Dow Jones lần đầu tiên vượt ngưỡng 27.000 điểm

12/07/2019 07:48 GMT+7
Như vậy, việc Chủ tịch FED Jerome Powell tiếp tục củng cố niềm tin cắt giảm lãi suất trong tháng 7 đã dẫn dắt phố Wall lên một đỉnh cao mới, dù cho nhiều chuyên gia nghi ngờ thị trường chưa thực sự đòi hỏi quyết định cắt giảm lãi suất này.

Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones xác lập kỷ lục mới hôm 11.7 trên phố Wall sau khi tăng 227,88 điểm, tương đương 0,9% lên 27.088,08, lần đầu tiên trong lịch sử vượt ngưỡng 27.000 điểm. Hồi tháng 1.2018, Dow Jones xuyên mốc 26.000 và cần tới 1 năm rưỡi để cán mốc 27.000 vừa qua. 

Chỉ số S&P 500 tiến 0,2% lên 2.999.91, chỉ riêng chỉ số tổng hợp NASDAQ giảm 0,1% xuống còn 8.196,04.

Dẫn đầu mức tăng của hơn 30 mã cổ phiếu Dow Jones là cổ phiếu của UnitedHealth (tăng hơn 5%) sau khi Nhà Trắng đình chỉ đề xuất giảm giá thuốc. Cổ phiếu CVS Health và Cigna cũng lần lượt đạt mức tăng ấn tượng 4,7% và 9,2%.

Như vậy, việc Chủ tịch FED Jerome Powell tiếp tục củng cố niềm tin cắt giảm lãi suất trong tháng 7 đã dẫn dắt phố Wall lên một đỉnh cao mới, dù cho nhiều chuyên gia nghi ngờ thị trường chưa thực sự đòi hỏi quyết định cắt giảm lãi suất này. 

Dow Jones tiếp tục thắng lớn sau khi Chủ tịch FED củng cố niềm tin cắt giảm lãi suất trong ngày điều trần trước Thượng viện

Trong phiên điều trần trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện hôm 10.7, ông Powell đã trực tiếp bỏ qua dữ liệu việc làm tăng trưởng và liên tục nhấn mạnh những bất ổn trong triển vọng kinh tế Mỹ do ảnh hưởng của căng thẳng thương mại, ám chỉ rõ ràng việc cắt giảm lãi suất trong tháng 7. Powell còn củng cố lập trường đó trong phiên điều trần trước Thượng viện hôm 11.7, khi cho rằng lĩnh vực đầu tư kinh doanh của Mỹ đang giảm tốc.

Trong khi thị trường hồ hởi đặt niềm tin 100% cắt giảm lãi suất cuối tháng 7 sau phiên họp của Ủy ban thị trường mở FOMC, nhiều ý kiến lại nghi ngờ sự độc lập và khả năng chịu áp lực chính trị của FED. Nhiều người đặt câu hỏi có hay không việc FED bị dẫn dắt bởi những đe dọa của Trump khi ông Powell gần như đã khẳng định sự nới lỏng chính sách tiền tệ.

Ông Jeff Kilburg, CEO của KKM Financial nhận định: “Những dữ liệu kinh tế đang củng cố một sự thực rằng thị trường chưa cần quyết định cắt giảm lãi suất từ Powell. Chúng ta không biết chắc chắn điều gì từ diễn biến của căng thẳng thương mại, FED nên cư xử ôn hòa”.

Giá dầu đã giảm nhẹ hôm 11.7 sau lần tăng kỷ lục hôm 10.7. Nguyên nhân được cho là do OPEC dự báo nhu cầu dầu năm 2020 có xu hướng giảm tốc. Cụ thể, hợp đồng tương lai dầu Brent giảm còn 66,61 USD/thùng sau khi lên 67,65 USD/thùng hôm 10.7. Hợp đồng tương lai dầu WTI giảm 0,4% xuống 60,20 USD/thùng, sau khi lên 60,94 USD/thùng cao nhất kể từ ngày 23.5.

Hôm 11.7, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC công bố báo cáo trong đó dự đoán nhu cầu dầu mỏ OPEC năm 2020 sẽ giảm xuống 29,27 triệu thùng/ngày, tức giảm 1,34 triệu thùng/ngày so với năm nay.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục