Sự cứng rắn của chủ tịch Tập Cận Bình sẽ dồn ông Trump vào chân tường?

28/06/2019 12:14 GMT+7
Rất nhiều người tin rằng ông Trump đã tự đặt mình vào một vị thế không mấy dễ chịu trước ông Tập Cận Bình. Còn Chủ tịch Trung Quốc lại có cơ hội giành quyền lãnh đạo toàn cầu từ tay Mỹ một khi ông ta đủ khôn khéo.

Tổng thống Mỹ Donald Trump rõ ràng đã kêu gọi một cuộc gặp gỡ mà kết quả vượt ngoài tầm kiểm soát của ông ta. Nhiều khả năng Tập Cận Bình sẽ thực thi quyền lực đơn phương từ chối mọi sự thỏa hiệp với Mỹ và từ chối cả xúc tiến đàm phán, cho đến khi các yêu sách mà Trung Quốc đưa ra được Mỹ tôn trọng.

Trump sẽ bị dồn vào chân tường?

Việc Tập Cận Bình kiên quyết không nhượng bộ và từ chối ngồi vào bàn đàm phán sẽ khiến Tổng thống Trump đi ngược lại lời khẳng định trước quốc gia về việc Trung Quốc buộc phải thỏa hiệp trước trừng phạt thuế quan. Nhưng đây chưa phải là điều tồi tệ nhất.

Các cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc bao gồm Nhân dân Nhật báo và Tân Hoa Xã đã liên tục khẳng định quan điểm của nước này: không mong muốn chiến tranh thương mại với Mỹ nhưng cũng không ngại đấu tranh để bảo vệ lợi ích quốc gia. Các bài phân tích trên mọi phương tiện truyền thông liên tiếp công kích chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ khi ra lệnh hạn chế thương mại và trừng phạt thuế quan, nhân danh những nguyên tắc thương mại tự do mà thế giới đang hướng đến.

Tờ Nhân dân Nhật báo vài ngày trước thẳng thừng khẳng định: “Mục đích của Mỹ đằng sau hành động xung đột thương mại là để kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc. Mỹ muốn bảo vệ vị thế dẫn đầu thế giới và Washington chỉ ngừng kích động chiến tranh thương mại một khi Bắc Kinh thỏa hiệp.”

“Lịch sử đã chứng minh sự thỏa hiệp chỉ dẫn đến những tình huống tồi tệ. Hãy nhìn tấm gương Nhật Bản những năm 80. Kết quả cho sự nhượng bộ của Nhật Bản là vô số bất lợi trong tình hình chính trị và phát triển kinh tế. Hàng loạt công ty công nghệ cao bị thiệt hại nghiêm trọng. Vô số cải cách trong cơ cấu chính trị bị đình chỉ.”

“Trung Quốc, với dân số 1,4 tỷ người, được mệnh danh là “công xưởng của thế giới”. Trình độ công nghệ cao và hiện đại hóa công nghiệp là động lực quan trọng thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Trung Quốc cần những nguồn lực để đảm bảo môi trường sống lành mạnh, điều kiện sống vượt trội cho các thế hệ tương lai. Trung Quốc sẽ không bao giờ từ bỏ những lợi ích cốt lõi này.”

“Cách duy nhất để một quốc gia vững mạnh là không ngừng phát triển. Để đạt được sự phát triển này, Trung Quốc sẽ tăng cường hội nhập, mở rộng cửa ra thế giới và chiến đấu đến cùng, quyết không thỏa hiệp”.

Lời khẳng định của Nhân dân Nhật báo đã nói thay nhiệm vụ mà Chủ tịch Tập Cận Bình gánh trên vai trong cuộc gặp gỡ với Tổng thống Donald Trump tại Osaka. Và một khi như vậy, nhiều khả năng ông Tập sẽ thẳng thừng từ chối yêu cầu nhượng bộ của Mỹ.

Chủ tịch Tập Cận Bình mang tinh thần không nhượng bộ của người dân Trung Quốc đến G20

Trừng phạt thuế quan hoặc thỏa hiệp!

