Nếu xung đột thương mại leo thang, Trung Quốc có những “con bài tẩy” nào?

10/05/2019 06:10 GMT+7
Theo các nhà phân tích Trung Quốc, nước này vẫn còn các lựa chọn trả đũa ngay cả khi Mỹ tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc vào thứ Sáu.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đến Washington và ông cùng nhóm đàm phán của mình đang chịu áp lực rất lớn để ngăn chặn việc tăng thêm thuế đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ. Cuối tuần trước Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sẽ tăng thuế trừng phạt đối với 200 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc từ 10% lên 25% vào thứ Sáu.

Bộ Thương mại Trung Quốc ngay sau đó cho biết, “rất lấy làm tiếc” về động thái mới nhất này. Bắc Kinh sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc thực hiện các biện pháp đối phó, nếu Washington áp đặt mức thuế cao hơn. Tuy nhiên không có thông tin chi tiết những biện pháp này sẽ là gì.

Nhưng các nhà phân tích Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh có một lợi thế - đó là thị trường nội địa khổng lồ - để làm náo loạn Phố Wall và các khu vực đông cử tri ủng hộ Tổng thống Trump.

Wang Yong, giám đốc Trung tâm Kinh tế Chính trị Quốc tế tại Đại học Bắc Kinh, cho rằng việc đáp trả thuế quan có thể không phải là một lựa chọn tốt cho Trung Quốc, vì nước này đã hết hàng hóa của Mỹ để đánh thuế, và điều đó sẽ làm tổn hại nỗ lực kích cầu trong nước. Tuy nhiên vẫn có các lựa chọn khác để đối phó với sự leo thang hơn nữa trong cuộc xung đột.

“Tăng thuế quan sẽ chỉ làm tăng gánh nặng cho doanh nghiệp Trung Quốc”, ông nói. “Thay vào đó, Trung Quốc có thể hạn chế mua hàng và ngừng mở cửa thị trường cho các công ty Mỹ. Các ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất sẽ là nông nghiệp, tài chính, năng lượng và sản xuất máy móc”, Wang nói.

Các nhà sản xuất đậu tương của Mỹ cũng đã cảm thấy tác động của thuế quan.Khi cuộc chiến thương mại nổ ra vào tháng 7, Trung Quốc đã áp thuế 25% đối với mặt hàng này như là một phần trong nỗ lực làm suy yếu sự hỗ trợ của người nông dân đối với ông Trump.

Theo Reuters, số liệu hải quan Trung Quốc công bố hôm thứ Tư cho thấy Trung Quốc đã tăng nhập khẩu đậu nành trong tháng 4 lên 10,7%, đạt 7,64 triệu tấn, nhưng hầu hết là đậu Brazil và một số lô hàng của Mỹ đã bị đình lại.

Trung Quốc đã mua khoảng 14 triệu tấn đậu tương từ Mỹ kể từ khi hai bên tạm “đình chiến” vào tháng 12, nhưng 6 triệu tấn dự kiến mua thêm có thể gặp rắc rối.

Hôm thứ Ba, Hiệp hội đậu tương Hoa Kỳ đã ra một tuyên bố cho rằng kế hoạch tăng thuế của Tổng thống Trump là “kịch bản tồi tệ nhất đối” với người trồng đậu tương. Hiệp hội kêu gọi ông Trump không tăng thêm thuế và kết thúc đàm phán thương mại với Trung Quốc.

“Sau khi có rất nhiều lời đe dọa và bỏ lỡ thời hạn kết thúc các cuộc đàm phán, sự bất ổn đang diễn ra là không thể chấp nhận được đối với nông dân Mỹ”, chủ tịch Hiệp hội, ông Davie Stephens nói. “Giá đầu tương đang giảm và lượng tồn kho dự báo sẽ tăng gấp đôi trước khi vụ thu hoạch 2019 bắt đầu vào tháng 9, chúng tôi cần thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại cho đậu tương Mỹ trong vòng vài tuần, chứ không phải vài tháng hoặc lâu hơn”.

Trung Quốc đã mua khoảng 14 triệu tấn đậu tương từ Mỹ kể từ khi hai bên tạm “đình chiến”.

Ngoài ra Trung Quốc cũng có thể từ bỏ cam kết mở ngành tài chính trị giá 44 nghìn tỷ USD, kế hoạch xóa bỏ giới hạn sở hữu tại các ngân hàng địa phương, hay từ chối cho phép các tập đoàn bảo hiểm nước ngoài thành lập doanh nghiệp ở Trung Quốc.

Một chuyên gia thương mại khác của Trung Quốc, cũng cho rằng sự trả đũa sẽ là không thể tránh khỏi nếu ông Trump hành động trước. Trung Quốc có thể đáp trả bằng cách cấm xuất khẩu các linh kiện quan trọng, vật liệu trung gian và thiết bị mà các nhà sản xuất Mỹ cần trong lĩnh vực sản xuất hàng công nghệ cao.

“Khi chiến tranh thương mại leo thang, Trung Quốc có nhiều lựa chọn đáp trả”, chuyên gia này nhận xét. “Hoa Kỳ phụ thuộc vào các linh kiện được sản xuất tại Trung Quốc và sẽ không thể tìm được sản phẩm thay thế cho chúng. Điều này có nghĩa là người tiêu dùng Mỹ sẽ chịu thiệt”.

Cả hai chuyên gia này đều cho biết Trung Quốc đang nghiên cứu khả năng chống chọi của nền kinh tế đối với tác động của leo thang chiến tranh thương mại tiếp theo. Họ cũng cho rằng sự tăng trưởng quy mô của nền kinh tế Hoa Kỳ đã lên đến đỉnh điểm và Mỹ sẽ sớm bắt đầu cảm thấy khó khăn.

Tuy nhiên Brock Silvers, giám đốc điều hành của Kaiyuan Capital cho rằng Bắc Kinh có thể quá lạc quan về khả năng thương lượng của mình. “Nền kinh tế của Trung Quốc đã ổn định nhờ các biện pháp kích thích kinh tế nhưng đó chỉ là ngắn hạn. Nền kinh tế vẫn còn nhiều vấn đề - Sự gia tăng tăng tín dụng khổng lồ có thể chỉ đem đến một sự cân bằng tạm thời. Nhiều nhà phân tích đã nói về nguy cơ giảm tốc có thể xảy ra vào cuối năm nay”, ông Keith Silvers nói. “Trò chơi chờ đợi trong cuộc chiến thương mại vì thế đối với Trung Quốc rủi ro hơn nhiều so với Mỹ nước có nền kinh tế vẫn rất mạnh mẽ”.

Minh Kỳ - Theo South China Morning Post
Cùng chuyên mục