Các nhà đầu tư nên sẵn sàng vì thị trường sẽ tăng chứ không giảm

12/04/2019 08:44 GMT+7
Nhiều tín hiệu tốt cho thị trường tài chính. Các nhà đầu tư nên sẵn sáng để đón đợt tăng trưởng mới của thị trường trong những tháng tới.

Bài viết của ông Michael Stroback, Giám đốc Thông tin toàn cầu của Credit Suisse đăng trên CNBC

Dự đoán một cuộc suy thoái sắp xảy ra là việc cực kỳ khó khăn, không chỉ khó với các nhà đầu tư mà cả với các chuyên gia tài chính cũng vậy.

Đường cong lợi suất úp ngược thường là dấu hiệu của suy thoái kinh tế. Kể từ cuối những năm 1960, đường cong lợi suất úp ngược kéo dài đã xuất hiện khoảng chín lần và lần nào cũng kéo theo sau nó một đợt tăng trưởng chậm.

Do đó, khi lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống mức thấp hơn tín phiếu Kho bạc kỳ hạn ba tháng vào cuối tháng 3 năm nay, nhiều cuộc tranh luận đã nổ ra về việc liệu có xuất hiện một đợt suy thoái kinh tế hay không. Theo Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York, xác suất xảy ra suy thoái kinh tế Mỹ trong 12 tháng tới là 25%.

Quan điểm khác

Chúng tôi mong rằng lần này sẽ khác. Triển vọng của nền kinh tế toàn cầu và thị trường tài chính có thể không ảm đạm như dấu hiệu thể hiện trên đường cong lợi suất.

Chúng tôi ước tính khả năng suy thoái ở Mỹ trong 12 tháng tới ở mức dưới 10%, trong hai năm là dưới 20% và trong ba năm chỉ hơn 30%. Trái ngược với các mô hình thường được sử dụng như của Cục Dự trữ Liên bang New York, mô hình của chúng tôi không bao gồm dữ liệu thị trường mà tập trung vào dữ liệu vĩ mô về cấu trúc chẳng hạn như cán cân tiêu dùng - thu nhập và chính sách lãi suất thấp của ngân hàng trung ương.

Đường cong lợi suất là một chỉ số quan trọng cần xem xét dù nó không xác định chính xác thời điểm suy thoái. Chẳng hạn, đường cong lợi suất giữa tháng 7/2000 và tháng 1/2001 đã kéo theo một cuộc suy thoái ở Mỹ vào giữa tháng 3 và tháng 11/ 2001. Đường cong lợi suất đã úp ngược một lần nữa vào tháng 7/ 2006 đến tháng 5/2007 trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào mùa thu năm 2008 xảy ra.

Do hoàn cảnh mỗi lần xảy ra suy thoái là khác nhau, sẽ là không ngoan nếu ta nhìn vào bức tranh lớn hơn. Đầu tiên, một số điều kiện đã thay đổi trong thập kỷ qua: Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, các ngân hàng trung ương lớn đã áp dụng nhiều biện pháp nới lỏng định lượng (đây là một dạng chính sách tiền tệ đặc biệt trong đó ngân hàng trung ương mua vào trái phiếu chính phủ hoặc các loại trái phiếu khác trên thị trường nhằm hạ lãi suất và tăng nguồn cung tiền), giúp thúc đẩy thị trường trái phiếu và lợi nhuận lên mức độ khiến đường cong lợi suất có nhiều khả năng xuất hiện hơn so với các giai đoạn trước đây. Điều này khiến cho việc đường cong lợi suất dạng úp ngược chưa hẳn đã là dấu hiệu suy thoái kinh tế.

Ngoài ra, các yếu tố kinh tế vĩ mô khác cũng có thể báo hiệu suy thoái. Do đó, cần phải xem xét các yếu tố như thị trường lao động, nợ doanh nghiệp và nợ tiêu dùng, chính sách tài khóa của các ngân hàng trung ương lớn và tình trạng của nền kinh tế Trung Quốc. Tất cả các yếu tố này đều không báo hiệu xu hướng suy thoái.

Bức tranh đang thay đổi

Vì vậy, nền kinh tế toàn cầu đang đi về đâu? Đây là giai đoạn cuối của một chu kỳ kinh tế kéo dài, và tăng trưởng toàn cầu sẽ quay lại vào nửa cuối năm 2019, mang tới những cơ hội giai đoạn cuối chu kỳ cho các nhà đầu tư.

Tin tốt cho các nhà đầu tư là chúng ta đã thấy trên thị trường tài chính có xu hướng tăng rõ ràng trong quý đầu tiên và sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới. Quan điểm này dựa trên thực tế là các điều kiện cơ bản thay đổi trong những tháng gần đây đã giúp bức tranh tổng thể có sự chuyển biến.

Sự thay đổi đáng chú ý nhất là trong chính sách tiền tệ của Mỹ. Trong khi thị trường lao động Mỹ vẫn đang tốt, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đánh tiếng rằng họ sẽ không tăng thêm lãi suất trong năm nay, trong khi Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng trì hoãn việc tăng lãi suất. Chính sách mới của FED về duy trì mức lãi suất được đưa ra sau một cuộc hỗn loạn thị trường tài chính quý IV/2018 do một số nguyên nhân - sản xuất công nghiệp toàn cầu sụt giảm, Brexit, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, chính sách hiếu chiến của FED khiến các nhà đầu tư e ngại.

Đồng thời, kinh tế Trung Quốc dường như đang có chuyển biến. Chỉ số PMI (đo lường sức khỏe ngành sản xuất và dịch vụ) gần đây của Trung Quốc đã tăng trên 50, lần đầu tiên đạt mức mở rộng sau bốn tháng, với nhiều đơn đặt hàng mới và khối lượng mua cũng tăng lên. Những tiến triển này cho thấy các biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ của chính phủ Trung Quốc đang có hiệu quả. Bất kỳ giải pháp nào trong tranh chấp thương mại Mỹ - Trung cũng sẽ giúp ích thêm. Khi nền kinh tế Trung khởi sắc, các nền kinh tế khác cũng sẽ được cải thiện, bao gồm cả khu vực đồng tiền chung châu Âu vốn có định hướng xuất khẩu.

Tương lai sáng sủa

Sự kết hợp các yếu tố này là tín hiệu tốt cho thị trường tài chính, đặc biệt là đối với những tài sản có mức rủi ro cao. Chứng khoán, bất động sản và hàng hóa đều sinh lời. Những nhà đầu tư đã bỏ lỡ đợt tăng trưởng quý I nên chớp lấy cơ hội khi thị trường tăng lên trong thời gian tới. Bất kỳ thay đổi nhỏ nào của các cổ phiếu trong những tháng tới cũng có thể là cơ hội để các nhà đầu tư quay trở lại thị trường.

Tình hình hiện nay tương tự như mùa thu năm 2018, trước cuộc điều chỉnh quý IV, khi đó thị trường chứng khoán Mỹ đã đạt mức cao nhất mọi thời đại. Các chu kỳ kinh tế không kéo dài mãi mãi, vì vậy các nhà đầu tư sẽ thu lợi nếu chuẩn bị sẵn sàng cho xu hướng tăng trưởng của thị trường tới đây.

Quỳnh Diệp
Cùng chuyên mục