Sự cứng rắn của Tập Cận Bình sẽ dồn Trump đến 2 con đường: kiên quyết áp thuế lên số hàng hóa 300 tỷ USD của Trung Quốc hay thỏa hiệp trước một Bắc Kinh không lùi bước.

Nếu cuộc gặp gỡ này sớm diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G20, có thể ông Tập sẽ mang hành động trừng phạt thuế quan và kích động xung đột thương mại của Mỹ vào nội dung bàn bạc tại G20 để buộc tội Washington bắt nạt kinh tế, đi ngược lại chính sách thương mại tự do và các quy tắc của WTO. Châu Âu khi đó sẽ chịu áp lực, thậm chí buộc phải quay lưng với Mỹ vì lập trường thương mại tự do nhóm nước này theo đuổi.

Trung Quốc sẽ dự kiến những biện pháp trả đũa, không dừng lại ở việc trả đũa thuế quan. Những phản ứng gay gắt nhất của Bắc Kinh có thể là xử phạt, tẩy chay hoặc thậm chí đóng cửa công ty Mỹ hoạt động tại thị trường này. Chắc chắn một điều, doanh số cũng như lợi nhuận các công ty, các nhà xuất khẩu của Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thị trường chứng khoán cũng không thoát được hệ lụy. Cán cân thanh toán nhiều khả năng diễn biến theo hướng bất lợi cho đồng bạc xanh.

Canh bạc đồng đô la

Nỗi lo sợ lớn nhất với Mỹ là khi Trung Quốc từ chối thanh toán bằng ngoại tệ USD cho hàng xuất khẩu nước này - một thất bại nghiêm trọng của đồng bạc xanh. Đây là một trong những vũ khí lớn nhất Bắc Kinh chưa khai thác, khi mà kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Mỹ của Trung Quốc lên tới hơn 530 tỷ USD mỗi năm. Và để làm đẹp lòng các nước Châu Âu một khi những nước này đứng về phe Trung Quốc, nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ yêu sách dùng đồng EUR thay vì USD trong giao dịch xuất khẩu.

Lưu ý là Trung Quốc từ lâu đã có kế hoạch phát triển ngành công nghiệp độc lập, xây dựng một ngành công nghệ không phụ thuộc vào Mỹ. Quá trình xây dựng có thể mất hàng chục năm, nhưng kế hoạch và nguồn lực đã sẵn sàng. Nền kinh tế Trung Quốc cũng sẵn sàng gánh vác những tổn thất ban đầu, quyết không thỏa hiệp.

Với trình độ khoa học kỹ thuật hiện nay, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ thành công xây dựng ngành công nghệ cao của riêng mình và trở thành người tiên phong trong nền công nghiệp toàn cầu. Trung Quốc sẽ xuất khẩu cho phần còn lại của thế giới hầu như tất cả hàng hóa dịch vụ mà nó xuất khẩu cho Mỹ. Trung Quốc đồng thời nhập khẩu công nghệ từ các quốc gia khác để lấp đầy khoảng trống cho đến khi nó xây dựng được một hệ thống tài nguyên hoàn chỉnh và đồng bộ.

Trong viễn cảnh đó, các công ty Mỹ sẽ không thể chen chân vào nền kinh tế lớn và tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Tương lai được quyết định qua một cuộc gặp gỡ

Thị trường đổ dồn mọi con mắt vào cuộc gặp gỡ của Trump và Tập Cận Bình tại G20 vào cuối tuần này - cuộc gặp gỡ mà chính người khởi xướng là Trump cũng không thể kiểm soát những nguy cơ của nó. Ông Tập Cận Bình đang đứng trước cơ hội lớn để giành quyền lãnh đạo không chỉ nền kinh tế mà còn cả chính trị toàn cầu.

(Bài viết bày tỏ quan điểm của ông Carl Weinberg - chuyên gia kinh tế kiêm giám đốc điều hành High Frequency Economic, New York).

Thùy Dung
Cùng chuyên mục