Thị trường nên chuẩn bị cho một "cú sốc lớn" từ FED?

15/07/2019 13:43 GMT+7
Dường như áp lực chính trị đang buộc các Ngân hàng Trung Ương phải hành động, đặc biệt là những luận điệu tấn công, chỉ trích mà Tổng thống Donald Trump hướng đến FED và ông Jerome Powell.

Hiệu quả của chính sách tiền tệ có đủ?

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell và Chủ tịch Ngân hàng Trung Ương Châu Âu mới đây đã phát những tín hiệu cho thấy một đợt cắt giảm lãi suất đã sẵn sàng trong tháng tới và nửa cuối năm nay, với tổng mức cắt giảm được kỳ vọng lên tới 0,7%. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá hành động của họ là không thiết thực và thiếu tiềm năng.

Tăng trưởng chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ trong thời gian gần đây có thể sẽ khiến FED phải suy nghĩ lại về mức độ cắt giảm lãi suất, bên cạnh những diễn biến lắng lại của chiến tranh thương mại hay báo cáo việc làm. Rất nhiều quan điểm chỉ ra rằng FED đáng lẽ nên giữ lãi suất ổn định thay vì khiến thị trường kỳ vọng nhiều hơn ở cắt giảm.

Dường như áp lực chính trị đang buộc các Ngân hàng Trung Ương phải hành động, đặc biệt là những luận điệu tấn công, chỉ trích mà Tổng thống Donald Trump hướng đến FED và ông Jerome Powell. Cùng với đó, áp lực thị trường khi đặt kỳ vọng 100% cơ hội cắt giảm lãi suất trong tháng 7 cũng tạo động lực cho FED nới lỏng chính sách tiền tệ. 

Jerome Powell và FED đang bị nghi ngờ chịu ảnh hưởng của áp lực chính trị trong quyết định cắt giảm lãi suất

Tuy nhiên, ngay cả khi cắt giảm lãi suất được thực hiện ngay trong tháng 7 này, có nhiều lý do để giới chuyên gia tin rằng ảnh hưởng của nó sẽ không được như kỳ vọng. Ethan Harris, chuyên viên nghiên cứu kinh tế toàn cầu tại BoA cho hay động lực của nới lỏng chính sách tiền tệ là đưa nền kinh tế thoát khỏi sự giảm tốc trong tăng trưởng. Tuy nhiên, ngân hàng Trung Ương rõ ràng đang phải đối mặt với những thách thức liên quan đến hiệu quả của chính sách tiền tệ.

Sẽ cần có thời gian để việc cắt giảm lãi suất phát huy tác động trong nền kinh tế, và nhiều khả năng nó không đủ để bù đắp những cú sốc cung - cầu trên thị trường một khi chiến tranh thương mại Mỹ Trung tiếp tục leo thang hoặc kéo dài. Báo cáo việc làm tăng trưởng trong tháng 6, tỷ lệ thất nghiệp tiệm cận mức thấp trong nhiều thập kỷ nhưng tiền lương không tăng, khiến người ta quan ngại mối liên kết không vững chắc giữa tăng trưởng việc làm và tăng trưởng chỉ số giá tiêu dùng thông qua tiền lương có thể bị phá vỡ. Và có lý do để tin rằng lạm phát sẽ tăng trở lại bất chấp ngân hàng Trung ương có làm gì.

Nhà kinh tế học Thụy Sĩ Jerome Jean Haegeli cho hay: “Theo tôi, có 3 yếu tố làm giảm hiệu quả của chính sách tiền tệ: nợ công, cơ cấu dân số nhân khẩu học và tiến bộ số hóa. Ở nền kinh tế Mỹ, người ta đang thấy tất cả các vấn đề.”

Nợ công của Mỹ đã lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ qua 243 nghìn tỷ USD. Như vậy, việc nới lỏng chính sách tiền tệ, tạo điều kiện cho lãi suất rẻ hơn chỉ làm tăng các khoản vay mới để chi tiêu mà không làm giảm bớt những khoản nợ công khổng lồ.

