Big C ngừng nhập hàng Việt: Cứ theo pháp luật và kinh tế thị trường!
Xung quanh sự việc Big C ngưng nhập hàng Việt, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, sáng 4/7, Bộ Công Thương đã mời đại diện Tập đoàn Central Group Việt Nam, đơn vị sở hữu Big C tới làm việc.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải. (Ảnh: P.V)
Theo ông Hải, hệ thống siêu thị Big C cũng tham gia làm nhiều chương trình quy mô rất lớn tại Việt Nam và cũng phối hợp với Bộ Công Thương làm những chương trình quảng cáo hàng Việt tại Thái Lan. Đến nay có gần 4.000 nhà cung cấp Việt Nam đang cung cấp hàng hoá cho các hệ thống của BigC, trong đó có 200 nhà cung cấp chuyển cung cấp mặt hàng dệt may.
“Những gì DN FDI đã làm ở Việt Nam như đóng góp vào ngân sách, tạo công ăn việc làm, xây dựng hệ thống phân phối hiện đại, chúng tôi hoan nghênh. Nhưng chúng tôi cũng nêu quan điểm, vấn đề của BigC với 200 DN may mặc là việc của DN nhưng phải căn cứ trên hợp đồng và tuân thủ các quy định khác của luật pháp Việt Nam. Quan điểm của chúng tôi, một mặt hoan nghênh, tạo điều kiện cho các DN FDI nhưng một mặt kiên quyết bảo vệ quyền lợi cho các DN và người tiêu dùng Việt Nam”, ông Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Theo ông Hải, sau cuộc họp, BigC cam kết mở đơn hàng cho 50 trong số 200 DN may mặc của Việt Nam trong hôm nay và trong 2 tuần tới sẽ mở thêm đơn hàng cho khoảng 100 nhà cung cấp khác. Như vậy sẽ có 150 nhà cung cấp sẽ tiếp tục cung cấp hàng cho BigC. Còn 50 nhà cung cấp khác BigC sẽ làm việc kỹ hơn để đảm bảo yêu cầu về việc cấp hàng.
Ngay trong chiều nay (4/7), tại Hội nghị Chính phủ và các địa phương, trong phát biểu, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cũng đã yêu cầu làm rõ vụ việc liên quan đến Big C.
Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình (ảnh IT).
Cụ thể, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ đã yêu cầu: "Bộ Công Thương làm rõ việc Big C có sự phân biệt đối xử hàng hóa Việt Nam ngay trên lãnh thổ của chúng ta hay không? Trước đây, chúng ta đã cảnh báo việc này".
Cứ theo pháp luật và kinh tế thị trường!
Xung quanh sự việc này, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho biết, khi chưa rõ nguyên nhân vì sao Big C lại có động thái ngừng nhập hàng Việt như mới đây thì không thể kết luận Big C đã làm đúng hay sai?
“Big C có quyền lập một siêu thị chuyên bán hàng Thái (hoặc hàng nước nào đó) mà không phải là hàng Việt Nam, miễn sao được Nhà nước cho phép. Trong sự việc này, tôi nghĩ Big C là công ty lớn, khi quyết định điều gì họ có luật kinh tế tham vấn, khó có thể làm sai. Tuy nhiên, khi chưa rõ thông tin thì chúng ta không thể kết luận họ đúng - hay sai”, ông Hiển nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, nhiều luật sư thừa nhận, thực tế mà nói, không thể nói Big C phạm luật mà vấn đề mấu chốt là phải xem kỹ hợp đồng giữa các bên cung cấp và Big C thế nào. Phải xem Big C có vi phạm điều khoản nào trong hợp đồng hay không, nếu không có hợp đồng thì cũng rất khó, thực sự mà nói thỏa thuận giữa hai bên chỉ được ràng buộc bằng hợp đồng. Nhưng nếu ràng buộc trong hợp đồng nó lỏng lẻo quá thiệt hại chắc chắn doanh nghiệp sẽ phải gánh.
Nhìn từ phía doanh nghiệp, đây là một cuộc chơi sòng phẳng và cũng rất khắc nghiệt. Từ đây, một bài học mà doanh nghiệp Việt cần phải quán triệt là phải phát triển hệ thống kênh phân phối, là thương hiệu, làm truyền thông… chứ không mãi phụ thuộc vào kênh siêu thị. Đến một lúc nào đó, doanh nghiệp Việt phải tự đứng trên đôi chân của mình chứ không phụ thuộc vào người khác mãi được…
“Đã kinh doanh thì phải đề phòng rủi ro và đa dạng hóa thị trường, không thể vì một khách hàng (Big C) mà doanh nghiệp phải đóng cửa. Khi gặp một vấn đề với đối tác, thì doanh nghiệp nên tìm luật sư kinh tế tư vấn, để biết nên đàm phán cái gì hay nên kiện cái gì. Bên cạnh đó, còn có hiệp hội doanh nghiệp mà mình là hội viên để nhờ tư vấn và sức mạnh hiệp hội trong đàm phán...đã là kinh tế thị trường mà phản ứng theo kiểu tự phát thì không nên....”, chuyên gia Đinh Thế Hiến khuyến cáo.