Các chuyên gia nói gì khi siết tín dụng bất động sản?

13/05/2019 07:04 GMT+7
Siết tín dụng bất động sản là câu chuyện nóng trong lĩnh vực nhà đất trong thời gian gần đây. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc siết tín dụng có thể khiến GDP giảm, nhiều doanh nghiệp có thể gặp trở ngại,…

Ngân hàng Nhà nước công bố dự thảo lấy ý kiến với Thông tư quy định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Khác với Thông tư 36 trước đó, hệ số rủi ro với các khoản vay bất động sản có thể sẽ bị thay đổi.

Theo dự thảo Thông tư 36/2014/TT-NHNN của  Ngân hàng Nhà nước quy định các khoản phải đòi của ngân hàng thương mại đối với khách hàng vay mua nhà, đất, căn hộ cao cấp từ 3 tỷ đồng trờ lên sẽ áp dụng hệ số rủi ro lên tới 150%. Ngoài ra, dự thảo còn đưa ra 2 phương án điều chỉnh vốn cho vay trung, dài hạn theo xu hướng giảm dần tỷ lệ này xuống còn 30% thay vì hiện nay là 40%.

Điều này khiến nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp bất động sản lo lắng vì có thể thị trường bất động sản sẽ bị ảnh hưởng và dẫn tới tình trạng “chết yểu”. Các chuyên gia cũng đã đưa ra nhiều nhận định và khuyến nghị đối với các đơn vị có liên quan đến lĩnh vực này.

Lo lắng GDP giảm

Theo như nhận định của ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn GP Invest, thị trường bất động sản năm 2019 có thể sẽ gặp rất nhiều khó khăn và thách bởi nhiều lý do.

Ông Hiệp cho rằng việc siết tín dụng có thể khiến GDP giảm.

Hiện nay, yêu cầu rà soát dự án của Kiểm toán Nhà nước hoặc các cơ quan thanh tra sẽ làm ảnh hưởng đến tiến độ của một số dự án ở thành phố lớn. Khi thị trường bị ngưng trệ cũng sẽ đồng nghĩa rằng các ngành liên quan như vật liệu xây dựng, xi măng, sắt, thép, nội thất, điện lạnh,… bị ảnh hưởng không hề nhỏ và tác động mạnh đến tăng trưởng GDP.

Ngoài ra, ông Hiệp cũng chỉ ra việc siết tín dụng có thể tiềm ẩn nguy cơ giảm nguồn cung, tăng giá đất và thị trường có thể gặp khó khăn. Việc sử dụng các công cụ như thế nào cần có sự điều tiết và phối hợp giữa các bộ, ngành, để tạo ra một thị trường bất động sản ổn định, tránh hiện tượng “sốt nóng”, “cảm lạnh”,…

“Bất động sản là lĩnh vực quan trọng, đóng góp lớn cho GDP. Tuy nhiên, chúng ta cầm một con dao sắc nhưng nếu không cẩn thận thì dễ đứt tay. Nếu chính sách vận dụng tốt thì lĩnh vực này sẽ thúc đẩy GDP nhưng không khéo thì sẽ dẫn đến thị trường phát triển quá nóng. Ngược lại, nếu để lạnh quá lại khiến GDP tụt, không đạt được tốc đọ tăng trưởng”, ông Hiệp khuyến cáo.

Kiểm soát tín dụng bất động sản là cần thiết

Phản hồi về dự thảo của Ngân hàng Nhà nước, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia cho rằng, việc tăng hệ số rủi ro gắn với giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng bất động sản còn khoảng 14-15% là một biện pháp mang tính cẩn trọng dài hạn của NHNN. Điều này sẽ buộc các ngân hàng thương mại phải tái cơ cấu lại các hạng mục tín dụng và đặc biệt cẩn trọng với cho vay bất động sản.

TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng kiểm soát tín dụng là cần thiết.

Thị trường bất động sản hiện đang có quy mô lớn hơn rất nhiều lần so với cách đây 10 năm, đây được đánh giá là thị trường khổng lồ nhất hiện nay. Tuy thị trường này chưa có dấu hiệu “bong bóng” nhưng cũng là thị trường đang sử dụng vốn kém hiệu quả, tiềm ẩn rủi ro nhất định. Chính bởi vậy, việc kiểm soát tín dụng bất động sản là cần thiết.

Tuy vậy, việc kiểm soát có thể dẫn tới việc hạn chế sử dụng vốn ngắn hạn, dài hạn, khiến doanh nghiệp bất động sản gặp trở ngại. Đặc biệt là những dự án còn dang dở, chưa hoàn tất tác công đoạn đầu tư, dùng tiền của dự án này đầu tư dự án khác,…

“ Điều này có thể khiến nguồn cung của thị trường bất động sản giảm. Nhưng theo tôi, giảm như thế sẽ đem lại hiệu quả tích cực hơn. Về lâu về dài, các ngân hàng thương mại, nhà đầu tư phải làm quen với một thực tế là tốc độ tưởng trưởng tín dụng sẽ ở mức thấp hơn những năm gần đây. Dần dần thị trường cũng sẽ thích ứng với xu hướng đó.”, ông Nghĩa nói.

Chuyên gia này còn lưu ý, việc kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản cần có sự lựa chọn, tăng cường nguồn vốn các dự án hoàn thành và phát huy hiệu quả, trì hoãn đối với các dự án đắp chiếu kéo dài. Tuy vậy, cần có cách ứng xử khôn khéo bởi đây là thị trường có thể khiến kinh tế ngả nghiêng.

Phương Thảo
Cùng chuyên mục