Cơ cấu dân số già cũng tạo ra mức chi tiêu thấp hơn trong nền kinh tế, qua đó kìm hãm lạm phát dưới mức mục tiêu 2% mà FED hướng đến.

Về mặt công nghệ, các lĩnh vực tự động hóa dần thay thế vai trò của người lao động sẽ đặt ra bài toán lớn về việc làm, tiền lương. Cùng với đó, tiền kỹ thuật số cùng công nghệ số hóa trong lĩnh vực tiền tệ cũng tạo ra những tác động không nhỏ đến người tiêu dùng.

FED liệu có đem đến một “cú sốc” trong tháng 7?

Trong khi nhiều nhà phân tích chỉ ra các chỉ số kinh tế ổn định và lành mạnh hiện nay không cần đến một đợt cắt giảm lãi suất, thì Ryan Detrick, một chiến lược gia cấp cao lại chỉ ra một sự thật là kể từ năm 1980 đến nay, FED đã 17 lần cắt giảm lãi suất khi chỉ số S&P ở mức đỉnh, nhất là trong những năm 1990 của thế kỷ trước.

Nguyên nhân thực sự khiến FED đưa ra quyết định cắt giảm lãi suất được cho là quan ngại trước rủi ro thương chiến Mỹ Trung và công cụ thuế quan của Trump

Một ví dụ, cuộc khủng hoảng năm 1998 khiến niềm tin thị trường giảm mạnh. Thị trường chứng khoán chạm đỉnh vào tháng 7.1998 trước khi giảm liên tiếp 18% đã đưa FED đến quyết định cắt giảm lãi suất 3 lần liên tiếp bất chấp báo cáo tăng trưởng việc làm mạnh mẽ và tốc độ tăng trưởng GDP lần lượt đạt tới 5,1% và 6,6% trong quý III và quý IV.

Việc cắt giảm lãi suất sau đó giúp thị trường tài chính phục hồi nhanh chóng, cổ phiếu tiếp tục tăng cao trong khoảng 2 năm tiếp theo. Và nhiều nhà đầu tư tin rằng FED sắp có hành động tương tự như vậy, do những lo ngại về xung đột thương mại với Trung Quốc và EU đang mài mòn niềm tin thị trường.

23,5% cơ hội FED cắt giảm lãi suất 0,5% được định giá trên thị trường, theo công cụ đo lường FedWatch. Ông Brent Schutte, chiến lược gia đầu tư của Northwestern Mutual Wealth Management nhận định không loại trừ khả năng FED sẽ cắt giảm lãi suất với tỷ lệ vượt quá kỳ vọng khiến thị trường phải kinh ngạc, từ đó nâng cao hiệu quả của nới lỏng chính sách tiền tệ. “Trường hợp FED cắt giảm lãi suất 0,5% liên quan đến một nghiên cứu cho hay bạn càng gần với ổn định, bạn càng nên hành động sớm và mạnh mẽ để đạt hiệu quả tối ưu”, theo ông  Frances Donald, nhà kinh tế trưởng tại Quỹ quản lý đầu tư Manulife.

Tuy nhiên, Cục dự trữ liên bang sẽ phải giải quyết tốt các luồng ý kiến trái chiều trong nội bộ khi mà nhiều quan chức FED vẫn giữ quan điểm nền kinh tế chưa cần một đợt cắt giảm lãi suất nào trong năm nay. Sự cắt giảm 0,25% có lẽ sẽ phù hợp hơn trong bối cảnh chính trị và kinh tế hiện tại.

Các dữ liệu kinh tế sắp được công bố trong tuần tới liên quan đến doanh số bán lẻ, dữ liệu lạm phát, kim ngạch xuất nhập khẩu, sản xuất công nghiệp… trong quý II và nửa đầu năm 2019 cũng sẽ cho nhà đầu tư các thông tin để phân tích và định hướng hành động tiếp theo của FED.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục