Các cường quốc nhập khẩu dầu châu Á đau đầu vì lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran

26/04/2019 21:48 GMT+7
Các nền kinh tế lớn nhất châu Á đang tranh giành để tìm nguồn dầu mới sau khi Mỹ tuyên bố sẽ không còn miễn trừ các lệnh trừng phạt đối với xuất khẩu dầu thô của Iran.

Iran đã xuất khẩu khoảng 1,4 triệu thùng dầu thô mỗi ngày trong tháng 3.

Chính quyền Tổng thống Trump đã đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với dầu của Iran từ năm ngoái nhưng ngay lập tức đã miễn trừ cho Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc và Đài Loan, cũng như Italia, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ.

Những miễn trừ đó sẽ hết hạn vào ngày 2/5 tới. Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu Iran lớn nhất thế giới và Ấn Độ, nằm trong số những nước bị ảnh hưởng nhiều nhất. Châu Á hiện tiêu thụ nhiều dầu hơn bất kỳ khu vực nào khác, chiếm hơn 35% nhu cầu toàn cầu.

Một số quốc gia được cấp miễn trừ đã tìm được nhà cung cấp thay thế. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Italia, Hy Lạp và Đài Loan đã không còn nhập dầu từ Iran kể từ tháng 11/2018. Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc vẫn đang mua từ Iran.

Ấn Độ là mộ trong những nước đang có kế hoạch thay thế nguồn cung dầu từ Iran. "Sẽ có thêm nguồn cung từ các nước sản xuất dầu lớn khác", Bộ trưởng Bộ Dầu khí Dharmendra Pradhan đăng tweet vào thứ Ba.

Một số trong số các nguồn thay thế có thể đến từ chính Mỹ hoặc các đối thủ lớn của Iran trong OPEC. Chính quyền Tổng thống Trump hôm đầu tuần này cho biết Mỹ, Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất sẽ đảm bảo "thị trường dầu mỏ toàn cầu vẫn được cung cấp đầy đủ", nhưng không đưa ra chi tiết.

Bộ trưởng dầu mỏ Saudi Khalid al-Falih cũng cho biết nước này sẽ phối hợp với các nhà sản xuất khác "để đảm bảo có đủ dầu" và để "thị trường dầu toàn cầu không bị mất cân bằng". Tuy nhiên điều đó có thể nói dễ hơn làm. Iran đã xuất khẩu khoảng 1,4 triệu thùng dầu thô mỗi ngày trong tháng 3 và Mỹ muốn đưa số đó xuống mức không. Iman Nasseri, giám đốc điều hành tại Trung Đông tại công ty tư vấn Fact Global Energy, ước tính rằng Ả Rập Saudi và UAE có thể thay thế tới một triệu thùng dầu thô mỗi ngày của Iran.

Mỹ cũng có thể giúp lấp đầy khoảng trống. Sản lượng của Mỹ tăng 1,6 triệu thùng mỗi ngày trong năm 2018, và đang tăng hơn nữa trong năm nay. “”Khoảng cách có thể trở nên nhỏ hơn so với một số người đã lo sợ”, ông Nasseri nhận xét.

"Tùy thuộc vào số lượng Iran có thể bán ra bên ngoài hoặc buôn lậu vào các thị trường khác, mức độ gián đoạn có thể thấp tới 500 ngàn thùng mỗi ngày và cao tới một triệu thùng mỗi ngày", ông nói.

Chính quyền Mỹ đã cảnh báo rằng tất cả các quốc gia tiếp tục nhập khẩu dầu của Iran sẽ phải chịu lệnh trừng phạt của Mỹ. Tuy nhiên không phải tất cả phản ứng tuân theo. Bắc Kinh đã đóng sầm thông báo nói trên và nói rằng "phản đối các biện pháp trừng phạt đơn phương".

Ấn Độ là một trong những khách hàng nhập khẩu dầu lớn nhất từ Iran.

Hãng tin CNN dẫn lời các quan chức Hàn Quốc nói rằng nước này đã đấu tranh để tuân thủ các lệnh trừng phạt của Mỹ vì các nhà máy lọc dầu của nước này được thiết lập đặc biệt để xử lý dầu thô từ Iran. Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cũng lên Twitter rằng "Thổ Nhĩ Kỳ bác bỏ các biện pháp trừng phạt đơn phương và áp đặt về cách tiến hành quan hệ với các nước láng giềng".

Các quốc gia không tuân thủ yêu cầu của Mỹ có thể phải đối mặt với hậu quả khắc nghiệt. "Các lệnh trừng phạt kinh tế từ Mỹ có thể làm hỏng dòng chảy thương mại của họ, khả năng tiếp cận thị trường tài chính toàn cầu và cuối cùng là tiền tệ và nền kinh tế của họ", ông Russ Mold, giám đốc đầu tư của AJ Bell nói.

Đầu tháng này, Standard Chartered đã phải trả khoản tiền phạt khổng lồ 1,1 tỷ USD để giải quyết các cáo buộc rằng họ liên tục vi phạm lệnh trừng phạt đối với Iran và các quốc gia khác. Tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei đã bị cáo buộc tại Hoa Kỳ vì vi phạm lệnh trừng phạt đối với Iran.

Mỹ khẳng định các lệnh trừng phạt sẽ tiếp tục cho đến khi Iran kết thúc "việc theo đuổi vũ khí hạt nhân". Điều này làm tăng thêm mối lo ngại về nguồn cung trên thị trường dầu mỏ. Các chuyến hàng dầu của Venezuela đã bị xóa sổ bởi lệnh trừng phạt của Mỹ. Bạo lực đang làm rung chuyển Libya, một nhà sản xuất khác của OPEC.

Việc thay thế dầu thô của Iran sẽ không còn dư địa cho các nhà sản xuất ứng phó với những cú sốc về nguồn cung trong tương lai. "Vấn đề là cuối cùng họ sẽ có rất ít năng lực dự phòng còn lại cho bất kỳ trường hợp khẩn cấp nào khác hoặc bất kỳ cuộc khủng hoảng nào khác trên thị trường dầu mỏ về phía cung", Nasseri của Fact Global Energy cho biết.

Giá dầu thô thế giới đang trên đường tăng phi mã. "Mặc dù có thể vẫn còn quá sớm để dự đoán giá dầu trở lại 100 USD/thùng, giá dầu thô Mỹ dường như đang hướng tới mục tiêu 70 đô la nếu lo ngại về nguồn cung chặt chẽ trên thị trường dầu mỏ toàn cầu vẫn là chủ đề chính", ông Lukman nói Otunuga, nhà phân tích nghiên cứu tại FXTM ở London nhận định.

Nguyên Hà
Cùng chuyên mục