Phố Wall đỏ lửa, chấm dứt chuỗi tăng 3 ngày liên tiếp

21/08/2019 08:01 GMT+7
Chứng khoán Mỹ đã có phiên giảm trong ngày 20.8. chấm dứt chuỗi tăng 3 ngày sau khi thị trường thổi bùng lên quan ngại kinh tế suy yếu.

Dow Jones giảm 173,35 điểm, tương đương 0,7% xuống 25.962,44 điểm tại phiên đóng cửa. Chỉ số S & P 500 lùi 0,8%, kết thúc phiên giao dịch ở 2.900,51 điểm. Chỉ số tổng hợp NASDAQ giảm 0,7% xuống còn 7.948,56 điểm. Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ giảm trong phiên giao dịch là nguyên nhân khiến cả ba chỉ số chính chấm dứt chuỗi tăng 3 ngày liên tiếp.

Brian Nick, chiến lược gia đầu tư tại Nuveen nhận định: “Điều chắc chắn duy nhất khi bạn dấn thân vào một thị trường tăng giảm như "tàu lượn siêu tốc", là bạn sẽ trở lại điểm xuất phát của nó. Giờ đây, thị trường đã trở lại điểm xuất phát của một năm trước. Chúng ta đã tiến xa vì triển vọng kinh tế đi lên, nhưng những diễn biến bất ổn của chiến tranh thương mại và sự suy yếu kinh tế toàn cầu đang tác động tiêu cực đến triển vọng đó”.

Nhóm cổ phiếu chip vốn nhạy cảm với diễn biến thương mại đã có phiên giảm mạnh. Cổ phiếu Micron Technology giảm 1,7% trong khi cổ phiếu Advanced Micro Devices giảm 2,4%.

Lợi tức trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm giảm 0,05% xuống 1,54% cũng kéo theo sự suy yếu của nhóm cổ phiếu ngân hàng như Citigroup, Bank of America và J.P. Morgan Chase.

Các quan chức Nhà Trắng giờ đây đang tranh cãi liệu kinh tế Mỹ có sớm bước vào suy thoái hay không. Sự lo lắng dấy lên khi cả hai tờ báo Washington Post và New York Times đều tiết lộ chính quyền Trump đang thảo luận vấn đề cắt giảm thuế thu nhập để kích thích tăng trưởng kinh tế, dù cho chỉ mới hôm 18.8, ông Trump khẳng định Mỹ không có nguy cơ đối mặt với suy thoái.

Xung đột thương mại Mỹ Trung đang có xu hướng kéo dài khi mà Bộ Thương mại Mỹ đồng ý hoãn lệnh cấm vận cho Huawei thêm 90 ngày nhưng đồng thời lại đưa 46 chi nhánh của nó vào danh sách đen hôm 19.8. Thị trường còn đang dấy lên quan ngại rằng các chính sách kích thích kinh tế từ Ngân hàng Trung Ương rồi sẽ trở nên vô ích trong việc đưa nền kinh tế toàn cầu thoát khỏi suy thoái, bởi nguyên nhân kinh tế suy yếu rõ ràng không phải do các chính sách của Ngân hàng Trung Ương. Hơn nữa, bất kỳ chính sách nào cũng có một độ trễ nhất định, thường mất khoảng 1 năm trước khi nó tác động rõ ràng đến nền kinh tế. Đó cũng là nguyên nhân ông Trump thường xuyên lên án FED hành động chậm chạp và chẳng giúp ích gì cho tăng trưởng.

Thị trường giờ đây cũng đổ dồn sự chú ý vào phiên làm việc của Chủ tịch FED Jerome Powell tại bang Utah tuần này, nơi ông Powell có thể sẽ tiết lộ đôi chút về hướng hành động của Ngân hàng Trung Ương trong bối cảnh đường cong lợi suất nghịch đảo và thương chiến leo thang. Hồi cuối tháng 7, FED đã lần đầu tiên sau 11 năm tiến hành cắt giảm lãi suất 0,25% sau khi lạm phát nằm dưới ngưỡng mục tiêu và triển vọng kinh tế toàn cầu đối diện nhiều rủi ro.

Thùy Dung
Tags:
Cùng chuyên mục