoát nghèo đạt 44.301 tỷ đồng; cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn đạt 24.251 tỷ đồng; cho vay nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn đạt 53.244 tỷ đồng.


Huyền Anh
Cùng chuyên mục