Cho phép DN trong nước cùng Huawei phát triển tiêu chuẩn 5G là cách Mỹ duy trì vị thế tiên phong công nghệ

16/06/2020 15:45 GMT+7
Hôm 15/6, Bộ Thương mại Mỹ tuyên bố cho phép các công ty Mỹ hợp tác với Huawei để thiết lập các tiêu chuẩn mạng 5G thế hệ mới dù cho Washington vẫn được cho là đang nỗ lực “đàn áp” các doanh nghiệp Trung Quốc.
Cho phép DN cùng Huawei phát triển tiêu chuẩn 5G là cách Mỹ giữ vai trò tiên phong công nghệ - Ảnh 1.

Huawei hiện được đánh giá là nhà tiên phong trong phát triểu tiêu chuẩn mạng 5G thế hệ mới

Kể từ khi Huawei bị Bộ Thương mại Mỹ đưa vào danh sách đen, các doanh nghiệp Mỹ buộc phải được cấp phép đặc biệt nếu muốn giao dịch kinh doanh với công ty Trung Quốc này. Nhưng tuyên bố hôm 15/6 của Mỹ đã cho phép các doanh nghiệp công nghệ nước này làm ăn với Huawei mà không cần bất cứ giấy phép nào khác nếu việc hợp tác nhằm mục đích phát triển các tiêu chuẩn mạng 5G thế hệ mới.

Sự sửa đổi thông báo được Bộ Thương mại Mỹ giải thích là để đảm bảo việc đưa Huawei vào danh sách đen “không làm ảnh hưởng tới việc các công ty Mỹ đóng góp vào hoạt động phát triển các tiêu chuẩn mạng 5G quan trọng dù cho Huawei tham gia vào các tổ chức phát triển như vậy”.

Trong nhiều tháng qua, Huawei đã nổi lên như nhà tiên phong trong việc thiết lập các tiêu chuẩn công nghệ 5G trên toàn cầu. Một nghiên cứu của công ty thống kê bằng sáng chế Đức IPlytics cho thấy Huawei đứng đầu thế giới về sự đóng góp cho phát triển mạng 5G, với 3.147 bằng sáng chế liên quan tính đến tháng 1/2020. Tiếp sau Huawei là những cái tên như Samsung, ZTE và LG Electronics.

Một nghiên cứu tương tự được thực hiện bởi công ty tư vấn Strategy Analytics có trụ sở tại Boston, trong đó phân tích hơn 600 công ty thành viên tổ chức phát triển tiêu chuẩn viễn thông quốc tế 3GPP nhận thấy Huawei dẫn đầu trong các đóng góp cho mạng 5G tiêu chuẩn thế hệ mới. "Theo đánh giá của chúng tôi, các nhà cung cấp cơ sở hạ tầng hàng đầu - Huawei, Ericsson và Nokia - đã đóng góp đáng kể cho tiêu chuẩn 5G so với các công ty được nghiên cứu khác", trích lời Sue Rudd, giám đốc của Strategy Analytics cho biết.

Việc Bộ Thương mại Mỹ đưa Huawei vào danh sách đen hạn chế thương mại hồi tháng 5/2019 đã làm giảm mạnh sự hợp tác công nghệ giữa gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc và các doanh nghiệp Mỹ. Một số chuyên gia cảnh báo điều này có thể cản trở khả năng xây dựng, thiết lập các tiêu chuẩn mạng 5G thế hệ mới của chính nước Mỹ.

Naomi Wilson, giám đốc chính sách cao cấp Châu Á tại Hội đồng Công nghiệp và Công nghệ Thông tin, một tổ chức thương mại đại diện cho các công ty công nghệ cho biết: “Danh sách đen hồi tháng 5/2019 đã vô tình loại các công ty Mỹ như Apple, Qualcomm và Intel khỏi một số cuộc đối thoại về các tiêu chuẩn kỹ thuật”. Sửa đổi mới nhất của Bộ Thương mại Mỹ về lệnh cấm với Huawei hôm 15/6 chính là nhằm giải quyết những bất lợi đó.

Trong một thông báo cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Wilbur Ross nhấn mạnh: “Mỹ sẽ không nhường lại vai trò lãnh đạo cuộc cách mạng đổi mới toàn cầu trong lĩnh vực công nghệ. Hành động mới đây nhấn mạnh tầm quan trọng của cách tiếp cận khéo léo của Mỹ để bảo vệ an ninh kinh tế cũng như an ninh quốc gia”.

“Bộ Thương mại cam kết bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia và các chính sách đối ngoại của Mỹ bằng cách khuyến khích các ngành công nghiệp Mỹ tham gia và phát triển công nghệ Mỹ trở thành tiêu chuẩn quốc tế”.

Thông báo của Bộ Thương mại được đưa ra cùng ngày với một diễn biến khác trong vụ kiện liên quan đến CFO Huawei Mạnh Vãn Châu, người đang đấu tranh với nguy cơ bị dẫn độ từ Canada sang Mỹ vì cáo buộc gian lận tài chính. Mạnh Vãn Châu cáo buộc trường hợp dẫn độ là hành động ‘liều lĩnh và cố ý”, vi phạm nghiêm trọng nhân quyền của cô này.

Mạnh Vãn Châu là con gái Nhậm Chính Phi, CEO Huawei. Cô bị bắt tại Vancouver tháng 12/2018 theo yêu cầu của Mỹ với cáo buộc gian lận tài chính, lừa dối qua mặt các ngân hàng về hoạt động kinh doanh tại Iran.


Thùy Dung
Cùng chuyên mục